(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cháy rừng ở Indonesia đã không còn là câu chuyện riêng của một đất nước ở tít ngoài biển xa nữa, khi thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ chiều qua cho biết, dữ liệu quan trắc trên biển và đất liền cho thấy hiện tượng mù khô ở TP. HCM và Nam Bộ do khói cháy rừng ở Indonesia bay sang.
"Đến ngày 5/10, mù khô bắt đầu có ở khu vực đất liền như Cà Mau rồi Cần Thơ, Cao Lãnh và cả TP. HCM. Riêng TP. HCM mù khô xuất hiện nhiều nhất vào hôm qua, đến tận chiều muộn vẫn chưa hết" - lãnh đạo Đài Khí tượng khẳng định trên một tờ báo.
2. Tình trạng khói mù hàng năm trong khu vực đã kéo dài hai tháng qua, trong bối cảnh các đám cháy rừng ở Indonesia có khả năng sẽ gia tăng trong tháng tới. Nguyên nhân khói mù chủ yếu do tập quán đốt rừng khai phá đất trồng cây cọ dầu ở Indonesia, một nguồn kinh tế quan trọng đối với nước này.
Đây có thể xem là thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua. Đến nay, nó đã khiến hơn 300.000 người dân Indonesia mắc các bệnh về đường hô hấp. Điều đáng lo ngại là khói mù do cháy rừng còn lan sang các nước lân cận như Malaysia và Singapore, khiến Chính phủ Indonesia đối mặt với không ít áp lực.
Là nạn nhân trực tiếp của nạn cháy rừng ở Indonesia, quốc gia láng giềng Singapore đã có những phản ứng mạnh mẽ. Điều đáng chú ý là, họ không chỉ nhìn thấy nguyên nhân khói bụi từ đám cháy ở trên rừng, mà còn quyết tâm kiểm soát những nguyên nhân gián tiếp có thể gây ra vấn nạn này.
Theo trang mạng PM.Haze chuyên nghiên cứu và tổ chức các hoạt động chống tình trạng ô nhiễm khói mù của Singapore, các sản phẩm dầu cọ và giấy làm từ cây cọ dầu được sản xuất theo quy trình “không bền vững” là nguyên nhân gây tác hại lâu dài đối với môi trường và người dân.
Do đó, Singapore yêu cầu 7 hãng bán lẻ công bố các sản phẩm gỗ, giấy và bột giấy được sản xuất từ nguồn “bền vững”, đảm bảo môi trường, cụ thể là không liên quan đến các công ty bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra các đám cháy rừng ở Indonesia.
Bằng cách đó, họ vừa bảo vệ được những “sản phẩm sạch” của các nhà sản xuất “bền vững”, đồng thời có thể phát hiện những sản phẩm liên quan đến nạn đốt rừng.
3. Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ một doanh nhân trong lĩnh vực dầu cọ, người bị cáo buộc là chủ mưu đứng đằng sau các vụ cháy rừng ở Indonesia. Cảnh sát sẽ tiếp tục điều tra các trường hợp để công bố những kẻ chủ mưu khác.
Dập “đám cháy” ở rừng bằng cách kiểm tra, giám sát, quy trách nhiệm cho những thế lực đứng đằng sau vấn nạn này, đồng thời điều tra nhằm phát hiện các sản phẩm gián tiếp liên quan đến nạn đốt rừng... Đó là cách ứng xử khoa học trong thế giới văn minh.
Việc đó một mình Quốc đảo sư tử thực hiện chưa đủ, mà cần phải có sự chung tay của cả khu vực và thế giới, trong đó có Việt Nam - hiện cũng là nạn nhân trực tiếp của nạn cháy rừng ở Indonesia.
Một câu chuyện tương tự ở Việt Nam. Rừng của chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn như nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép, buôn bán động vật hoang dã... “Đám cháy” đó loang ra ở nhiều nơi, mà để “dập tắt” chúng thì canh gác ở bìa rừng chưa đủ, mà cần phải canh gác ở các đô thị - nơi tiêu thụ các sản phẩm ấy.
Nguyễn Phi
Thể thao & Văn hóa
Tags