Nếu một ngôi sao ghi được 48 bàn trong mùa giải cho Al Nassr với hiệu suất 89 phút một bàn và cùng với đó là 10 bàn thắng ở vòng loại EURO 2024 như Cristiano Ronaldo, bất kì HLV nào cũng có quyết định tương tự như Roberto Martinez.
Hiển nhiên là HLV người Tây Ban Nha không thể bỏ lỡ một tiền đạo có hiệu suất ghi bàn và khát khao chiến thắng như vậy, nhất là khi những tài năng trẻ như Goncalo Ramos hay Rafael Leao đều không đạt đến một nửa đẳng cấp của siêu sao 39 tuổi này.
Bất khả xâm phạm
Đã có một sự nhầm lẫn rõ ràng khi Ronaldo tới Al Nassr chơi bóng. Anh hoàn toàn không rời xa môi trường bóng đá đỉnh cao, chỉ là không hoạt động thường xuyên ở đó khi vẫn là người lãnh đạo của Bồ Đào Nha tại vòng loại EURO 2024.
Ở đó, số 7, như đã nói, chơi 12 trận đấu và ghi được 10 bàn thắng, hiệu suất là 0,83 bàn mỗi trận. Chúng ta xem xét con số tương ứng của các tiền đạo khác của nhà vô địch EURO 2016: Leao, một trong những ngôi sao được hi vọng sẽ thay thế tiền đạo của Al Nassr chỉ ghi được 1 bàn thắng ở vòng loại EURO 2024. Goncalo Ramos ghi được 3 bàn, thần đồng một thời Joao Felix ghi được 3 bàn. Tiền đạo có phong độ cao nhất ở cấp câu lạc bộ trong mùa giải vừa qua tại châu Âu là Bernardo Silva ghi được 3 bàn.
Người gần nhất trên danh sách ghi bàn của đội bóng bán đảo Iberia là Bruno Fernandes có 6 bàn thắng ở vòng loại. Điều này dễ dàng đưa chúng ta đến kết luận: Sự xuất hiện của Ronaldo ở đội tuyển Bồ Đào Nha không phải mang tính biểu tượng, hoặc vì tính chất đặc biệt của anh đối với đội bóng, mà đơn giản vì số 7 là không thể thay thế bằng bất cứ ai.
Dù không phải là một chuyên gia, bạn cũng có thể thấy, Ronaldo có một vị trí bất khả xâm phạm ở đội tuyển. Giống như việc Olivier Giroud vẫn là một trụ cột trên hàng công ở đội tuyển Pháp, bất chấp việc Muani hay Dembele hoặc Marcus Thuram có chơi hay đến đâu.
Và người ta cũng không thể tưởng tượng được việc Croatia sẽ chơi bóng như thế nào nếu không có Luka Modric, đồng niên với Ronaldo. Và chắc chắc là HLV Zlatko Dalic cũng không gọi một cầu thủ gần 40 tuổi chỉ vì anh ta là lịch sử hay công thần của đội bóng.
"Đối với Cristiano Ronaldo, tôi nghĩ tốt hơn là nên nói về số liệu thống kê. Một cầu thủ ghi 48 bàn sau 49 trận cho câu lạc bộ của anh ta cho thấy tính liên tục, chất lượng trước khung thành và khả năng thể chất mà Bồ Đào Nha thật sự cần", HLV Roberto Martinez nói. "Chúng tôi không đưa ra lựa chọn dựa trên nơi các cầu thủ thi đấu. Chúng tôi muốn tạo ra một đội tốt nhất và gọi 26 cầu thủ tạo nên tập thể mạnh nhất. Chúng tôi theo dõi màn trình diễn cá nhân và vai trò của họ trong phòng thay đồ".
Thủ lĩnh quan trọng
HLV Fernando Santos đã đưa ra những quyết định được ông giải thích là để phù hợp với sự phát triển của Bồ Đào Nha tại World Cup 2022, nhưng lại mang tính hủy hoại đối với danh tiếng và lòng tự tôn của Ronaldo.
Thất bại của Bồ Đào Nha tại Qatar đơn giản là vì họ không có DNA ở giải vô địch thế giới, bên cạnh những yếu tố về chiến thuật hay nhân sự. Ngay cả ở thời đỉnh cao của mình vào năm 2006, đội bóng của Ronaldo cũng không thể vượt qua được giới hạn tại sân chơi này.
"Tôi thực sự nghĩ rằng họ có thể vô địch EURO, nhưng chỉ khi Ronaldo không thi đấu. Tôi nghĩ thời gian của anh ấy ở Bồ Đào Nha đã hết", cựu danh thủ Pháp Frank Leboeuf không phải là người đầu tiên đưa ra những nhận định kiểu như vậy.
Và khi nhìn lại World Cup 2022, có khả năng chiến lược gia kì cựu Santos đã chịu ảnh hưởng bởi những phân tích và đánh giá về vai trò và những tác động của Ronaldo (đối với một tập thể) của Erik ten Hag, người đã loại số 7 ra khỏi các kế hoạch tại Old Trafford hoặc từ rất nhiều các chuyên gia bóng đá khác.
Tại sao bạn có thể nghi ngờ một ngôi sao ghi bàn đều đặn cho các đội bóng anh ta thi đấu, khi điều rõ ràng là những bàn thắng không bao giờ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới bất kì một tập thể nào. Mà những bàn thắng cùng ngôi đầu bảng J tại vòng loại EURO 2024 là chứng minh cụ thể nhất về giá trị của Ronaldo.
Không HLV khôn ngoan nào lại gạt bỏ một ngôi sao xuất chúng như vậy để đặt tất cả hi vọng của quốc gia vào những người chỉ ghi được một hoặc ba bàn thắng trong suốt một hành trình dài của giải đấu lớn như EURO.
Cầu thủ lớn tuổi nhất và các cột mốc EURO
Gabor Kiraly (40 tuổi 86 ngày) là cầu thủ lớn tuổi nhất trong lịch tham dự một kì EURO, khi cùng Hungary thi đấu tại EURO 2016. Xếp thứ hai là Lothar Matthäus (39 tuổi 91 ngày) cho đội tuyển Đức ở EURO 2000.
Cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn: Ivica Vastic (38 tuổi 257 ngày). Vào sân từ băng ghế dự bị khi trận đấu với Ba Lan còn 26 phút trong trận đấu vòng bảng EURO 2008, anh cứu vãn trận hòa 1-1 cho Áo bằng cách thực hiện quả phạt đền muộn và giúp anh trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn ở một giải đấu cuối cùng.
Cầu thủ lớn tuổi nhất vô địch: Arnold Muhren (37 tuổi 23 ngày). Tiền vệ này là người kiến tạo cho Marco van Basten giúp Hà Lan hạ Liên Xô 2-0 trong trận chung kết năm 1988 ở Munich.
Cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn ở chung kết: Leonardo Bonucci (34 tuổi 71 ngày). Vượt qua Bernd Hölzenbein, người đã ghi bàn cho Tây Đức trong trận gặp Tiệp Khắc năm 1976, hậu vệ Bonucci của Ý trở thành cầu thủ thứ hai trên 30 tuổi ghi bàn trong một trận chung kết EURO khi ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Italy trước Anh ở chung kết EURO 2020.
Tags