Năm 2007, trong khí thế ngút trời từ việc lần đầu vào tới tứ kết ASIAN Cup sau các trận đấu ấn tượng ở vòng bảng, đội tuyển Việt Nam khi đó do cố HLV Alfred Riedl dẫn dắt, sang Thái Lan đá tứ kết với Iraq và nhận trận thua 0-2. Sau đó, Iraq vô địch châu Á, chức vô địch đầu tiên và duy nhất của họ đến lúc này...
Còn với Việt Nam, đó là lần đầu tiên chúng ta có cảm giác mình có thể tiếp cận được với trình độ châu Á và hơn 10 năm sau, đã tái lặp thành tích vào tứ kết ASIAN Cup một lần nữa. Ở ASIAN Cup 2019, Việt Nam cùng bảng với Iraq và lần này chúng ta chỉ thua 2-3 trước một Iraq có nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu.
Như là có duyên, bài kiểm tra đích thực dành cho 8 tháng rèn quân của HLV Phillippe Troussier lại là Iraq. Sau chiến thắng trước Philippines, có thể xem là ở khía cạnh trình độ, chúng ta vẫn đang đứng đầu Đông Nam Á và khả năng đứng trên 2 đối thủ cùng khu vực trong bảng này hoàn toàn khả thi, thì chính trận chiến với Iraq sẽ giúp chúng ta hình dung chính xác về triển vọng trong ngắn hạng (2 vị trí đầu bảng) cũng như mức độ tiếp cận với nhóm đầu châu lục trong cuộc đua 8,5 suất dự World Cup 2026.
Thứ hạng FIFA giữa Iraq và Việt Nam phản ảnh tương đối chính xác trình độ của mỗi đội. Iraq đang đứng hạng 68 còn Việt Nam là 94. Tính riêng châu Á, thì Iraq đứng thứ 7 còn Việt Nam hạng 15. Iraq nằm trong nhóm 2, tức các đội luôn có triển vọng giành vé dự World Cup còn Việt Nam có thể xếp vào nhóm 3, là có cơ hội. Khi châu Á được tăng suất, Iraq sẽ đến rất gần việc dự World Cup thường xuyên thay vì chỉ mới có lần duy nhất trong lịch sử vào năm 1986. Trong khi đó, những nền bóng đá như Việt Nam hay Thái Lan, Indonesia sẽ lấy chính các trận đấu với các đội trong nhóm 2 để "soi" mình.
Sở dĩ nói thế là bởi cho dù có phát triển bằng tốc độ nào đi nữa, việc ngang bằng trình độ nhóm 1 (hay Big 5) thường xuyên dự World Cup gồm Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, Hàn Quốc, Iran là điều viển vông, hoàn toàn phi thực tế trong ít nhất 20 năm nữa. Cái đích của các đội như Việt Nam chính là rút ngắn khoảng cách với những đội nằm trong nhóm 2 châu lục. Nếu chơi bóng có thắng – có thua với nhóm này, thì khả năng dự World Cup sẽ sáng sủa.
Nói Iraq chính làm "tấm gương" là vì vậy. Cụ thể hơn, đội tuyển của HLV Troussier nếu không có một kết quả tốt, hay thậm chí là một thế trận không theo kế hoạch trước Iraq trên sân nhà Mỹ Đình thì trận thắng Philippines chẳng còn mấy ý nghĩa.
Trong tầm nhìn dự World Cup, việc giành quyền vào vòng đấu loại thứ 3 là lẽ đương nhiên. Trong tầm nhìn đó, không thể lấy các trận thắng Philippines để làm thước đo. Cứ lấy ví dụ của Indonesia, mơ mộng thế nào mà để thua Iraq đến 1-5 ngay trận ra quân thì mọi câu khẩu hiệu cũng trở thành thừa thãi.
Bằng lăng kính đó, trận đấu với Iraq là cơ hội quý cho HLV Troussier thể hiện được tầm nhìn của mình. Nỗ lực thay đổi lối chơi của ông là định hướng đúng đắn. Ông chọn cách tiếp cận những khó khăn theo kiểu chủ động để hi vọng qua thời gian, rồi sẽ vượt qua được các giới hạn như đã bộc lộ ở chiến dịch lần trước. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ông Troussier sẽ tạo được sự khác biệt ngay lập tức ở trận đấu với Iraq sắp đến. Điều chúng ta chờ đợi vẫn là một trận đấu có ý tưởng rõ ràng và một kết quả tốt từ chính lối chơi có đẳng cấp của chúng ta thay vì nhờ đối thủ "lỏng chân".
Nói theo kiểu của một đội bóng có tham vọng, là thua Iraq cũng không sao, vấn đề là thua theo kiểu nào!
Tags