(Thethaovanhoa.vn) - American Idol, chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng này, chọn thí sinh chiến thắng dựa theo bình chọn của khán giả, nay lại bị chính khán giả “bình chọn” phải kết thúc. Tờ Time gọi đây là “nạn nhân thành công của chính nó”.
Hôm 11/5, hãng Fox thông báo mùa tiếp theo của American Idol, tức mùa thứ 15, cũng là mùa cuối cùng. Thông tin này không khiến ai ngạc nhiên, những ngày hoàng kim của Idol đã trôi qua từ lâu. Fox, hiện là hãng truyền hình lớn thứ 4 nước Mỹ, cũng cần phát triển những chương trình ăn khách mới.
Hút khách vì đơn giản, chết cũng vì đơn giản
Mặc dù vậy, vẫn có gì đó siêu thực quanh sự kết thúc của American Idol. Chương trình này có một format đơn giản bậc nhất trong những chương trình truyền hình thực tế hiện nay: khán giả bình chọn cho ca sĩ họ yêu thích nhất. Mặc dù có một ban giám khảo luôn quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng họ chỉ đóng vai trò cố vấn, không có quyền quyết định người chiến thắng.
Carrie Underwood, quán quân American Idol thành công nhất với 7 giải Grammy
Mùa đầu tiên vào năm 2002 của Idol lập tức ăn khách, những kênh truyền hình khác phải tránh lịch chiếu của Idol vì không cạnh tranh được. Nhưng qua các mùa chiếu, dường như Idol đã mắc sai lầm khi liên tiếp gia tăng những yếu tố khó chịu và tồi tệ của chương trình.
Ban đầu, một phần lớn sức hút của Idol nằm ở cuộc đối đầu giữa các giám khảo Simon Cowell và Paula Abdul. Sau 5 năm, khi cả Cowel và Abdul đều đã rời khỏi chương trình, Idol lặp lại công thức này bằng cách mời hai giám khảo chuyên gây gổ với nhau Mariah Carey và Nicki Minaj, nhưng lại tạo ra một mùa thi thảm họa vào năm 2013.
Vì sao? Với sự xuất hiện của những ngôi sao này và hướng tâm điểm của chương trình vào các cuộc đấu khẩu, gây cười cho người xem khiến chương trình bị chỉ trích là quan tâm đánh bóng tên tuổi cho các ngôi sao đã thành danh hơn là tìm ra tài năng mới.
Chuyển sang mùa mới, dàn giám khảo chất lượng Keith Urban, Jennifer Lopez và Harry Connick Jr khiến khán giả tin rằng Idol sẽ tập trung hơn vào chuyên môn âm nhạc. Nhưng, đó lại là thời kỳ thoái trào của Idol, khi nó không cạnh tranh được với những format mới, phức tạp hơn nhưng hấp dẫn hơn của The Voice và X-Factor.
Quyền sinh sát của công chúng
American Idol thành công nhờ thời thế. Chương trình đã chớp cơ hội khi nó xuất hiện ở thời truyền hình thực tế chưa nở rộ như hiện nay và đạt được độ nổi tiếng vượt bậc.
Năm 2002 là đoạn cuối trong những năm bùng nổ của ngành công nghiệp ghi âm. Nhu cầu của thị trường, nghệ sĩ và công chúng đều đòi hỏi có một cầu nối giữa các hãng thu âm lớn và các nghệ sĩ mới. American Idol chính là chiếc cầu nối đó, không thể phủ nhận là rất hiệu quả khi đã đưa ra thị trường những ngôi sao tài năng như Kelly Clarkson, Carrie Underwood, Jennifer Hudson, Jordin Sparks.
Lee DeWyze, quán quân Idol ít người biết đến nhất, chiến thắng mùa thứ 9 vào năm 2010
Thành công của những ca sĩ kể trên tạo ra ấn tượng rằng việc đưa một tài năng trở thành ngôi sao ngày nay đã dễ dàng và dân chủ hơn. Trước đó, thật khó để tưởng tượng một ca sĩ có thể dễ dàng ra mắt qua trang Vine mà không có một cộng đồng công chúng bầu chọn cho họ. Và các công chúng này hiểu rằng “phiếu bầu” của họ ảnh hưởng trực tiếp đến top 40 trên đài phát thanh.
Mặc dù tạo ra cuộc cách mạng như vậy, tác động của American Idol đến ngành công nghiệp dần suy yếu ở các mùa sau. Các thí sinh chiến thắng cũng không trở thành ngôi sao lớn như Kelly Clarkson. Carrie Underwood và Jennifer Hudson là hai giọng hát đỉnh của thể loại country và R&B, nhưng không phải là nghệ sĩ biểu diễn độc đáo. Một số quán quân đã trở thành ngôi sao, nhưng họ cũng không vượt lên để trở thành hàng đầu.
Gương mặt lạ nhất và biến hóa nhất mà Idol từng phát hiện là Adam Lambert (á quân chương trình vào năm 2009) cũng khá thành công trên thị trường nhưng chưa đủ rung chuyển âm nhạc.
Dấu ấn lớn nhất của American Idol với âm nhạc Mỹ và thế giới là chương trình này, nhờ khả năng thu hút công chúng trên mạng xã hội và ra đời khi ngành công nghiệp thu âm sụp đổ, đã trao quyền chọn ngôi sao vào tay công chúng. Vì quyền lợi này, công chúng bị hút vào chương trình, đó là sức mạnh của dân chủ hóa nền giải trí.
Đó là con dao hai lưỡi, bởi khi Idol không còn sức hút, có thể coi như nó đã bị chính công chúng bầu chọn để khai tử.
Hạ Huyền (theo Time)
Tags