Đội tuyển Việt Nam và con đường cần đi...

Thứ Tư, 12/06/2024 05:50 GMT+7

Google News

Chuỗi thăng hoa của bóng đá Indonesia và những dấu hiệu khởi sắc gần đây từ đội tuyển Philippines một lần nữa đặt ra câu hỏi về vai trò, mối quan hệ của nhập tịch và đào tạo trẻ trong bóng đá.

Trước khi Thái Lan xác lập địa vị thống trị Đông Nam Á, đội tuyển số 1 khu vực trong một thời gian dài là Singapore. Chính sách của bóng đá Singapore trong giai đoạn ấy có rất nhiều nét giống Indonesia và Philippines ngày nay: Tận dụng tối đa nguồn lực nhập tịch và Singapore kiều, xây dựng lối chơi thực dụng với bóng bổng là trọng tâm. Bằng 2 điều đó, Singapore đã có 4 chức vô địch Đông Nam Á. Tuy nhiên, nguồn lực nội tại hạn chế khiến họ không còn duy trì được thành tích. Hơn 10 năm qua, Singapore đã rơi khỏi top 4 khu vực.

Khoảng 10 năm sau Singapore, một nền bóng đá khác ở Đông Nam Á là Myanmar đã vươn lên với đỉnh cao là việc U20 nước này giành vé dự World Cup trẻ 2015. Lứa trẻ ấy lập tức gây sốt, đưa Myanmar lần đầu tiên vào bán kết AFF Cup sau nhiều năm, tiến sâu tại SEA Games. Nhưng cũng giống như người Singapore, đó là tất cả những gì họ làm được. Từng tự hào với những cầu thủ "hay hơn Công Phượng, Tuấn Anh", Myanmar giờ vẫn ở chiếu dưới Đông Nam Á.

Con đường nhập tịch của Singapore không hề bền vững, con đường đào tạo của Myanmar cũng là chưa đủ.

Con đường... - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam cần cả cầu thủ Việt kiều cũng như cầu thủ bản địa. Ảnh: Thanh Hà

Lịch sử chứng minh những đội tuyển hàng đầu khu vực luôn phải là sự kết hợp của cả 2 yếu tố ấy, tức là sở hữu hệ thống đào tạo trẻ sâu rộng, toàn diện cùng chính sách săn tìm tài năng gốc nước ngoài hiệu quả, hợp lý.

Đội tuyển Việt Nam hay Indonesia ngày nay đều là ví dụ. Việt Nam có thế hệ Thường Châu làm nòng cốt nhưng cũng sở hữu thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm trong khung gỗ. Tương tự vậy, chính sách nhập tịch quyết liệt của Indonesia thường khiến người ta quên mất họ đang sở hữu lứa trẻ thuộc nhóm hay nhất lịch sử Đông Nam Á.

Và đó không phải chuyện riêng ở Đông Nam Á.

Trong khi chúng ta vẫn tranh luận về chính sách nhập tịch hay đào tạo trẻ, thế giới đã làm... cả 2 điều đó từ lâu. Nhật Bản ở Asian Cup vừa qua mang tới một thủ môn mới đôi mươi, người có trong mình 3 dòng máu Nhật, Ghana, Mỹ: Zion Suzuki.

Trước đó, độituyển Pháp vô địch World Cup 1998 hay 2018 đều có một điểm chung là sở hữu rất nhiều cầu thủ gốc châu Phi trong đội hình. Tây Ban Nha, Đức hay Anh sau này đều đã tích cực làm điều đó.

Nói thế để thấy, những tín hiệu đơn lẻ từ bóng đá Philippines hay việc Singapore có mặt ở bán kết AFF Cup gần nhất chưa thể nói lên được điều gì. Chừng nào chưa có chân đế là hệ thống đào tạo trẻ, họ còn lâu mới trở lại được "Big 4" của Đông Nam Á. 


Thanh Hà

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›