Chiều tối 14/2, sân bay quốc tế Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì nhịp độ tấp nập, hối hả của các chuyến bay đi và đến từ nhiều nước trên thế giới.
Trải qua chặng bay kéo dài của hãng Turkish Airlines, các phóng viên TTXVN cùng với một nhóm nhỏ hành khách đã chọn lối rẽ vào sảnh đến nội địa, trong khi phần lớn những khách còn lại đi ra sảnh chờ quốc tế. Hành trình nối tiếp của các phóng viên TTXVN là hướng đến thành phố Adana, nơi rất gần với khu vực tâm chấn của vụ động đất kinh hoàng xảy ra cách đây gần 10 ngày.
Không mấy khó khăn để tìm được cửa ra mang số hiệu G3H, với bảng thông báo điểm đến là Adana. Rất đông hành khách đã có mặt từ sớm, bồn chồn dõi theo những dòng chữ liên tục chạy trên bảng chỉ dẫn. Ngay gần sát giờ lên máy bay, nhân viên hãng thông báo cửa ra máy bay không còn là G3H mà phải chuyển sang G3E. Một sự thay đổi nhỏ nhưng cũng đủ gây ra xáo trộn đáng kể khi hai hàng dài hành khách phải lập tức xê dịch.
Một vài người cố chen lên yêu cầu được giải thích, chắc hẳn họ đang quá sốt sắng được khởi hành thật sớm. Trái với chút xáo động đó, trên xe bus trung chuyển rồi đến khi đã ổn định trong máy bay, dường như tất cả đều đồng nhất ở một trạng thái tĩnh lặng, ngoài tiếng giỡn khóc của các em nhỏ. Không có sự rộn ràng, náo nhiệt thường thấy khi máy bay bắt đầu cất và hạ cánh, trái lại trong đôi mắt, ánh nhìn của mỗi người như đang chất chứa những ưu tư, lo lắng.
Bắt chuyện với một hành khách trong trang phục bảo hộ, phóng viên được biết anh là nhân viên ngành hàng không và đang đến để bổ sung gấp cho đội ngũ phục vụ ở sân bay Adana. Anh còn cho biết rất nhiều đồng nghiệp từ các nơi khác đang đến tăng cường cho các khu vực bị thiệt hại nặng do trận động đất.
Mặc dù đã khá muộn và cái lạnh cũng sâu hơn nhưng sảnh đến của sân bay Adana vẫn khá đông đúc. Xen kẽ với hành khách đang ngóng chờ hành lý, phóng viên nhận ra trong đó nhiều người cũng là đồng nghiệp nước ngoài, khệ nệ mang theo máy quay phim và các phương tiện tác nghiệp.
Ở phía xa hơn của lối ra, đội ngũ tình nguyện viên của Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đang liên tục di chuyển để kịp thời tiếp đón, hỗ trợ các đoàn cứu trợ quốc tế mới đến. Trong đó, thất lạc hành lý là vấn đề phổ biến xảy ra và cần phải ưu tiên giải quyết cho các đoàn kịp thời hoạt động.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, một bạn tình nguyện viên cho biết bản thân vốn là phiên dịch viên tiếng Anh và đã sẵn sàng tham gia cùng AFAD ngay từ khi bắt đầu các hoạt động cứu trợ quốc tế. Bạn nhớ rõ là Việt Nam có hai đoàn đã đến đây triển khai công tác cứu hộ cứu nạn ở Adiyaman và Hatay, chia sẻ sự vui mừng khi được gặp và nói chuyện với các thành viên của đoàn Việt Nam.
Bên ngoài sân bay, các chuyến hàng cứu trợ và phương tiện, vật tư thiết yếu từ khắp nơi trên thế giới đang liên tục được tiếp nhận và vận chuyển đến những khu vực lân cận bị ảnh hưởng. Cả sân bay Adana có lẽ cũng đang "thức" cùng chính quyền, người dân địa phương và các đoàn cứu trợ quốc tế trong nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân với hy vọng, dù rằng le lói nhất, là họ vẫn sống sót sau thảm họa.
Tags