Đội tuyển nữ Việt Nam: Tạm xài thầy nội

Thứ Bảy, 02/08/2014 18:13 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khi giấc mơ World Cup đã rời xa tầm tay, bóng đá nữ Việt Nam quay về với mục tiêu thiết thực hơn là nâng chất lượng giải VĐQG, từ đó thay đổi diện mạo của đội tuyển quốc gia. Không còn HLV Trần Vân Phát, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được đặt vào tay “người cũ” Mai Đức Chung trong lúc chờ “luồng gió mới” đến từ Nhật Bản.

Nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA), phía Nhật Bản đã giới thiệu cho Việt Nam hồ sơ của hai ứng cử viên cho vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Hồ sơ của những ứng cử viên này đã được chuyển đến cho lãnh đạo VFF hôm 11/7 vừa qua, thời điểm ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Theo thông tin từ Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, đây là những HLV nam có kinh nghiệm của JFA, một trong hai HLV này đã có thời gian tu nghiệp tại Đức. Việc thẩm định hồ sơ, quyết định lựa chọn HLV nào trong hai ứng cử viên này sẽ do Ban tổng thư ký VFF và Phòng các đội tuyển quốc gia bàn bạc rồi đi đến quyết định trước khi công bố.

Tạm quay về HLV nội

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ sớm có HLV người Nhật Bản, đó là khẳng định từ Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Thế nhưng, do không ưng ý với hồ sơ hai ứng cử viên mà phía  JFA giới thiệu trong khi đội tuyển bóng đá nữ QG tập trung chuẩn bị từ ngày 12/8 cần sớm có HLV. Chính vì thế, lãnh đạo VFF đã quyết định mời HLV Mai Đức Chung, người mới chia tay CLB Thanh Hóa cách đây chưa lâu làm HLV trưởng.

HLV Mai Đức Chung vốn là đã quá quen thuộc với bóng đá nữ Việt Nam. Dưới thời HLV Mai Đức Chung, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã 2 lần giành HCV SEA Games. HLV Mai Đức Chung cũng chính là người có công phát hiện ra nhiều nhân tố nổi bật ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giai đoạn trước đây như Anh Đào, Nguyễn Thị Vui (TP.HCM), Vũ Thị Hậu, Âu Thị Thu Quế (Thái Nguyên) và đặc biệt là Văn Thị Thanh, người hiện đang làm HLV trưởng CLB PP Hà Nam.

Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa cuối tuần sau khi nhận lời quay lại dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung cho biết: “Tại Asiad 17, cơ hội cạnh tranh thứ hạng cao của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam không nhiều nên phải tranh thủ lúc này để trẻ hoá lực lượng, nhất là khi ở SEA Games 2015, môn bóng đá nữ không được tổ chức".

HLV Mai Đức Chung xác định nhiệm vụ trẻ hóa lực lượng ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thời điểm này nhưng với chỉ 6 CLB tham dự giải VĐQG trong nhiều năm, bóng đá nữ Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn về nhân sự, nhất là những gương mặt mới. Các cầu thủ đã và đang thi đấu nổi trội ở giải bóng đá nữ VĐQG đồng thời vẫn đang là trụ cột ở đội tuyển quốc gia, vừa tham dự giải VĐ châu Á hồi tháng 5 tại TP.HCM như Kiều Trinh, Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Xuyến, Kim Hồng, Lê Thị Thương, Hoàng Quỳnh, Nguyễn Thị Liễu, Tuyết Dung, Lê Thu Thanh Hương, Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Hòa…

Song song với thời điểm lượt về giải VĐQG 2014 được tổ chức tại Nha Trang, đội tuyển bóng đá nữ U19 Việt Nam cũng đang được tập trung ở Hà Nội, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á 2014. Sau đợt rèn thể lực ở Sầm Sơn, thầy trò HLV Nguyễn Duy Hùng đã quay về Hà Nội, bước vào tập luyện kỹ, chiến thuật, kết hợp với thi đấu giao hữu để hoàn thiện đội hình trước ngày lên đường tham dự giải.

Nhân sự trong tay HLV Nguyễn Duy Hùng cũng là những cầu thủ trẻ triển vọng của bóng đá nữ Việt Nam nhưng chính tại các CLB của họ, không nhiều người trong số này có được vị trí chính thức.

Bên cạnh vấn đề con người, việc xây dựng lối chơi mới cho đội tuyển cũng được đặt ra, nhất là khi sơ đồ chiến thuật 5-3-2 hoặc biến thể 3-5-2 được áp dụng dưới thời HLV tiền nhiệm Trần Vân Phát bị đánh giá là quá cũ kỹ và không còn phù hợp. Thế nhưng, từ ý tưởng đến việc triển khai thực hiện trong thực tế vẫn còn một khoảng cách lớn.

Chẳng nói đâu xa, ngay ở các CLB đang tham dự giải bóng đá nữ VĐQG hiện nay, lối chơi 5-3-2 như đội tuyển Việt Nam vẫn được nhiều đội áp dụng. Nói cách khác, các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam đã quá quen với lối chơi cũ nên việc điều chỉnh theo cách đá mới là không đơn giản.

Cần lắm những tấm lòng

Bao năm qua, bóng đá nữ Việt Nam luôn thất thế so với bóng đá nam cả ở mức độ đãi ngộ, sự đầu tư cũng như sự quan tâm, chú ý của dư luận. Ở thời điểm đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử, cạnh tranh tấm vé tham dự World Cup 2015 tại Canada, các tuyển thủ đã được sự hỗ trợ đặc biệt từ VFF cả về chế độ dinh dưỡng cũng như kế hoạch tập huấn nước ngoài. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ và không phải sự đầu tư nào, trong thời điểm nào cũng phát huy hiệu quả.

Hơn nữa, để đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có cái nền vững mạnh và tiến những bước vững chắc, sự đầu tư ngắn hạn theo kiểu “no dồn, đói góp” sẽ không giải quyết được vấn đề. Để có được một đội tuyển quốc gia vững mạnh, bóng đá nữ Việt Nam cần có một nền tảng vững chắc, nền tảng đó đến từ đâu, chính là các CLB. Việc nâng chất lượng giải vô địch quốc gia, cải thiện hình ảnh của đội tuyển quốc gia không chỉ riêng bóng đá nữ mà cả với bóng đá nam đã từng được nhắc đến từ lâu nhưng những gì làm được vẫn còn tương đối hạn chế.

Cũng chính bởi kết quả thi đấu của đội tuyển không được như mong muốn ở các giải đấu quốc tế lớn mà gần nhất là VCK giải VĐ châu Á nên sự quan tâm của dư luận, người hâm mộ ở đội tuyển đã bị suy giảm đi nhiều.

Lượt đi giải bóng đá nữ quốc gia được tổ chức tại TP.HCM còn lượt về chuyển đến SVĐ Nha Trang ở thời điểm World Cup 2014 chỉ vừa mới kết thúc, vì thế, sự quan tâm với bóng đá nữ nước nhà vốn đã ít lại càng ít. Các cầu thủ vốn đã quen với điều kiện thi đấu mà trên các khán đài trống vắng khán giả nhưng dù gì thì tâm lý của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Khi mà chúng ta chờ đợi nhiều ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng như các tuyển thủ thì cũng cần dành cho họ nhiều hơn sự quan tâm, động viên. Bóng đá không có khán giả, bóng đá sẽ chết, đó là điều mà ai cũng có thể hiểu.

Với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, chỉ HLV ngoại thôi là chưa đủ để có thể cải thiện được trình độ, hướng đến những mục tiêu lớn hơn thay vì chỉ lo lắng vì SEA Games hay giải vô địch Đông Nam Á.

Thành Đạt
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›