(Thethaovanhoa.vn) - PV báo Thể thao & Văn hóa đã có chuyến thăm quan cũng như ghi lại một số hình ảnh tại làng nghề Duyên Thái, Phúc Am - Hà Nội, với truyền thống làm vàng mã lâu đời được truyền đến đời con cháu. Nơi này là một trong những địa điểm lớn nhất nhì miền Bắc chuyên cung cấp các loại mặt hàng liên quan đến vàng mã, đồ mã cho thị trường.
- VIDEO: Singapore ứng xử với tục đốt vàng mã như thế nào?
- VIDEO: Về làng 'âm phủ' Phúc Am xem những món hàng mã có một không hai
Phóng viên Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có mặt tại làng Phúc Am và ghi lại được hàng loạt mẫu đồ mã phong phú như: hàng mã tướng lĩnh, kiệu hoa, xe xích lô rước công chúa, voi, các vị anh hùng,...
Như thường lệ, những ngày này, các nghệ nhân làng nghề Phúc Am đang tất bật ngày đêm hoàn thiện đơn hàng giao cho khách phục vụ nhu cầu đi lễ, cúng khấn và giải hạn đầu năm.
Anh Đặng Thành Công, có thâm niên 15 năm làm nghề đồ mã chia sẻ với PV rằng: "Sau Tết, người dân làng nghề tấp nập ngày đêm làm hàng để cung cấp cho thị trường dịp đầu năm, với hàng loạt mẫu đồ mã như: mô hình vàng mã lớn như ngựa, voi, hình người, hình chúa, tướng lĩnh, xích lô rước công chúa, các vị vua hùng... Cỡ lớn thì được xuất đi các tỉnh, phục vụ các đền, phủ, miếu".
Giá của các mặt hàng không hề rẻ, một mô hình nộm tướng lĩnh bán buôn với giá dao động từ 500 ngàn đến 600 ngàn đồng, hoặc mô hình nộm ngựa, voi cao 2 mét được bán với giá trên 200 ngàn đồng 1 con.
Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị các Phật tử không đốt vàng, mã tại các chùa, bởi đây là điều không có trong kinh sách nhà Phật. Và, công văn này cũng đã lập tức nhận được sự chia sẻ và hưởng ứng nhiệt tình từ một bộ phận dư luận.
Thế nhưng, trên thực tế, bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự không tán thành với tập tục đốt vàng mã, thì thị trường vẫn có những nhu cầu rất lớn về vật phẩm mang tính chất tâm linh này.
Nhìn vào cảnh tấp nập cũng như nguồn lợi thu về, có lẽ việc hạn chế đốt vàng mã mà nhiều người mong đợi sẽ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.
Hòa Nguyễn - Binleo
Tags