(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Albert Camus từng nói, “không có tình yêu cuộc sống nếu không có nỗi đau của cuộc sống”. Ý nghĩa của nó không thể đúng hơn với đội tuyển Anh vào lúc này, rằng không có thành công nào nếu không trải qua nỗi đau, mất mát. Vì thế, nỗi đau EURO 2020 rồi sẽ trôi qua, để họ hướng về World Cup 2022 với quyết tâm lớn hơn.
Con quỷ lớn nhất của đội tuyển Anh vẫn còn đó.
Gareth Southgate và các cầu thủ của ông đã làm rất nhiều trong mùa Hè này để xác định lại mối quan hệ của đội tuyển với các giải đấu lớn, nhưng bóng ma tâm lý lớn nhất trong bữa tiệc đã phá hỏng một giấc mơ khác: “Tam sư” một lần nữa thua trong loạt sút luân lưu 11m.
Nỗi đau còn đó
Lịch sử lại phải khắc ghi thêm một năm tổn thương cho người Anh. Southgate đã chọn đội hình trẻ thứ hai tại các vòng chung kết một phần vì họ không bị gánh nặng bởi sức nặng của lịch sử, nhưng rồi EURO 2020 hiện nằm cùng với các năm 1990, 1996, 1998, 2004, 2006 và 2012 trong danh sách những thất bại theo phương thức tàn nhẫn nhất có thể.
Thống kê cho thấy, Anh chỉ thắng 22% trong các loạt sút luân lưu ở các giải đấu lớn của họ (2 trong số 9) và đây là tỉ lệ thấp nhất so với bất kỳ quốc gia châu Âu nào tham gia vào 3 loạt sút trở lên.
Thực tế thì Southgate đã làm rất nhiều việc để xua tan nỗi sợ đá phạt đền trong năm 2018, giúp họ thành công trong loạt luân lưu đầu tiên tại World Cup ở vòng 1/8 trước Colombia. Có một niềm tin và logic trong phương pháp của họ vào đêm hôm đó đã không được lặp lại vào chủ nhật vừa qua tại Wembley, khi Italy vượt qua loạt luân lưu lỗi với tỉ số 3-2 sau 120 phút kết thúc 1-1. Cụ thể thì đó là cú sút 11m đầu tiên trong sự nghiệp của Bukayo Saka, Marcus Rashford lâu nay vẫn có vấn đề về chấn thương vai khiến anh chỉ ra sân vỏn vẹn 84 phút ở EURO 2020, và Jadon Sancho chỉ chạm bóng 2 lần trước cú sút 11m của anh.
Tuy vậy thì cũng không ai phù hợp hơn Southgate để an ủi bộ 3 này sau nỗi thất vọng lớn như vậy, vì quả phạt đền mà chính ông đã sút hỏng 25 năm trước đó ở sân Wembley cũ.
Thế nhưng, đối với một người rất chịu khó nghiên cứu và chi tiết trong việc chuẩn bị của mình, thất bại giống như một cao trào tồi tệ cho một trận đấu mà người Anh đã nhường thế chủ động sớm. Vì vậy, bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, Southgate đã tìm cách xoa dịu mọi lỗi lầm khỏi những cầu thủ đã sút hỏng 11m. “Những gì họ phải biết là không ai trong số họ có lỗi”, Southgate nói. “Chúng ta thắng và thua như một đội bóng và việc chọn ai sút 11m là quyết định của tôi, không phải của các cầu thủ”…
Đứng dậy thế nào đây?
Nhìn lại thì đội tuyển Anh hiện tại cũng đã tạo ra một dấu mốc lịch sử của riêng mình. Đấy là niềm an ủi trong lần đầu tiên họ có mặt ở một trận chung kết sau 55 năm, chiến thắng ấn tượng trước Đức, chiến thắng nghẹt thở trước Đan Mạch trong trận bán kết và sự kết nối lại với người hâm mộ, trong khi tạo ra tác động tích cực đến các vấn đề xuyên suốt thể thao.
Southgate nói: “Họ đã làm được nhiều điều hơn bất kì đội tuyển Anh nào khác trong 50 năm qua. Vì vậy, các cầu thủ nên tự hào về những gì họ đã làm được. Đêm nay, tất nhiên, thật khó để đến gần như vậy và mọi người hiểu rõ những cơ hội đó trong đời là vô cùng hiếm hoi."
Sau cùng thì FA từ lâu đã xác định World Cup năm sau tại Qatar như là giải đấu mà đội tuyển Anh sẽ vô địch. Chưa rõ Southgate có đi cùng các cầu thủ trẻ mà ông đã dẫn dắt trong những năm qua ở World Cup 2022 hay không, nhưng phải nói rằng, trong cơn tuyệt vọng vẫn có những hi vọng. Như đã nói, đây là hành trình xa nhất mà đội tuyển Anh từng trải qua ở một giải đấu trong 55 năm và họ trở lại sau màn trình diễn đầy hứa hẹn ở World Cup 2018. Tuy nhiên, đội hình này thực chất hơn ở Nga với bằng chứng rõ ràng hơn về sự linh hoạt trong chiến thuật và các tài năng trẻ hơn, nhiều tiềm năng hơn.
Phía trước họ sẽ là 18 tháng nữa cho World Cup tiếp theo, để biết được họ có thể rút ra được những bài học gì từ EURO 2020. Rằng, sẽ không có thành công nào nếu họ không trải qua nỗi đau, mất mát.
Mạnh Hào
Tags