Trước một đối thủ chất lượng như đội tuyển Iraq, HLV Kim Sang Sik hẳn sẽ có những giải pháp mới để tiếp tục hoàn thiện đội hình, chiến thuật nhằm nâng cấpđội tuyển Việt Nam.
Nhìn từ trận thắng trước Philippines đã thấy những điều tích cực. Trước đây, HLV Troussier "xới tung" lực lượng, yêu cầu cầu thủ đá đa năng để thử sức họ ở vị trí trái sở trường, còn HLV Kim Sang Sik thì không. Nhà cầm quân người Hàn Quốc tìm cách gia cố, khôi phục, nâng tầm sức mạnh vốn có của đội tuyển Việt Nam. Ở đó, ông áp dụng công thức "dụng binh" đơn giản: Đặt cầu thủ đúng vị trí sở trường để họ phát huy tất thảy năng lực.
Hãy lấy trường hợp của Phan Tuấn Tài, Nguyễn Hoàng Đức làm ví dụ. Khi được trả về đá đúng chỗ của một hậu vệ biên trái đơn thuần chứ không bị "gò" vào vị trí trung vệ lệch cánh trái, Tuấn Tài đã chơi rất ấn tượng. Hoàng Đức cũng đã chơi rất hay với không gian quen thuộc ở phía trên vòng tròn giữa sân một chút. Ở đó, Hoàng Đức với kỹ thuật của mình đã cầm bóng chắc, phối hợp nhóm, chuyền phát động tấn công hoặc xộc thẳng vào vòng cấm của đối phương. Nói thế để thấy, HLV Kim Sang Sik đã chọn những giải pháp đơn giản, hiệu quả, hướng đến mục tiêu cụ thể cho học trò chơi bóng. Qua đó, cũng cho thấy nhà cầm quân người Hàn Quốc "mát tay" với những chọn lựa của mình.
Những nét tích cực buổi ban đầu được nhìn thấy như thế ở cung cách cầm quân của HLV Kim Sang Sik để gợi mở về những thay đổi tiếp theo. Đội tuyển Việt Nam đi Iraq với quyết tâm có được chiến thắng để nhen nhóm hy vọng có thể bước vào vòng loại thứ 3. Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, đội tuyển Việt Nam còn rất ít cơ hội lấy được vị trí nhì bảng của Indonesia bởi quyền tự quyết không nằm trong tay chúng ta. Chính vì thế, điều quan trọng nhất ở chỗ đội tuyển Việt Nam sẽ hướng đến một trận đấu "ra ngô ra khoai" để tạo nền tảng cho chặng đường phía trước.
Ở trận đấu ra mắt, HLV Kim Sang Sik vẫn duy trì quân số chủ lực từ thời ông Park. Tuy nhiên, HLV Kim Sang Sik hướng đến tính cấu trúc của đội hình và mục tiêu rõ ràng cho từng tuyến và từng cầu thủ trên sân. Ông cho 3 trung vệ đá gần nhau để chống những tình huống tấn công vỗ mặt từ trung lộ của đối phương. Cùng với đó, 2 cầu thủ cánh được phép dâng cao nhiều hơn để nhận những đường thả bóng xuống nách hàng thủ đối phương.
Chưa kể, tiền đạo Nguyễn Tiến Linh chơi nhô cao bám vòng cấm, xử lý đơn giản nhất có thể. Trong lúc bộ 3 Hoàng Đức, Quang Hải, Hùng Dũng sẽ có thêm những pha ban bật, đập nhả trước vòng 16m50. Về cơ bản, khi hệ thống phòng thủ đảm bảo tính kỷ luật, giữ được cự ly đội hình hợp lý, còn các cầu thủ tấn công được mở rộng không gian để chơi, sẽ thấy những giải pháp của HLV Kim Sang Sik bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, đó là Philippines, đối thủ dưới tầm, còn với Iraq thì khác, rất khó để chúng ta thong dong chơi theo kiểu ấy. Đội tuyển Iraq sở hữu những cầu thủ có thể lực, tốc độ rất tốt. Do đó, nếu đội tuyển Việt Nam không có giải pháp để chống phản công tốt thì các tình huống chuyển đổi trạng thái của Iraq sẽ rất nguy hiểm với các đường chuyền ra sau lưng bộ 3 trung vệ của đội tuyển Việt Nam. Chúng ta đều thấy những phương án tấn công của đội tuyển Việt Nam ở trận gặp Philippines mang lại hiệu quả. Tuy vậy, khi đối đầu với những hậu vệ thể hình lững lững, đầy sức mạnh của Iraq lại là một vấn đề rất khác. Rõ ràng, Tiến Linh, Tuấn Hải cần phải có sự hỗ trợ đắc lực từ phía các tiền vệ ở phía sau. Đó là những bài toán để ông Kim Sang Sik đưa ra lời giải.
Bất kỳ lối chơi, chiến thuật nào đều có ưu điểm và hạn chế, HLV Kim Sang Sik có lẽ cần thêm thời gian để hiểu tường tận về phẩm chất của cầu thủ, về bóng đá Việt Nam để xây dựng, áp dụng những ý tưởng của mình. Cùng chờ và kỳ vọng HLV Kim Sang Sik sẽ mang đến thứ bóng đá trực diện, đơn giản, chính xác, giỏi ứng biến, xứng đáng để chờ đợi trong các trận đấu sắp đến.
Tags