Trận thua 0-6 trước đội tuyển Hàn Quốc giúp đội tuyển Việt Nam nhận được nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích, nhưng đồng thời cũng phơi bày nhiều hạn chế về chiến thuật và cách thức sử dụng nhân sự.
Nửa sáng…
Đội tuyển Việt Nam đã thua 0-6 trước đội tuyển Hàn Quốc, nhưng giới chuyên môn và người hâm mộ có thể thấy được sự tích cực từ đội tuyển Việt Nam là tinh thần không bỏ cuộc. Các học trò của HLV Philippe Troussier đã tuân thủ tuyệt đối chiến thuật tới những phút cuối cùng.
Đội tuyển Việt Nam luôn chủ động chơi khi có bóng trong chân, triển khai thế trận, ban bật, đập nhả. Một số tình huống đó đã dẫn đến cơ hội dứt điểm cho Hùng Dũng, Trương Tiến Anh. Ở phần sân đối phương, đội tuyển Việt Nam có nhiều ý tưởng triển khai bóng hơn so với các trận giao hữu trước đó.
Ngoài ra, cá nhân HLV Troussier vẫn kiên trì sử dụng lứa cầu thủ trẻ đan xen cùng các đàn anh. Những Đình Bắc, Minh Trọng, Tiến Anh, Văn Khang… mỗi khi được trao cơ hội đều nỗ lực, cố gắng hoà nhập và đem lại màn trình diễn không đến nỗi nào.
Hình ảnh này gợi nhớ đến thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải, Duy Mạnh. Lứa cầu thủ 95-97 đã phải trải qua rất nhiều thất bại để tích luỹ, trưởng thành và bùng nổ từ năm 2018.
Một điểm sáng khác trong trận đấu gặp đội tuyển Hàn Quốc chính là vị trí thủ môn do Đặng Văn Lâm trấn giữ. Cầu thủ mang hai dòng máu Nga Việt có ít nhất 4 pha cản phá, ngăn chặn bàn thắng mười mươi của Son Heung Min, Lee Kang In, Hwang Hee Chan…
Có thể nói, Đặng Văn Lâm đang là chỗ dựa vững chắc nhất cho hệ thống chiến thuật mà HLV Troussier xây dựng. Ngoài khả năng cản phá, phản xạ, khả năng chơi chân của Văn Lâm cũng đang được cải thiện vượt bậc. Thủ thành sinh năm 1993 sẵn sàng chuyền bóng bằng chân không thuận ngay từ nhịp một thay vì phải chuyển sang chân trái như trước đây.
Nửa tối…
Ở một góc nhìn khác thì đội tuyển Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề trong lối chơi, cách triển khai bóng lẫn phòng ngự. Đầu tiên là lối chơi. HLV Troussier vẫn chưa thể truyền tải hết ý đồ chiến thuật mà ông đưa ra cho các học trò. Nó có thể xuất phát từ nhiều lý do như ngôn ngữ khác biệt, phong cách chơi không được định hình từ nhỏ, nền tảng thể lực, thể hình.
Nếu tiếp tục kiên định với lối chơi này, cá nhân HLV Troussier và đội tuyển Việt Nam cần nhiều thời gian hơn, có thể phải nếm trải thêm nhiều trận thua cay đắng hơn để đánh đổi lấy triết lí, bài học về cầm bóng, dẫn dắt lối chơi. Đội tuyển Việt Nam ở thời điểm hiện tại làm rất tốt khả năng thoát pressing ở phần sân nhà.
Tuy nhiên, ở phần sân đối phương, các học trò HLV Troussier thiếu đi miếng đánh tủ, đường chuyền quyết định (khâu này được cải thiện đáng kể trong trận đấu gặp đội tuyển Hàn Quốc vừa qua). Dù vậy, khi bước vào giải đấu chính thức như vòng loại 2 World Cup, đó là vấn đề cần được giải quyết triệt để nếu muốn giành chiến thắng.
Vấn đề thứ 2 ở đội tuyển Việt Nam là khâu tổ chức phòng ngự. Bàn thắng đầu tiên của Kim Min Jae đã phơi bày tất cả. Cách bố trì kèm người, phân chia khu vực, tổ chức chống bóng bổng của hàng thủ đang gặp vấn đề. Một thống kê tương đối đáng buồn là hơn 50% bàn thua của đội tuyển Việt Nam đều đến từ những tình huống cố định hoặc bóng bổng.
Vị trí thất thế nhất về chiều cao là Phan Tuấn Tài trở thành điểm yếu gần như không thể khắc phục, nhưng ông Troussier vẫn cần hậu vệ thuộc biên chế Viettel để đá trung vệ lệch trái nhằm triển khai lối chơi từ phần sân nhà.
Các điểm yếu lộ ra trong những trận giao hữu là bài học tốt cho HLV Troussier và BHL trước khi bước vào giải đấu chính thức. Ông thầy người Pháp còn gần 1 tháng để giải quyết những vấn đề đang gặp phải. Vòng loại 2 World Cup 2026 là cơ hội để ông Troussier xóa tan những hoài nghi nhắm về mình.
Tags