Càng đến ngày diễn ra World Cup nữ 2023, thì truyền thông phương Tây càng nói nhiều về khoảng cách giữa bóng đá nam và nữ, chủ yếu là ở khía cạnh thu nhập theo luận điểm mọi sự công bằng phải dựa trên tiền bạc.
Ngoài ra, sự quan tâm của truyền thông, người hâm mộ cũng là điểm khác nhau rất rõ. Với bóng đá nữ Việt Nam, rất may là những khoảng cách đó không quá lớn.
1. Nếu tổng hợp số tiền thưởng mà đội tuyển nữ Việt Nam nhận được trong 2 năm qua, tức là sau khi đạt vé dự World Cup và 2 chiếc HCV SEA Games thì có thể nói là đội tuyển nam "cũng không dám mơ". Tiền từ tài trợ, từ giải thưởng cá nhân như Quả bóng Vàng Việt Nam cũng ghi nhận bóng đá nữ không thua kém gì bóng đá nam.
Một chút so sánh vui vậy thôi, thực sự thì chuyện các cô gái đá bóng ở Việt Nam cũng vẫn thiệt thòi nhiều so với các đồng nghiệp khác giới. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh của một kỳ World Cup, khi chúng ta xếp ngang hàng với 31 đội tuyển hàng đầu thế giới trên cùng một sân chơi, thì sự thiệt thòi ấy cũng vơi đi rất nhiều.
Theo con số thống kê mà FIFA mới công bố, đội bóng của HLV Mai Đức Chung có chiều cao khiếm tốn thứ nhì giải đấu (trung bình gần 1,61m), chỉ hơn mỗi đội Zambia (1,59 m), nhưng các cô gái Việt Nam đến World Cup với sự ủng hộ cao nhất, cả về tài chính lẫn tinh thần. Trong khi các đội tuyển châu Âu hay châu Phi cố gắng dùng World Cup để truyền đi các thông điệp mang tính "đấu tranh" cho vấn đề của mình trong nước, thì thầy trò HLV Mai Đức Chung hoàn toàn thoải mái, chỉ thuần túy quan tâm đến chuyên môn. Họ không cao, nhưng ai cũng phải… liếc nhìn!
Hãy nhìn nhận điều này như một lợi thế của bóng đá nữ Việt Nam. Chúng ta từng đá giao hữu với Pháp, Đức, nước chủ nhà New Zealand và cuối cùng là Tây Ban Nha. Sắp xếp được những trận đấu như vậy ngoài quan hệ, còn phải có tài chính tốt để di chuyển, ăn ở.
Về cơ bản, phải có một sự quan tâm, hậu thuẫn và tham vọng lớn thì mới đạt chất lượng như vậy. Tóm lại, nhìn bộ "combo" đá giao hữu ấy thì đội tuyển nam phải ghen tị, và các đội bóng khác ở World Cup cũng cảm thấy nể trọng.
2. FIFA cho biết, các trận đấu tại World Cup nữ 2023 sẽ tiếp tục áp dụng việc bù giờ như tại Qatar 2022 của các cầu thủ nam, thậm chí các trọng tài còn được yêu cầu thực hiện "triệt để hơn". Điều này có nghĩa là những cô gái Việt Nam sẽ đối diện với các trận đấu kéo dài cả 100 phút.
Ở World Cup 2022, trung bình mỗi trận bù giờ đến 11 phút, cá biệt có trận 27 phút. Đây rõ ràng là một trải nghiệm vô cùng khó khăn cho thầy trò HLV Mai Đức Chung. Trong bảng đấu của Việt Nam, những đội Mỹ, Hà Lan hay Bồ Đào Nha đều có chiều cao trên 1m70, cộng với thể hình to khỏe.
Đá với họ đã khó, phải đá tầm 100 phút ở sự chênh lệch lớn về thể hình thì vô cùng khó. Nói vui là chỉ chạy trong chừng đó thời gian thôi cũng đã kiệt sức nói gì đến chuyện phải cố gắng gấp 2 lần để tạo thế trận tốt trước các đối thủ như vậy.
Năm 2019, trận thua kỷ lục 0-13 của Thái Lan trước Mỹ có đến 6 bàn thắng diễn ra sau phút 75. Tám trong 20 bàn thua của Thái Lan ở giải đấu này là ở khoảng thời gian này. Về cơ bản, các đội bóng như Việt Nam chắc chắn không thể thắng nổi trong cuộc chiến thể lực.
Sẽ có ý kiến cho rằng ngôi sao của đội tuyển nữ Việt Nam là Huỳnh Như cũng chỉ cao 1m58, nhưng cô chơi bóng thành công ở Bồ Đào Nha. Đó có thể là trường hợp cá biệt, Huỳnh Như có đẳng cấp và kinh nghiệm, đồng thời Bồ Đào Nha không phải là nền bóng đá mạnh ở châu Âu, họ cũng chỉ mới lần đầu giành vé dự World Cup như Việt Nam mà thôi. Ngược lại, nếu Thanh Nhã mà sang chơi bóng ở Đức như các tin đồn gần đây, có khi lại thất bại như kiểu trường hợp Quang Hải.
3. Nhìn tới và nhìn lui, chúng ta thấy được những ưu thế và điểm yếu. Bất luận kết quả tại World Cup ra sao thì những điều đó cũng không thay đổi, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Chỉ có điểu ưu thế - sự ủng hộ - thì không biết có duy trì dài lâu không, chứ phần điểm yếu (thể hình) thì chắc chắn là không cải thiện được sớm, thậm chí là không biết bao lâu mới thay đổi được.
Thế nên, điều quan trọng bây giờ là phải tận dụng các lợi thế mà bóng đá nữ Việt Nam đang có để giảm bớt các điểm yếu. Trận đấu với Tây Ban Nha có thể là một gợi ý thú vị vì nó khiến chúng ta nhớ đến lò La Masia, nơi mà HLV trưởng Vilda của đội tuyển Tây Ban Nha đã trưởng thành.
Hiện VFF đã trực tiếp tuyển sinh từ lứa U14 cho riêng bóng đá nữ từ năm ngoái, ngay khi dịch Covid-19 lắng xuống. Dù không công bố qui mô, nhưng có vẻ như VFF đang hướng đến mô hình học viện được dành riêng cho cầu thủ trẻ nữ, việc mà chắc chắn họ không thể trông đợi từ hệ thống CLB do số lượng quá ít.
Đó sẽ là một ý tưởng đầy triển vọng nếu căn cứ trên mức độ ủng hộ và nguồn tài chính mà bóng đá nữ đang nhận được. Việc dự World Cup thường xuyên nằm trong tầm tay, đồng nghĩa với nguồn tài chính đều đặn được rót từ FIFA thông qua sân chơi này sẽ giúp cho mô hình học viện có đủ cơ sở để đi đường dài.
Điều quan trọng là quá trình đào tạo tập trung này mới giúp khắc phục các điểm yếu về thể hình, thể lực, khả năng tranh chấp của cầu thủ nữ Việt Nam cải thiện từ gốc, bởi có một thực tế là cầu thủ nữ tại các CLB vẫn ở trong tình trạng "thấp bé,nhẹ cân" do điều kiện kém tại địa phương.
Có một trung tâm cho cầu thủ nữ trẻ, có chuyên gia thể lực và một chương trình dinh dưỡng riêng, thiết kế khoa học thì ít nhiều các khoảng cách tại sân chơi World Cup sẽ được thu hẹp.
Xem ra, lại thêm một lần nữa VFF đã đi trước một bước…
Tags