Đột tử trong thể thao Việt Nam: Khi mạng sống bị... thờ ơ!

Chủ nhật, 25/01/2015 14:11 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ trên thế giới mà ở cả Việt Nam đã xảy ra không ít những trường hợp đột tử ngay khi đang thi đấu. Cách đây 12 năm, vào ngày 10/10/2003, trong khuôn khổ giải đua xe đạp Tiền SEA Games, tuyển thủ quốc gia Đỗ Xuân Tâm đã gục xuống ngay trên đường đua, rồi qua đời. Đâu cũng chính là cái chết đau lòng đầu tiên của Thể thao Việt Nam thời phát triển.

Đỗ Xuân Tâmlúc ấy thuộc biên chế đoàn TP.HCM, đang bứt phá rất nhanh và dẫn đầu đoàn đua thì bất ngờ xe đua của Tâm bị thủng lốp khi chỉ còn cách đích 3 km. Ngay lập tức, Xuân Tâm tiếp tục vác xe chạy, nhưng không lâu sau đó, anh đã ngất xỉu rồi sau đó qua đời. Phải 15 phút sau khi Tâm ngã xuống và lên cơn co giật, xe cấp cứu của bệnh viện Hòa Bình mới kịp chạy đến và đưa anh vào viện.

Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện Hòa Bình, Xuân Tâm có tỉnh lại nhưng nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu và liệt toàn thân. Khi được đưa về bệnh viện Bạch Mai trong đêm cùng ngày, Tâm vẫn ở trạng thái suy tim cấp và qua đời lúc gần nửa đêm. Theo những người trong cuộc, lẽ ra Tâm có thể không phải nhận kết cục bi thảm như vậy nếu như đoàn đua có bác sỹ đi cùng để sơ cứu cho Tâm khi anh bị hôn mê, tránh gây ra tình trạng não bị thiếu oxy quá lâu.

Cũng trong năm 2013, trước thềm SEA Games 22, thể thao Việt Nam còn đón nhận thêm một tin buồn khác khi tuyển thủ judo Trần Thanh Ngời bị chấn thương gãy đốt sống cổ khi đang luyện tập, và ngày 16/6/2003, Thanh Ngời đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 21 sau 95 ngày điều trị tại bệnh viện Saint Paul.

May mắn hơn Thanh Ngời và Xuân Tâm, VĐV vật Lê Thị Huệ tuy cũng bị chấn thương gãy cổ ngay trước thềm SEA Games, nhưng cô đã may mắn được các bác sỹ cứu được tính mạng, song Huệ vẫn phải sống với thương tật cả đời.

Sau trường hợp của Đỗ Xuân Tâm và Trần Thanh Ngời, thể thao Việt Nam bẵng đi không còn xảy ra một vụ việc nào đau lòng như thế nữa, cho tới khi cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc của đội Sóc Trăng bất ngờ tử vong vào tối 25/3/2012 khi đang ngồi ghế dự bị theo dõi trận đấu giữa Sóc Trăng và Hậu Giang tại giải bóng rổ đồng bằng sông Cửu Long tranh Cúp Geru Sport 2012.

Khi cầu thủ 2 đội đang thi đấu đến hiệp thứ 3, Phước Lộc lúc ấy ngồi trên băng ghế dự bị bất ngờ đổ gục xuống sàn đấu và bất tỉnh nhân sự. Do nhà thi đấu lúc đó không có bác sỹ và xe cứu thương túc trực nên BHL đội bóng rổ Sóc Trăng phải nhờ xe của Trung tâm TDTT Sóc Trăng đưa Lộc vào bệnh viện cấp cứu, song tất cả đã muộn.

Nguyên nhân dẫn tới cái chết của Phước Lộc được cho là do bị nhồi máu cơ tim song không được cấp cứu kịp thời nên đã không duy trì được sự sống.

Trong những năm qua bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến không ít vụ việc thương tâm, chẳng hạn như vụ hậu vệ Clement Francis (người Cameroon) bất ngờ gục ngã xuống sân và bất tỉnh khi đang tham dự một buổi tập ở đội Quân khu 4 ngày 12/10/2007.

Clement Francis mới đến thử việc tại đội Quân khu 4 từ đầu tháng 10/2007 cùng với 2 đồng hương. Giữa Quân khu 4 và cầu thủ này chưa có một văn bản giao kèo pháp lý nào, và thực tế là Francis cũng mới đang thử việc tại Quân khu 4 thì đã xảy ra chuyện. Francis từng có mặt trong thành phần đội trẻ Cameroon tham dự BV Cup 2006 diễn ra tại TP HCM.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Francis được đội Quân khu 4 cho xe cấp cứu chở vào bệnh viện nhưng hậu vệ này đã trút hơi thở cuối cùng trước khi các bác sỹ kịp can thiệp. Theo thông tin chẩn đoán ban đầu từ bệnh viện Quân khu 4, Clement Francis có dấu hiệu bị bệnh tim mạch bẩm sinh và đây được xem là nguyên nhân dẫn tới cái chết bất ngờ của anh.

Trước đấy 2 năm, một thành viên khác của đội bóng Quân khu 4 là HLV phó Trần Nam Trung cũng bất ngờ ngất xỉu và qua đời trên đường đi cấp cứu khi đang tham dự một buổi tập luyện của đội bóng trên sân Phan Thiết vào ngày 6/5/2005. Theo thông tin từ nội bộ đội bóng, Nam Trung đã bị phát hiện là có triệu chứng bệnh tim khi anh thỉnh thoảng gặp phải những cơn đau tim nhẹ, nhưng do chủ quan nên Nam Trung đã không đi khám và điều trị một cách kỹ lưỡng, để rồi dẫn tới kết cục Nam Trung phải từ giã cõi đời khi mới ở tuổi 28.

Dẫn ra rất nhiều trường hợp như thế để thấy công tác y học thể thao với thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng thực sự là đáng báo động, và những tai nạn đáng tiếc kể trên hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu chúng ta có biện pháp phòng chống thích đáng.

Sau khi Xuân Tâm rồi Thanh Ngời qua đời, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho VĐV mới được quan tâm hơn một chút, và nhờ thế những bệnh tật nghiêm trọng của các VĐV hàng đầu như Vũ Đăng Tuấn (đua thuyền) và Phan Thị Thùy Trang (xe đạp) mới được phát giác, khiến họ tuy không thể tiếp tục gắn bó với thể thao đỉnh cao song lại may mắn giữ được mạng sống.

Tuy nhiên, dường như chỉ sau mỗi sự cố nghiêm trọng thì việc phòng và chống tình trạng đột quỵ trong thể thao mới được những người làm thể thao Việt Nam giật mình và rà soát lại, còn bình thường tình trạng này luôn bị xem nhẹ từ các đơn vị chủ quản đến bản thân VĐV vì nhiều lý do khác nhau.

Bằng chứng là VĐV marathon Phạm Thị Bình dù bị bệnh tim, được cảnh báo về sức khỏe, nhưng vẫn thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc mà dân trong nghề thì ai cũng hiểu đó là vì sức ép huy chương, hay các trường hợp phát hiện có vấn đề với sức khỏe, bệnh tật ở môn bóng đá.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Cty CP BĐ SLNA, thẳng thắn thừa nhận rằng công tác y học thể thao vẫn chưa được coi trọng trên bình diện cả nước và với tất cả các môn thể thao, chứ chẳng riêng gì SLNA hay bóng đá.

Ông Thanh cho rằng vì lượng vận động của cầu thủ Việt Nam còn ít, thua xa bóng đá thế giới nên mới ít xảy ra sự cố đáng tiếc, và kinh nghiệm của ông Thanh là cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề tim mạch, để nếu phát hiện cầu thủ nào có dấu hiệu bệnh lý thì phải cho nghỉ thi đấu ngay tức khắc, giống như trường hợp của Mitja ở HA.GL vừa qua.

Còn một tuyển thủ QG giấu tên vừa trở về từ AFF Cup 2014 thì nói rằng mỗi năm đội bóng của anh chỉ được khám sức khỏe một lần để hoàn tất thủ tục đăng ký với BTC, còn trong thời gian mùa giải diễn ra, công tác y học rất sơ sài.

Lý giải về điều này, ông Thanh cho rằng kinh phí để lo cho y học thể thao là một chuyện, mà điều quan trọng là bác sỹ thể thao ở Việt Nam quá hiếm. Vì thế, không phải đội bóng nào cũng có điều kiện tốt nhất để chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ của mình.

Mới đây nhất, dù V-League 2015 đã diễn ra được 2 vòng đấu song HA.GL vẫn phải thanh lý hợp đồng với trung vệ Morec Mitja vì nghi ngờ cầu thủ này có tiền sử bệnh tim.

Điều đáng nói là sau khi Mitja ký hợp đồng với HA.GL thì CLB này mới phát hiện Mitja bị bệnh tim, và đội bóng phố núi đã quyết định thanh lý hợp đồng với Mitja sau khi đưa trung vệ này xuống TP.HCM kiểm tra lần cuối cùng.


Hoàng Huy
  Thể thao & Văn hóa cuối tuần

.

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›