Ung thư gan có tỷ lệ mắc và tử vong cao tại Việt Nam. Hiện nay, đa phần các bệnh nhân ung thư gan thường đến khám ở giai đoạn muộn khiến cho việc điều trị khó khăn.
Không nên đợi có triệu chứng mới đi khám bệnh
Ung thư gan là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của các tế bào ung thư tại gan, trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là loại tổn thương thường gặp nhất, chiếm khoảng 90% trong các loại ung thư tại gan.
Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ nhất cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Ung thư gan giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, bệnh được phát hiện chủ yếu khi người bệnh đi khám sức khoẻ định kỳ.
Ths.BS Ngô Văn Tâm, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện K cho biết, trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân tới khám, bác sĩ vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ung thư gan ở giai đoạn trung gian (bệnh đã tiến triển), đa phần là giai đoạn muộn và có triệu chứng rất rõ ràng. Với những trường hợp mắc ung thư gan phát hiện ở giai đoạn không còn sớm, tiên lượng thường sẽ không tốt. Thời gian sống thêm của bệnh nhân thường chỉ kéo dài vài năm, có một số trường hợp sống thêm được 5 năm.
Ung thư biết sớm trị lành vì vậy, trong tất cả các loại ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng việc tầm soát bệnh là rất quan trọng. Ung thư là bệnh diễn tiến theo từng giai đoạn khác nhau. Một người hoàn toàn có thể phát hiện ung thư ngay ở giai đoạn sớm nếu đi khám và tầm soát sớm.
Bác sĩ Tâm nói thêm, ung thư được chia ra làm nhiều giai đoạn: tiền ung thư, giai đoạn rất sớm, giai đoạn sớm, giai đoạn trung gian và giai đoạn muộn. Nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn rất sớm và sớm, việc điều trị sẽ rất dễ dàng, đạt hiệu quả cao. Bệnh nhân hoàn toàn có thể sống thêm được từ 5 năm 10 năm.
Đối với ung thư gan, nhóm có yếu tố nguy cơ cao, bao gồm những người mắc viêm gan mạn tính, bệnh gan do rượu, yếu tố gia đình cần tầm soát định kỳ bằng cách siêu âm, xét nghiệm các chỉ số chỉ điểm khối u.
Ung thư gan rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu vì các triệu chứng rất mờ nhạt. Đa phần bệnh nhân tới khám khi có triệu chứng, bệnh ở đã ở giai đoạn trung, hoặc muộn. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân mắc ung thư gan có thể cảm thấy chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, chướng bụng, vàng da, vàng củng mạc mắt,…
Ung thư gan khi tiến triển tới giai đoạn muộn, các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng như: Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; Sụt cân không rõ nguyên nhân; Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn; Luôn có cảm giác ngứa; Chướng bụng; Vàng da, vàng củng mạc mắt; Đi ngoài phân trắng/bạc màu.
Để phòng ngừa ung thư gan, theo chuyên gia ung bướu, cách tốt nhất là khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần. Đặc biệt là với nhóm người có yếu tố nguy cơ cao như: người mắc xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,… Những người thuộc nhóm trên cần tầm soát theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Tiêm phòng vắc xin viêm gan B cũng là cách giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư gan. Ngoài ra, trong ăn uống, mọi người cần tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, các loại hạt đã bị mốc vì chúng dễ làm tổn thương gan.
Không riêng gì ung thư gan mà tất cả các bệnh khác, nếu mọi người đợi có triệu chứng mới đi khám bệnh thì bệnh có thể đã ở giai đoạn muộn. Trường hợp nghi ngờ mắc ung thư gan, người dân nên đi khám sớm để được bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm (như xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan) để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Tags