Từ năm 2012 đến nay, lần đầu tiên mà đội tuyển Việt Nam phải bắt đầu giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup trước kia và nay là ASEAN Cup) với một trạng thái đầy hoài nghi như vậy. Tuy nhiên, so với thời điểm mà HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt, thì những băn khoăn về đội tuyển Việt Nam không phải là chúng ta có thành công hay không, mà là phải thành công như thế nào.
1. Theo báo The Straits Times của Singapore, hiện đang có tin đồn rằng Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) sẽ học theo Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) để tổ chức giải đấu Nations League nhằm thay thế các trận đấu giao hữu FIFA Days. Trên thực tế, nhiều năm qua, AFC đang thúc đẩy các Liên đoàn bóng đá thành viên chuyển đổi hệ thống thi đấu các giải vô địch quốc gia theo thời gian của bóng đá châu Âu, qua đó đã ổn định được các trận đấu thuộc FIFA Days. Việt Nam cũng đã hoàn thiện lịch trình này. Thế nên thông tin có Nations League cũng không có gì bất ngờ.
Vấn đề nằm ở chỗ, cơ cấu bóng đá của châu Á khác hẳn châu Âu dù số lượng thành viên tương đương. Châu Á quá rộng lớn, nên thường phải phân theo khu vực địa lý để thi đấu mỗi khi tổ chức các giải bóng đá toàn châu lục. Và cũng vì thế, ở châu Á có nhiều giải đấu khu vực kiểu như ASEAN Cup hay Cúp Vùng Vịnh, Cúp Nam Á và thậm chí có cả Cúp của các quốc gia Ả rập – Vùng Vịnh. Những giải đấu này lâu nay xen kẽ giữa các sự kiện quốc tế khác nhằm tăng thêm cơ hội thi đấu cho một số nền bóng đá yếu vốn thường bị loại sớm tại các vòng loại Asian Cup hay World Cup.
Thế nên, khi Nations League mà ra đời, và phân chia đẳng cấp theo kiểu châu Âu, cũng như vẫn giữ kiểu phân bổ thi đấu theo khu vực, thì các giải như ASEAN Cup sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ như Nations League phiên bản châu Á nếu diễn ra tại khu vực Đông Nam Á thì nhóm các đội hàng đầu như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia sẽ cùng nhóm.
Trong khi đó, ASEAN Cup từ trước đến nay vốn chỉ hấp dẫn kể từ vòng bán kết 4 đội. Như vậy, tính chất thì giống nhau nhưng Nations League châu Á sẽ hấp dẫn hơn do thuộc FIFA Days nên sẽ không có chuyện các đội bóng thiếu cầu thủ giỏi như tại ASEAN Cup 2024.
2. Tất nhiên là chưa biết bao giờ thì mới có Nations League, nhưng có một chuyện khá rõ ràng: bóng đá châu Á rồi sẽ thay đổi rất nhiều. Việc có đến nhiều hơn 8 suất dự World Cup đem đến nhiều cơ hội cho các đội bóng như tại Đông Nam Á, nhưng đồng thời cũng gây ra áp lực khá lớn đối với quá trình phát triển của các nền bóng đá.
Giành được quyền dự World Cup là một chuyện, đá World Cup ra sao là chuyện hoàn toàn khác nếu không muốn "chưa kịp đến đã muốn đi về" khi trở thành những "cái túi đựng bóng" với các tỷ số tủi hổ.
Không phải vô cớ mà Indonesia hay Malaysia dồn sức cho chiến lược nhập tịch cầu thủ. Điều đó giúp họ vừa tiến gần hơn với cơ hội World Cup, vừa bảo đảm cho việc dự mà không phải lo sợ là mình không đủ tầm.
Thế nên, ở góc độ nào đó, việc được đá các trận đấu "lớn" sẽ quan trọng hơn thắng một danh hiệu khu vực "vùng trũng". Sẽ là vô nghĩa khi vô địch ASEAN Cup nhưng chẳng vượt qua nổi vòng loại thứ hai của World Cup. Hoặc ngược lại, chẳng cần vô địch ASEAN Cup, nhưng đoạt vé dự World Cup và chơi ra trò, thì điều nào sẽ khiến người hâm mộ nước nhà thích hơn?!
Nói như vậy không có nghĩa là ASEAN Cup không còn giá trị, nhất là khi Nations League chưa ra đời. Nhưng như đã nói, bóng đá châu Á sẽ phải thay đổi và ASEAN Cup buộc bị cuốn theo. Nên việc chiến thắng ở ASEAN Cup là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là những gì thể hiện có nói lên được khao khát và sự chuẩn bị cho tương lai của đội bóng hay không?
Dù sao, cứ mỗi 2 năm có đến 8 trận đấu để xây dựng và định hình sức mạnh cũng rất đáng quý. Về nguyên tắc, các đội bóng yếu thì càng đá nhiều trận quốc tế càng tốt. Nếu một đội châu Âu mỗi đang chơi đến 10 trận quốc tế để duy trì đẳng cấp, thì với làng cầu Đông Nam Á, con số phải gấp rưỡi, gấp đôi để nâng cao trình độ. Quan trọng là đá để vô địch hay để rèn đẳng cấp của mình.
3. Đội tuyển Việt Nam khởi đầu ASEAN Cup 2024 như một chiếc lò xo bị nén chặt. Hai năm qua, đà sa sút của chúng ta không đến mức lao dốc nhưng chắc chắn là không còn ở trạng thái để chiến thắng hay vươn tầm như trước.
Có một "thói quen" không biết là xấu hay tốt, đó là cứ khi bị "nén chặt" là chiếc lò xo ấy lại bung lên rất mạnh. Càng bị đẩy vào thế khó khăn, hiểm nghèo thì đội tuyển Việt Nam lại càng chơi hay. Điều này cũng ảnh hưởng đến lối chơi sở trường là phòng ngự - phản công của đội tuyển Việt Nam, đem lại cho chúng ta thành công ở các trận đấu với các đối thủ lớn.
Ngay từ trận đầu tiên với Lào, điều đó đã xuất hiện. Vất vả, bế tắc trong hiệp một rồi lại giải quyết rất nhanh trong hiệp hai. Điều đó có thể là do chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một quá trình thay đổi, hoặc cũng có thể là do "thói quen", cứ đợi đến khi khó khăn mới thực sự là chính mình.
Nhưng như đã nói, khác với sự hoài nghi của hơn 10 năm trước, thời điểm mà người hâm mộ có quá ít sự tin tưởng vào thành công ở đội tuyển, thì áp lực hiện nay là của một ứng cử viên vô địch. Các kỳ AFF Cup 2012 đến 2016, chúng ta chỉ hướng đến mục tiêu vào bán kết. Lần này, là phải vô địch.
Nghĩa là cái lò xo bị nén chặt ấy cần phải bung lên theo một cách khác. Đội tuyển của HLV Kim Sang Sik đang dần lộ ra hình hài và những chấm phá mới mẻ về cách tiếp cận trận đấu, nhưng tính thuyết phục thì chưa nhiều. Trong tay nhà cầm quân người Hàn Quốc không có nhiều nhân tố có thể tạo ra những đột phá về khía cạnh chiến thuật.
Nhưng đó cũng là điều tích cực cần phải ghi nhận từ ông Kim Sang Sik. Thật ra, cách suy nghĩ của ông không khác gì những người tiền nhiệm Park Hang Seo hay Philippe Troussier cả, tức là muốn có sự thay đổi về đẳng cấp thì cần con người và cách chơi mới.
Nó không thể là kiểu phải đợi đến khi bị dồn vào tình thế nguy hiểm, thì mới bộc lộ hết khả năng để tạo ra bất ngờ. Sự chủ động trong chơi bóng, cách chúng ta đi đến chức vô địch, rộng hơn nữa, là phong thái và tư duy của toàn đội bóng mới là điểm cần được quan tâm trong cuộc hành trình ASEAN Cup.
Mục tiêu tại ASEAN Cup không mới, nhưng hy vọng đội tuyển Việt Nam sẽ hướng đến điều đó bằng các giá trị mới mẻ hơn, với một mục tiêu xa hơn.
Những ngôi sao như Hoàng Đức, Quang Hải hiện cũng chỉ đang được kỳ vọng là chơi tốt như họ đã từng, hơn là chờ đợi họ sẽ thay đổi đẳng cấp của cả tập thể. Nhân vật được hy vọng mang đến điều đó là Nguyễn Xuân Son, thì hiện phải đợi các đồng đội hoàn thành mục tiêu lấy vé sớm vào bán kết ASEAN Cup 2024 rồi mới được ra sân. Ngay cả cách chơi bóng dài, đơn giản của Việt Nam trong trận đầu tiên hình như cũng đang chờ Xuân Son có mặt để hoàn thiện.
Tags