Đội tuyển Việt Nam: Đã đến lúc thay đổi

Thứ Ba, 02/04/2024 06:25 GMT+7

Google News

"Chúng tôi sẽ tính toán lại các phương án nhân sự các ĐTQG, với những trường hợp cầu thủ nhập tịch và Việt kiều có khát khao cống hiến. Tuy nhiên, việc nhập tịch không thuộc thẩm quyền của VFF", Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF, ông Trần Anh Tú, chia sẻ.

Singapore, Philippines và Indonesia là những quốc gia Đông Nam Á đi tiên phong trong vấn đề tận dụng nguồn chất xám ngoại lực, để nâng cấp năng lực chinh phục của ĐTQG và đồng thời kích thích sự phát triển của cả nền bóng đá. Đây là một chiến lược nghiêm túc và thực tế trong 10 năm đầu, kể từ khi giải vô địch Đông Nam Á ra đời (1996 - 2007), Singapore và Thái Lan đã thay nhau thống trị khu vực.

Giai đoạn ngắn 2010 - 2014, Philippines cũng từng nổi lên như một thế lực mới bằng dàn sao nhập tịch và họ từng thắng Việt Nam ngay tại Mỹ Đình. Gần nhất, có thể kể đến Indonesia. Đội bóng xứ vạn đảo đã hoàn toàn lột xác, với chất lượng đội hình được nâng cấp, dễ dàng vượt qua chúng ta trong ít nhất 3 cuộc đối đầu quan trọng. Tham vọng của Indonesia chắc chắn không chỉ là vô địch AFF Cup hay dừng lại ở vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2026.

Nhập tịch và việc sử dụng cầu thủ nhập tịch, từ cấp CLB cho đến ĐTQG, không được cho là biện pháp mang tính đi tắt đón đầu nhằm cải thiện thành tích ở cấp độ nào đó. Chúng ta nên nhìn nhận ở các khía cạnh tích cực khác: Tăng tính cạnh tranh và kích thích sự phát triển của nền bóng đá. Giai đoạn 2007 - 2012, bóng đá Việt Nam đã có cơ hội tiệm cận ở một đẳng cấp khác, với nguồn tài nguyên này, nhưng chúng ta đã bỏ qua, để rồi mất thêm hơn nửa thập niên nữa mới trở lại (2018 - 2022).

Mặc dù bóng đá Việt Nam đã gặt hái được một số cột mốc chưa từng có trong lịch sử dưới thời HLV Park Hang Seo, nhưng cũng có thể cảm nhận, thành tích ấy đã là kịch trần năng lực chinh phục của nền bóng đá rồi. Nó gọi là giới hạn. Muốn phát triển lên nữa, cần thêm nhiều thế hệ cầu thủ khác chất lượng hơn, tất nhiên, kèm theo đó là một chiến lược bài bản, tầm vĩ mô.

Bình luận: Đã đến lúc thay đổi - Ảnh 1.

Những cầu thủ ngoại kiều đang chơi bóng ở châu Âu như Idzes (phải) đã giúp ĐT Indonesia hoàn toàn lột xác. Ảnh: Hoàng Linh

"Một mình tôi không thể đưa bóng đá Việt Nam đến với World Cup. Chính phủ sẽ phải có những đầu tư về hạ tầng tập luyện, thi đấu và cần có sự đồng bộ của rất nhiều địa hạt khác, như dinh dưỡng, y tế, giáo dục và hệ thống đào tạo trẻ có quy mô", ông Park từng chia sẻ ngay trong giai đoạn thành công nhất.

Trở lại với việc tận dụng nguồn ngoại lực để phát triển nội tại, chúng ta vẫn đang sở hữu những cơ sở nhất định, cụ thể là sự xuất hiện của thủ môn Nguyễn Filip. Kể từ ngày ra mắt đội tuyển Việt Nam ở VCK Asian Cup 2023 cho tới nay, tuy chưa có được thành tích nào cùng đội tuyển Việt Nam, nhưng ai cũng thấy thủ thành Nguyễn Filip là sự bổ sung chất lượng đến thế nào cho vị trí chốt chặn cuối cùng.

Trước Nguyễn Filip, một thủ môn Việt kiều khác là Đặng Văn Lâm cũng đã đóng góp công sức rất lớn trong những chiến tích rực rỡ của bóng đá Việt Nam ở nhiệm kỳ của HLV Park Hang Seo.

Từ trường hợp của Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm và cả sự vươn lên mạnh mẽ của đội tuyển Ịndonesia từ dàn cầu thủ ngoại kiều đến từ châu Âu, dễ dàng nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc nâng cấp sức mạnh cho nền bóng đá bằng nguồn lực cầu thủ Việt kiều vẫn còn nhiều hứa hẹn và tiềm năng.

Rõ ràng nền bóng đá xứ sở đang thua thiệt Thái Lan và Indonesia về năng lực cạnh tranh và còn có thể thua tiếp trong vài năm nữa, với nguồn nội lực như hiện tại. Thay đổi hay bị bỏ lại?! 

 

CCKM

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›