Đội tuyển Việt Nam và nỗi lo bóng bổng

Thứ Sáu, 10/11/2023 19:07 GMT+7

Google News

Phút thứ 5 trận giao hữu Hàn Quốc vs Việt Nam, trung vệ Kim Min Jae bật cao hơn tất cả đánh đầu tung lưới Văn Lâm. Liệu hình ảnh như thế có tái diễn ở vòng loại World Cup 2026?

1. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chúng ta vừa nhắc tới một trung vệ cao 1m90 và mang đẳng cấp châu Âu, trong một trận đấu mà Hàn Quốc đã tung ra đội hình mạnh nhất. Đội hình ấy đẳng cấp hơn cả ba đội bóng ở bảng đấu của Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: ĐT Việt Nam của ông Troussier không có nền tảng thể hình tốt, và có vấn đề ở khâu phòng ngự bóng bổng.

Đoàn Văn Hậu, cầu thủ có thể hình tốt nhất (1m86) và cũng tinh quái nhất trong các pha không chiến, không có mặt ở đợt tập trung lần này vì chấn thương. Nguyễn Thành Chung (1m82), Hồ Tấn Tài (1m80), và Nguyễn Đức Chiến (1m80) có thể hình lý tưởng và phong độ khá ổn, nhưng không được triệu tập. Ở trận đấu gần nhất, nhà cầm quân người Pháp bố  trí Phan Tuấn Tài (1m76) đá trung vệ lệch cánh, còn bộ đôi chạy cánh là Võ Minh Trọng (1m69) và Trương Tiến Anh (1m70). Trên hàng tiền vệ, ngoại trừ Hoàng Đức (1m84), không có cầu thủ nào cao quá 1m75.

Hãy cùng nhìn lại những trận đấu từ tháng Sáu đến giờ. ĐT Việt Nam đã giữ sạch lưới trước những đối thủ vừa tầm là Palestine, Syria, và Hong Kong (TQ), nhưng trước những đối thủ mạnh hơn như Trung Quốc, Uzbekistan, và Hàn Quốc, chúng ta không ghi được bàn thắng nào, nhưng đã nhận 10 bàn thua, trong đó có bàn thua từ những cái đầu có chiều cao vượt trội như Kim Min Jae (1m90) và Aliqulov (1m86). Ngay cả ở trận gặp Trung Quốc, dù không phải nhận bàn thua nào từ đánh đầu, nhưng hàng thủ Việt Nam cũng không ít lần khó khăn trước những pha bóng bổng của đối phương.

ĐT Việt Nam và nỗi lo bóng bổng - Ảnh 1.

Bóng bổng đang là nỗi lo với ĐT Việt Nam. Ảnh Reuters

2. Liệu những hiểm họa từ bóng bổng có tái diễn ở vòng loại World Cup 2026. Khả năng chơi bóng bổng cùng thể hình lực lưỡng của Iraq thì khỏi phải bàn với nửa tá cầu thủ cao trên dưới 1m90, dù xét về chất kỹ thuật, họ cũng đáng sợ không kém. Philippines tuy không được đánh giá cao bằng Iraq, nhưng cũng chơi thiên về bóng dài, bóng bổng, và cũng sở hữu những cầu thủ có thể hình tốt cho không chiến.

Và đừng quên Indonesia, đội bóng tuy không có chiều cao vượt trội, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm từ… các pha ném biên. Chính ông Troussier từng nếm trải vị đắng từ những cú ném biên thần sầu của Pratama Arhan ở trận bán kết SEA Games 32 khi liên tục bị dẫn trước. Và để tối đa hóa hiệu quả từ những cú ném biên như thế, họ đã nhập tịch trung phong cao 1m87 Rafael Struick hiện đang khoác áo ADO Den Haag. Một tiền đạo khác, Ramadhan Sananta (1m82) cũng rất đáng gờm. Một hiểm họa nữa từ trên không của Indonesia là trung vệ đang khoác áo Ipswich Town Elkan Baggott với chiều cao lên tới 1m94.

Từ SEA Games 32 cho đến 3 trận giao hữu trong tháng 10 vừa qua, có thể thấy khả năng tổ chức chống bóng bổng, nhất là từ các tình huống cố định dưới thời HLV Troussier đã không tốt như trước. Và vấn đề thể hình chỉ là một nguyên nhân. Có lẽ việc ông Troussier tập trung xây dựng lối chơi triển khai bóng từ dưới lên, và chủ động dâng cao pressing tầm cao là một nguyên nhân bởi việc điều chỉnh cách chơi sau một chu kỳ quen với việc đá phòng ngự - phản công là không hề dễ dàng. Sau 8 tháng, ông Troussier đã đưa ra nhiều thử nghiệm, nhưng sắp tới sẽ là cuộc chơi chính thức. Và nhà cầm quân người Pháp cần tìm ra cách bố trí nhân sự và chiến thuật phù hợp nhất, để đạt hiệu quả tối ưu.


Tuấn Cương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›