Trận thua Tây Ban Nha 0-9 đưa đội tuyển nữ Việt Nam về với thực tại, nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ nếu chúng ta vui vì ghi bàn vào lưới tuyển Đức và chỉ để thua 1-2 thì cũng đừng bi quan khi để thua Tây Ban Nha đến 0-9. Chúng ta không đột ngột mạnh lên mà chẳng vì chủ quan mà thua đậm.
Đừng để tỷ số lừa dối, giữa 2 trận đấu với 2 đội nằm trong tốp đầu thế giới, thật ra chẳng có gì khác biệt cả. Thầy trò HLV Mai Đức Chung gặp Đức cách đây hơn 2 tuần, thời điểm đội này chỉ mới bắt đầu tập trung và thiếu đến 9 trụ cột. Trong khi đó, trận với Tây Ban Nha lại là đợt kiểm tra cuối cùng của cả 2 đội trước khi bước vào vòng đấu bảng World Cup 2023 nên về lý thuyết, trận này Tây Ban Nha đá hết sức để hoàn thiện đội hình. Hơn nữa, từ đầu tháng 6 đến nay, tuyển Tây Ban Nha chỉ có đúng 1 trận giao hữu với Việt Nam nên họ phải tận dụng tốt cơ hội này để rèn giũa.
Câu chuyện đẹp về trận thua 1-2 trước Đức nhanh chóng tan biến sau 2 thất bại trước New Zealand và Tây Ban Nha. Nhưng đó mới chính là thực tại. New Zealand cho đến nay chưa từng có trận thắng nào ở World Cup dù đã 6 lần dự giải, vậy nhưng cũng hoàn toàn lấn át Việt Nam, phản ánh đúng thứ hạng 25 của họ trên thế giới. Với Tây Ban Nha, dù họ chỉ mới có 2 lần dự World Cup nhưng đây là nền bóng đá nữ phát triển nhất thế giới khi đang đứng hạng 6 FIFA. Thua các đội bóng như thế này thì dễ giúp chúng ta hình dung chính xác về vị trí của tuyển nữ Việt Nam tại World Cup.
Vừa rồi trang web chuyên về thống kê Opta có bài nhận định về đội tuyển Việt Nam, họ dẫn lời HLV Mai Đức Chung cho biết: Chỉ cần 1 bàn thắng sẽ làm nên lịch sử. Đúng, 1 bàn thắng, chúng ta không nghe lầm đâu. Tây Ban Nha, đội bóng vừa mới thắng chung ta 9-0 cũng chỉ mới ghi tổng cộng 6 bàn và cũng chỉ mới có 1 trận thắng duy nhất.
Còn New Zealand ở 5 lần dự World Cup trước thì chỉ có 8 bàn và có 3 trận hòa, chưa có chiến thắng. HLV Mai Đức Chung không phải khiêm tốn khi nói điều đó. Bao nhiêu năm làm bóng đá nữ, ông Chung biết rằng việc dự World Cup là gần như giới hạn cuối cùng của bóng đá Việt Nam. Việc chúng ta có vượt qua được giới hạn đó được hay không, là chuyện của tương lai và là chuyện liệu chúng ta có thể làm được gì trong lần đầu tiên dự giải hay không. 1 bàn thắng, hay tuyệt vời hơn, là 1 điểm chẳng hạn?!
Đó chính là điều cần quan tâm lúc này chứ không phải kết quả của các trận giao hữu. Hay nói đúng hơn, chúng ta cần chuẩn bị một tâm thế dự World Cup đúng đắn nhất. Không khó để biết đội tuyển Việt Nam sẽ đá phòng thủ - phản công, nhưng nói thì dễ, chứ phòng thủ ra sao mà không thủng lưới quá sớm đến mức vỡ trận, phòng thủ ở mức độ nào để còn phản công được, rồi thời điểm nào là tổ chức phản công hợp lý chứ không phải lao lên ghi 1 bàn quá sớm rồi thủng lưới chục bàn vì xuống sức cuối trận, là cả một vấn đề không đơn giản.
Chưa kể, lịch thi đấu đẩy chúng ta đối đầu với đội bóng mạnh nhất thế giới ngay trận đầu tiên của giải đấu lịch sử. Đó là trận đấu mà chúng ta không có cửa thắng nào cả, ngược lại phải tính đến chuyện thua ra sao để còn tinh thần, sức lực đá 2 trận còn lại trước Hà Lan và Bồ Đào Nha. Thậm chí, cũng phải nghĩ đến cái gọi là "sang chấn tâm lý" nếu để thua quá nặng ngay trận đầu tiên.
Có lẽ không công việc nào khó như HLV Mai Đức Chung đang nhận lúc này. Nghĩ cách đá thắng đội mạnh hơn mình đã khó, nghĩ cách để thua sao cho… hợp lý trong một trận đấu mà có đến 99% mình sẽ thua, thực sự là không phải ai cũng làm được. Thế nên mới nói là tâm thế chờ đến trận đấu đầu tiên của đội tuyển, của người hâm mộ và hơn thế, của bóng đá Việt Nam rất quan trọng.
Tags