Động đất tại Myanmar: Những "chiến thần" của đội cứu hộ Công an Việt Nam

Thứ Sáu, 04/04/2025 16:19 GMT+7

Google News

Những chai nước uống dở được đặt ngược ở rất nhiều địa điểm khác nhau tại hiện trường nhằm kịp thời phát hiện rung chấn. 

Đây chỉ là một trong những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn của các chiến sĩ cứu nạn Việt Nam và đang được đội cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an áp dụng trong quá trình hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn ở Myanmar sau động đất. Kinh nghiệm này đã được các đội cứu nạn cứu hộ quốc tế đánh giá rất cao vì có tính sáng tạo, thực tiễn và hiệu quả cao.

Theo chia sẻ của Đại úy Đỗ Quang Nam, hiện trường đổ sập nhà cao tầng thường có diện tích rất rộng, nhưng số lượng thiết bị kiểm tra rung chấn hiện đại mà đoàn mang theo được lại chỉ có giới hạn. Trong hoàn cảnh đó, những chai nước uống dở đã được "biến tấu" thành "thiết bị cơ động" và được đặt ngược ở nhiều điểm khác nhau để phát huy việc cảnh báo rung chấn, nếu xảy ra. "Những mẹo nhỏ này thể hiện sự linh động, sáng tạo và tinh thần khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ. Nó cũng là những kinh nghiệm hay được các đội cứu nạn, cứu hộ quốc tế nước bạn đánh giá cao", Đại úy Nam chia sẻ.

Động đất tại Myanmar: Những "chiến thần" của đội cứu hộ Công an Việt Nam - Ảnh 1.

Hoạt động cứu hộ được tiến hành sau động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài ra, một kinh nghiệm quý báu khác cũng được các thành viên đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam phát huy tốt trong đợt công tác lần này là việc sử dụng kìm thủy lực có thể phá vỡ các mảng, khối bê tông lớn nhưng gần như không gây rung lắc. Những động tác kìm nhanh và ngọt khiến các mảng bê tông vỡ vụn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ tiếp cận hiện trường để giải cứu nạn nhân, đồng thời giảm thiếu tối đa nguy cơ sập đổ thứ cấp. Các anh em trong đội vẫn thường gọi đây là "chiến thần" trong chiến dịch cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar.

Theo lời của Thượng úy Dương Văn Linh, thành viên đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an, việc sử dụng kìm thủy lực đã phát huy hiệu quả rất tốt. Anh nói: "Ấn tượng nhất với tôi là bộ kẹp... Thiết bị này không gây rung lắc cho công trình và hỗ trợ thiết thực cho đoàn… Trong điều kiện hiện trường các vụ tai nạn nhà cao tầng đổ sập do động đất, nhiều tòa nhà không sụp xuống hoàn toàn mà đổ theo hướng nghiêng, chực chờ để đổ tiếp. Nguy cơ sập đổ thứ cấp rất dễ xảy ra, nếu phương án và kỹ thuật tác chiến không phù hợp".

Cũng theo Thượng úy Dương Văn Linh, trong chuyến công tác lần này anh chưa thấy có đoàn nào sử dụng kìm thủy lực như đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam. Anh lưu ý, nếu để xảy ra sự cố sập đổ thứ cấp, công tác cứu nạn sẽ gặp khó khăn hơn và quan trọng nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến những người bị nạn đang bị vùi lấp phía dưới. Chính vì vậy, dù có nhiều trang thiết bị hiện đại trong tay, nếu không biết sử dụng đúng cách thì có thể làm mất cả cơ hội cứu người.

Tính đến nay, sau 6 ngày đến nước bạn Myanmar để làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, đoàn cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an Việt Nam đã tìm thấy và cứu giúp được 7 nạn nhân. Để có thể thao tác cứu các nạn nhân nhanh chóng và kịp thời, ngoài những kinh nghiệm của từng cán bộ chiến sĩ thì sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật cũng góp phần không nhỏ.

Vì vậy, mỗi buổi sáng trước khi lên đường ra hiện trường, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Chỉ huy đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam - đều tổ chức đội hình 26 thành viên để tổng kết và đúc rút kinh nghiệm của ngày làm việc trước đó nhằm lên phương án tác chiến và phân công nhiệm vụ phù hợp. Các tình huống trao đổi nghiệp vụ nhanh tại hiện trường cũng thường được tiến hành, thể hiện sự nhanh chóng và quyết đoán của toàn đoàn. Có thể nói, việc tập trung đội hình tổng kết toàn đoàn mỗi sáng đã thể hiện sự chính quy, khoa học và nâng cao tinh thần cho chiến sĩ trước giờ ra hiện trường.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›