Chỉ cần thua Pháp sát nút thôi cũng là đủ để Italy giữ được ngôi đầu bảng 2 League A, nhưng họ lại không làm được. Thất bại 1-3 ngay trên sân nhà ở lượt cuối khiến Italy bỗng nhiên phải gặp nhiều bất lợi ở chặng đường tiếp theo.
Ngay cả đội tuyển Pháp có lẽ cũng không mấy tin tưởng vào cơ hội lật đổ vị trí của Italy khi phải làm khách sân San Siro, thể hiện qua việc HLV Didier Deschamps bố trí đội hình xuất phát không phải tối ưu. Nhưng số phận đã chọn họ thay vì Italy.
Cái thiếu muôn đời của Italy
Nếu chỉ thua 1-2, Italy vẫn đứng đầu bảng nhờ hơn cả Pháp về đối đầu và hiệu số bàn thắng-bại. Thua 1-3, đối đầu thì bằng nhau nhưng hiệu số Italy kém hơn 1 bàn. Một cái kết thực sự cay đắng cho hành trình có thể xem là tuyệt vời của thầy trò HLV Luciano Spalletti ở vòng bảng UEFA Nations League mùa 2024-25. Nhưng có lẽ đó là định mệnh, bởi vì dù chơi hay như thế, Italy vẫn cứ là đội bóng luôn thiếu một thứ gì đó ở thời khắc quan trọng nhất.
Italy từng thất bại ở World Cup 2010 chỉ vì không thắng nổi một đối thủ rất nhỏ như New Zealand (hòa 0-0), ở World Cup 2014 vì thua cả Costa Rica (0-1), bị loại khỏi danh sách dự World Cup 2018 và World Cup 2022 bởi vì không ghi nổi 1 bàn nào vào lưới của những đội đàn em như Thụy Điển, Bắc Ireland hay Bắc Macedonia ở vòng loại hoặc play-off. Trận đấu với Pháp rạng sáng qua là bối cảnh khác, nhưng câu chuyện thì không khác chút nào. Đội tuyển xứ mì ống chỉ cần 1 bàn thắng nữa, nhưng nó mãi mãi không bao giờ đến và họ hoàn toàn có thể phải trả giá vì cái thiếu cố hữu này.
Không phải Italy chủ quan vì lợi thế rất lớn trước Pháp, song quả thực, ở những trận cầu có tính chất quyết định như thế này, đẳng cấp thực sự được thể hiện qua tính hiệu quả, khả năng khai thác các cơ hội. Pháp không tạo ra được nhiều dấu ấn (chỉ số bàn thắng kỳ vọng chỉ 0,39) nhưng tận dụng cực tốt các tình huống đá phạt để ghi tới 3 bàn (2 cú đánh đầu của Adrien Rabiot và 1 siêu phẩm sút phạt của Lucas Digne). Lần thứ 3 trong 10 trận gần nhất Italy bị dẫn chỉ trong 3 phút đầu tiên, nhưng khác 2 lần trước đều ngược dòng thắng lợi (trước Albania và chính Pháp ở lượt đi), lần này họ đã thua. Lợi thế giúp Pháp chơi chủ động và khôn ngoan, hạn chế hầu hết sức tấn công của Italy.
Xin chào, các thử thách!
Thất bại này không thể xóa đi được những điều tích cực mà thầy trò HLV Spalletti đã tạo ra kể từ đầu hành trình, và niềm tin vẫn còn nguyên. Thôi thì cứ coi như việc bất ngờ rơi xuống nhì bảng là một bài test nữa mà người Italy phải chịu để trở lại là chính mình một cách chắc chắn, có căn cơ hơn.
Giờ đây, thay vì được gặp các đối thủ đứng nhì các bảng khác như Hà Lan, Croatia hay Đan Mạch, Italy sẽ phải đối đầu các "ông lớn" Tây Ban Nha, Đức hay Bồ Đào Nha ở vòng tứ kết sẽ diễn ra vào tháng 3/2025 (sẽ bốc thăm vào ngày 22/11 tới). Thêm vào đó là việc phải đá sân khách ở trận lượt về. Dù đã chắc chắn lọt vào nhóm hạt giống, tuy nhiên, nếu không vượt qua được để vào vòng bán kết (nơi họ góp mặt ở cả 2 kỳ Nations League gần nhất), Italy sẽ có nguy cơ bị xếp vào các bảng có 5 đội ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Âu (các đội vào bán kết chắc chắn chỉ ở các bảng có 4 đội). Điều này, nếu xảy ra, sẽ buộc họ phải bắt đầu vòng loại từ tháng 6/2025 thay vì từ tháng 9/2025. Hệ quả đi kèm đương nhiên là áp lực và nguy cơ sẽ tăng lên.
Mặc dù vậy, với Italy thì dường như đối thủ nào cũng như nhau. Họ thắng Pháp, Anh nhưng lại thua Bắc Macedonia. Biết đâu đấy, việc bị đánh giá thấp trước các "đại gia" lại là cơ hội để họ làm nên bất ngờ như cách họ đánh bại Pháp tại Paris cách đây hơn 2 tháng. Điều quan trọng là thầy trò ông Spalletti phải tiếp tục đi trên con đường của mình, lấy thất bại làm bài học (đặc biệt trong khả năng chống các pha bóng chết) và trao niềm tin nhiều hơn vào lứa cầu thủ mới. Cái đích số 1 bây giờ là tấm vé dự World Cup 2026, và họ vẫn còn thời gian, niềm tin để hướng đến mục tiêu này.
Vĩnh Nguyên
Tags