Vì sao Indonesia quyết liệt với chính sách vận động cầu thủ có gốc gác Indonesia để về thi đấu cho đội tuyển quốc gia? Câu trả lời khá đơn giản: Họ không còn đủ kiên nhẫn. Chiếc HCV ở SEA Games 32 vừa qua chỉ mới là lần đầu tiên bóng đá xứ Vạn đảo có được tính từ năm 1991. Nghĩa là hơn 30 năm cho một chiến quả ở tuổi U22.
Chúng ta thử so sánh độ khó của việc đoạt HCV SEA Games với chức vô địch Đông Nam Á, rồi so sánh tiếp với việc đoạt vé dự World Cup, sau đó nhân lên với con số 30 năm thì sẽ cảm thông được với sự sốt ruột của những nhà quản lý bóng đá Indonesia.
Chỉ là cuộc cạnh tranh với các đội Đông Nam Á, tương đồng về thể hình và trình độ, mà khả năng thành công đã khó đến như vậy, thì nói gì đến chuyện tranh đấu với các đội hàng đầu châu Á. Trong hơn 30 năm qua, Indonesia rất nhiều lần đã vào chung kết SEA Games (5 lần) và AFF Cup (6), nhưng họ từng thất bại trước Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore.
Cái gì cũng vậy, một vài lần còn có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, sự kém may, nhưng quá nhiều lần thì có nghĩa là "giới hạn không thể vượt qua". Như đã nói, nếu nhân lên với độ khó của việc giành vé dự World Cup thì càng dễ… tuyệt vọng.
Không phải Indonesia không nhìn thấy những hạn chế của việc nhập tịch cầu thủ, vì chính họ cũng đã thực hiện điều này suốt chục năm qua nhưng thành tích vẫn chưa như kỳ vọng. Các bài học của Philippines, Trung Quốc, Singapore… cũng ở ngay trước mắt.
Biết là vậy, nhưng có lẽ các nhà quản lý thấy đó vẫn là cách để có hy vọng. Vì thực tế là họ không thể chờ đợi quả ngọt từ hệ thống thi đấu quốc nội kể cả khi không thiếu các nguồn lực và niềm đam mê.
Một chút phân tích để thấy việc bóng đá Việt Nam từ bỏ giải pháp nhập tịch cầu thủ là hợp lý. Chúng ta đã có chọn lựa của riêng mình, và có những cơ sở để tin vào lựa chọn đó.
Chỉ trong vòng hơn 1 thập niên, chúng ta đã có suất dự World Cup lần lượt của futsal, U20 và bóng đá nữ. Đội tuyển nam cũng đã vô địch 2 kỳ AFF Cup, đoạt 2 HCV SEA Games. Hàng loạt chiến tích ấy diễn ra trong cùng một khoảng thời gian, không thể xem là may mắn. Hơn nữa, khi chúng ta đã có thành quả, thì tâm thế cũng khác hẳn Indonesia.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bóng đá Việt Nam đã vượt qua những giới hạn. Chính 2 trận đấu sắp đến với Indonesia nhắc nhớ đến một thực tế: Không có quá nhiều lựa chọn để thay đổi đẳng cấp của nền bóng đá. Indonesia phải sử dụng các cầu thủ sinh trưởng ở châu Âu để cải thiện khả năng tranh chấp khi những cầu thủ trong nước không cải thiện được điểm yếu hình thể. Với bóng đá Việt Nam, cầu thủ đã cao, to hơn trước nhưng sự thay đổi ấy không quá lớn.
Đó là lý do mà nếu đội tuyển của HLV Philippe Troussier không tạo được kết quả khả quan trước Indonesia thì tham vọng dự World Cup của Việt Nam không chỉ biến mất, mà còn để lại những hậu quả dài lâu.
Bởi rõ ràng chỉ cần đối thủ bổ sung dàn nhân sự to cao vào, là chúng ta không thể vượt qua được, thì làm sao có thể cạnh tranh dài lâu với những đội trong tốp 10 châu Á. Ở chiều ngược lại, đoàn quân của ông Troussier mà thành công, thì câu chuyện World Cup sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Indonesia chọn con đường ngắn, bóng đá Việt Nam chọn đường dài hơn để đi. Có thể vì thế mà HLV Troussier vẫn "tỉnh như không" ở đợt tập trung quan trọng này. Ông vẫn "trộn" 2 đội tuyển dưới quyền dù không có quỹ thời gian đủ để thử nghiệm thêm gì nữa. Nói cách khác, nhà cầm quân người Pháp có vẻ vẫn tin tưởng mình an toàn trên ghế HLV trưởng bất chấp kết quả 2 trận đấu với Indonesia. Với ông, hơn 1 năm làm việc vẫn còn ngắn.
Nhưng như phân tích, những cuộc đối đầu giữa các đội bóng Đông Nam Á với nhau thường mang đến những nỗi ám ảnh. Indonesia mất hơn 30 năm mới có HCV SEA Games nên họ mất sự kiên nhẫn. Bóng đá Việt Nam luôn tìm cách vượt qua Thái Lan, cho đến nay, điều đó cũng chưa có một sự chắc chắn nào cả.
Vì thế mà việc phải thắng Indonseia, vượt qua chính đối thủ này trong cuộc đua giành quyền vào vòng 3 của vòng loại World Cup 2026 là một nhiệm vụ mà HLV Troussier nên hoàn thành. Bởi tự tin vào năng lực là một chuyện, nhưng không thể cứ đưa ra các tham vọng, chiến lược quá dài nhưng ngay điểm xuất phát đã mắc lỗi và tụt lại sau đối thủ.
Tags