"Dòng khát vọng" hoạt hình Việt Nam

Thứ Bảy, 30/11/2024 06:00 GMT+7

Google News

Chọn chủ đề Dòng chảy hoạt hình Việt Nam, Liên hoan phim hoạt hình "Dòng khát vọng" lần thứ Nhất đang diễn ra đến hết tháng 11 tại Hà Nội và TP.HCM là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa nhằm tôn vinh dấu mốc 65 năm lịch sử hình thành và phát triển của ngành hoạt hình Việt Nam (1959 - 2024).

Liên hoan do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Học viện Đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect (SAMA) và Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tổ chức.

Từ những năm tháng đầu tiên…

Còn nhớ, giữa lòng Hà Nội của những năm 1959 trên con phố Hoàng Hoa Thám, trong một căn phòng nhỏ của Xưởng phim Hoạt họa - Búp bê (tiền thân của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam ngày nay), những nét vẽ đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam đã ra đời.

"Dòng khát vọng" hoạt hình Việt Nam - Ảnh 1.

Lễ khai mạc Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ Nhất

NSND Ngô Mạnh Lân trong sách Phim hoạt hình Việt Nam có viết: "Trong một căn phòng nhỏ, khoảng hơn chục mét vuông, ánh đèn điện le lói suốt đêm ngày. Ở đây, những hình phác thảo về con cáo, con gà… xuất hiện. Đó là những nhân vật đầu tiên của bộ phim hoạt họa đầu tiên".

Trong những năm tháng đầu tiên ấy, để làm nên một bộ phim hoạt họa dài 300 mét, nghĩa là chiếu trên màn ảnh mười phút đồng hồ, cần phải vẽ được 15.000 hình vẽ trên giấy kính khổ 18cm x 24cm. Giữa chiến tranh, đâu phải dễ dàng để kiếm cho ra được một tờ giấy kính, chứ chưa nói tới 15.000 tờ.

Đối mặt với những khó khăn nối tiếp, những người tham gia làm phim đầu tiên luôn chung một lòng quyết tâm cộng hưởng với tinh thần nghệ sĩ và niềm đam mê mãnh liệt dành cho hoạt hình. Theo đó, trước mỗi khó khăn, họ lại cùng nhau bàn bạc, tìm cho ra lối thoát. Đơn cử như việc giấy đánh máy loại mỏng được đem thí nghiệm tẩm dầu trong suốt, thay giấy kính. Khi đem dùng, chất lượng có kém hơn giấy kính nhưng vẫn đảm bảo kỹ thuật in hình tương đối rõ.

Cứ thế, bằng trái tim và nhiệt huyết, đôi bàn tay và ánh mắt sáng ngời, những người nghệ sĩ đã tạo ra Đáng đời thằng Cáo (1960) - bộ phim đầu tiên của hoạt hình Việt Nam. Đây là tác phẩm mà có lẽ chính đội ngũ sản xuất cũng không ngờ sẽ trở thành một dấu mốc lịch sử của ngành hoạt hình Việt Nam và cũng từ đây liên tiếp các bộ phim được ra đời với nhiều thể loại khác nhau như: phim vẽ tay, cắt giấy, phim búp bê,… Mỗi nét vẽ, mỗi mảng màu, mỗi chuyển động đều mang theo đam mê và niềm tự hào của thế hệ nghệ sĩ đầu tiên khơi nguồn cho dòng chảy của hoạt hình Việt Nam. Đó là NSND Trương Qua, NSƯT Hồ Quảng, họa sĩ Lê Minh Hiền, NSND Ngô Mạnh Lân, họa sĩ Mai Long,…

"Dòng khát vọng" hoạt hình Việt Nam - Ảnh 2.

NSND Hà Bắc (bìa phải) chia sẻ tại lễ khai mạc Liên hoan phim hoạt hình “Dòng khát vọng” lần thứ Nhất

Theo NSND Hà Bắc, từ năm 1959 đến nay, hoạt hình Việt Nam đã trải qua rất nhiều thế hệ. Thế hệ thứ nhất là những người đặt nền móng cho ngành hoạt hình nước nhà. Giai đoạn 1959 - 1975 là những người đã kinh qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược và họ bắt đầu học làm phim tượng hình, học tạo hình, học nhịp điệu diễn...

"Chúng ta có rất nhiều những câu chuyện làm phim dưới hầm trú ẩn thời bom đạn. Ấy vậy mà hoạt hình Việt Nam trong những năm tháng đó đã làm được những bộ phim như Đáng đời thằng Cáo, Con khỉ lạc loài, Mèo con… Từ đó, đem lại tiếng vang khi lần đầu tiên đạt được giải thưởng quốc tế tại Liên hoan phim hoạt hình ở Đông Âu. Đây là niềm tự hào của những nhà làm phim hoạt hình ngày xưa. Có thể nói, hoạt hình là môn nghệ thuật cô đọng tất cả sự cô đọng" - ông Bắc bày tỏ.

Tiếp nối một dòng chảy bền bỉ

Như một dòng chảy bền bỉ qua thời gian, hoạt hình Việt Nam đã viết nên câu chuyện kỳ diệu của mình qua bao thế hệ với niềm đam mê và sự kiên trì. Khởi đầu với những nét vẽ mộc mạc trong Đáng đời thằng Cáo (1960), hoạt hình Việt Nam đã trải qua những chặng đường đầy cảm hứng, nơi các nhà làm phim không ngừng học hỏi và sáng tạo.

Không dừng lại ở hoạt họa vẽ tay như Đáng đời thằng Cáo, các nhà làm phim Việt Nam đã tiếp tục tìm tòi và phát triển thêm các thể loại mới như phim cắt giấy và phim búp bê. Đến năm 1962, hoạt hình Việt Nam đã có 3 thể loại tiêu biểu, ghi dấu bằng những tác phẩm đáng nhớ như Con một nhà (1961) của đạo diễn Trương Qua và Chú thỏ đi học (1962) của đạo diễn Nguyễn Tích.

"Dòng khát vọng" hoạt hình Việt Nam - Ảnh 3.

Cảnh trong “Đáng đời thằng Cáo”(1960) – bộ phim đầu tiên của hoạt hình Việt Nam

Đến những năm 1970, hoạt hình Việt Nam ghi dấu ấn với Bộ xương biết múa, một trong những bộ phim màu đầu tiên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong kỹ thuật sản xuất. Bộ phim sử dụng màu sắc tươi sáng và âm nhạc vui nhộn để kể câu chuyện hài hước, thu hút sự chú ý của khán giả trẻ. Tiếp đó, Tít và Mít, Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng, Mèo Trắng và Mèo Mun,… cũng là những bộ phim màu đã trở thành những tác phẩm kinh điển gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, nhờ nội dung phong phú và hình ảnh sinh động.

Tiếp đó, hoạt hình Việt Nam có bước chuyển mình từ phương pháp thủ công sang công nghệ kỹ thuật số, đánh dấu một kỷ nguyên mới với Người thợ chạm tài hoa (1992) - bộ phim hoạt hình máy tính đầu tiên của Việt Nam. Ở bộ phim này, đạo diễn - NSND Phạm Minh Trí đã sử dụng công nghệ máy tính để tạo nên những hiệu ứng hình ảnh độc đáo, mở ra cánh cửa mới cho sự sáng tạo không giới hạn. Tiếp nối là Dưới bóng cây (2011), một trong những bộ phim 3D đầu tiên, mang đến những khung hình chân thực và sâu sắc, chạm đến trái tim người xem.

Trong những năm gần đây, nhiều công nghệ mới hơn tiếp tục được áp dụng trong sản xuất để nâng cao chất lượng phim, màu sắc phim trong trẻo, rực rỡ và hình ảnh uyển chuyển, mềm mại dần đưa hoạt hình "made in Vietnam" đến gần với khán giả nhà, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi. Tiêu biểu có thể kể tới Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí hoặc Trạng Quỳnh thời nhí nhố được yêu thích không chỉ ở trong nước mà còn tại thị trường quốc tế. Những nét vẽ ngộ nghĩnh và nội dung giáo dục nhẹ nhàng của những bộ phim này đã đưa hoạt hình Việt Nam lên tầm cao mới.

"Dòng khát vọng" hoạt hình Việt Nam - Ảnh 4.

“Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí” (2023) - bộ phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên 100% “made in Vietnam”

Đến khát vọng vươn ra biển lớn

Suốt hơn 6 thập kỷ, ngành hoạt hình Việt Nam đã có hơn 800 bộ phim ra đời với nhịp độ sản xuất khoảng 25 - 30 phim mỗi năm. Song, đã có giai đoạn hoạt hình Việt Nam rơi vào khủng hoảng, khi các sản phẩm nội địa gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với làn sóng hoạt hình quốc tế.

Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, hoạt hình Việt Nam như một dòng chảy mới mẻ, tươi sáng, đầy năng lượng và khát vọng. Bối cảnh toàn cầu hóa đã mở ra những cánh cửa rộng lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp hoạt hình với sự xuất hiện của nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh hoạt hình trên nền tảng số và internet. Những mô hình này đã tạo nên một bức tranh đa dạng khẳng định sự hiện diện của hoạt hình Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đồng thời, khẳng định việc khai thác thương mại IP (thuật ngữ chỉ những sản phẩm sáng tạo của trí óc và được pháp luật bảo vệ) đã trở thành một mô hình kinh doanh phổ biến góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của ngành.

Mặt khác, ngành hoạt hình Việt Nam hiện nay còn có thế hệ nhà làm phim trẻ không chỉ kế thừa tinh thần của những nghệ sĩ tiền bối mà còn tiên phong đổi mới về nội dung, phong cách và thể loại. Họ không ngừng học hỏi và ứng dụng những công nghệ tiên tiến từ khắp nơi trên thế giới. Những phương pháp sản xuất mới từ 2D, 3D cho đến stop motion (hoạt hình tĩnh vật) đã được các nghệ sĩ trẻ nắm bắt và làm chủ. Chất lượng hình ảnh, kịch bản, kỹ thuật đã được cải thiện đáng kể với những tác phẩm tiêu biểu như Dưới bóng cây của Colory Animation Studio, U Linh Tích Ký của Sun Wolf Animation Studio, hoặc series hoạt hình 3D Trạng Quỳnh thời nhí nhố tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Alpha Animation Studio...

"Dòng khát vọng" hoạt hình Việt Nam - Ảnh 5.

Góc trưng bày hiện vật lịch sử của ngành hoạt hình Việt Nam tại Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ Nhất

Một bước tiến đáng chú ý trong sự phát triển của hoạt hình Việt Nam là sự ra đời của phim hoạt hình chiếu rạp. Đơn cử như Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí (2023) là bộ phim hoạt hình đầu tiên 100% "made in Vietnam" được sản xuất bởi Sconnect đã mang đến cho cộng đồng những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Đặc biệt, bộ phim này còn đánh dấu một bước tiến lớn, chứng minh khả năng sản xuất phim hoạt hình chuẩn quốc tế do chính người Việt Nam thực hiện.

Từ những thành tựu đáng khích lệ, theo nhiều chuyên gia hoạt hình Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hoạt hình. Theo NSND Hà Bắc, trong bối cảnh các ngành công nghiệp văn hóa đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm như hiện nay, cơ hội đã quá rõ ràng cho các đơn vị, doanh nghiệp, công ty "đi trước đón đầu" trong việc phát triển ngành công nghiệp hoạt hình.

Tuy nhiên cũng theo đạo diễn này, phát triển công nghiệp văn hóa cũng là một thách thức cho ngành hoạt hình Việt Nam khi những khó khăn trong cơ chế đầu tư, cơ chế bản quyền và vấn đề kiểm duyệt, tiếp cận khán giả chưa được tháo gỡ.

"Tôi nghĩ rằng cần có một cơ chế thoáng hơn cho ngành hoạt hình. Chính những người hoạt động nghệ thuật cũng cần thay đổi, không nên bị trói buộc vào nền tảng tạo hình hay nghệ thuật rập khuôn" - ông Bắc đề xuất - "Cần nhớ một điều: Hãy dựa vào vốn dân tộc - đó là nguồn gốc, là dấu ấn đặc trưng để chúng ta có thể thi đấu quốc tế. Nếu chạy theo người khác, chúng ta mãi chỉ là người đến sau và đi theo rãnh cũ. Nghệ thuật là một vòng xoáy, thế giới hiện nay họ đang quay trở lại bước đi ban đầu nhưng nâng tầm hơn bằng ngôn ngữ dân tộc, bằng bản sắc riêng pha trộn với nét hiện đại".

"Tại doanh nghiệp tư nhân như Sconnect, tôi nhận thấy có sự tổ chức, vận hành chuyên nghiệp và tôi tin rằng, nếu chúng ta có được sự tổ chức bài bản như vậy, chúng ta sẽ đem lại tiếng nói mới cho hoạt hình Việt Nam" - NSND Hà Bắc.

Công Bắc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›