Việc Xuân Son chính thức có mặt cũng như màn trình diễn hoàn hảo của tiền đạo này trong trận ra mắt xem như đã giải quyết "dứt điểm" những vướng mắc ở mặt trận tấn công của đội tuyển Việt Nam. Câu hỏi còn lại, đó là liệu đã đến lúc HLV Kim Sang Sik ngừng xoay khối rubik của mình hay chưa?
Có một chi tiết cần lưu ý khi bàn về triển vọng vô địch của Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, đó chính là thể thức đặc biệt của giải đấu này. Vào bán kết, nhưng để vô địch thì cần đến 4 trận đấu nữa tức là bằng số trận ở vòng bảng. Không chỉ thế, các đội phải đá 4 trận đấu căng thẳng ấy trong vòng 11 ngày, tức là chưa đến 3 ngày/trận theo thể thức sân khách - sân nhà.
Với một thể thức "không đâu có" như vậy, bên cạnh yếu tố sân nhà thì chiều sâu đội hình có ý nghĩa quan trọng. Trong tương quan lực lượng tương đối cân bằng của làng cầu Đông Nam Á, thì đội bóng nào làm chủ được 2 chi tiết nói trên, cơ hội chiến thắng sau cùng sẽ rất lớn.
Trong 10 kỳ giải ASEAN Cup (AFF Cup) áp dụng thể thức sân khách - sân nhà từ bán kết trở đi (2004 đến nay), đội tuyển Việt Nam có đến 8 lần vào vòng 4 đội nhưng chỉ có 2 trận thắng trên sân nhà ở vòng bán kết (trước Philippines ở AFF Cup 2018 và Indonesia ở AFF Cup 2022). Chính việc không tận dụng tốt lợi thế ấy nên chúng ta chỉ vào đến chung kết 3 lần, và trong 3 trận chung kết trên sân nhà, chúng ta cũng chỉ thắng duy nhất 1 trận, đó là chiến thắng 1-0 trước Malaysia ở AFF Cup 2018.
Có thể nói, chỉ có duy nhất kỳ AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam sở hữu đầy đủ các yếu tố thành công. Một đội hình có chiều sâu và trẻ trung, tận dụng tốt 2 trận đấu sân nhà ở vòng knock-out, kèm theo đó là việc không phải đụng độ Thái Lan trong suốt giải đấu. Nhưng AFF Cup 2018 có lẽ cũng được xem là "ngoại lệ" khi nguồn cảm hứng "Thường Châu 2018" khi đó quá lớn để đặt Việt Nam vào thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
Trong khi đó, nếu quan sát kỹ những thống kê 20 năm qua, thì cần xác định một cách cẩn trọng rằng: Vào bán kết… chưa là gì cả, nhất là với một ứng cử viên vô địch. Điều này cũng đúng với các đội bóng khác ở Đông Nam Á, ngoại trừ Thái Lan, đội vào bán kết 8 lần ngang với Việt Nam từ năm 2004 đến nay nhưng có đến 7 lần đá chung kết.
Nói cách khác, đối với đội tuyển Việt Nam, những gì chúng ta phô diễn ở vòng bảng không thể làm tiêu chuẩn để đưa ra các nhận định chính xác ở 2 trận bán kết sắp đến. Tất nhiên, là ở cả 2 mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Chúng ta vừa có "vũ khí tối thượng" là Nguyễn Xuân Son nhưng màn trình diễn hoành tráng của tiền đạo này sẽ khiến cho Singapore có thể thận trọng hơn, tập trung hơn trong việc ngăn cản tầm ảnh hưởng của anh. Ở chiều ngược lại, những luân chuyển đội hình và lối chơi nhiều khiếm khuyết, thậm chí là "vô chiêu" của Việt Nam tại vòng bảng, có thể sẽ khiến Singapore không tìm ra được cách đối phó phù hợp.
Ở 4 trận đấu vòng bảng, trận với Philippines có lẽ là lần duy nhất mà HLV Kim Sang Sik sử dụng đội hình "lạc nhịp". Đó là trận đấu mà ông xáo tung toàn bộ 3 tuyến, gần như không có bất kỳ sự kết nối nào với đội hình xuất phát của 3 trận còn lại.
Kết quả là trận đấu đó, chúng ta cầm bóng ít hơn, sút ít hơn và suýt thua trận. Gọi đó là cuộc thử nghiệm bất thành của ông Kim Sang Sik cũng được, mà xem đó là trận đấu để lộ ra khoảng cách giữa đá chính với dự bị thì đúng hơn.
Nghĩa là chiều sâu đội hình của Việt Nam có vấn đề. Ngay ở nơi tưởng là tốt nhất - hàng tiền đạo - thực tế thì trước khi Xuân Son xuất hiện, chúng ta chỉ có 2 bàn được ghi bởi các tiền đạo và cũng chỉ từ trận đấu với Lào. Xuân Son có thể sẽ làm thay đổi toàn diện mặt trận tấn công, nhưng các tuyến khác thì sao?
HLV Kim Sang Sik đã "xoay rubik" suốt vòng đấu bảng. Về lý thuyết, ông được quyền thử nghiệm khi tính chất của 4 trận đấu vừa qua không nằm ngoài khả năng chiến thắng của chúng ta.
Ngôi đầu bảng và với việc chỉ chạm mặt Singapore ở bán kết khiến cho mọi thứ trở nên ổn thỏa. Nhưng như đã nói, vòng bán kết sẽ không giống như vậy, trong khi mối bận tâm về việc tận dụng lợi thế sân nhà cũng như cách sử dụng băng ghế dự bị vẫn chờ ông Kim giải quyết.
Tags