(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 1 tỷ người đối mặt với nguy cơ phải di chuyển nơi ở vào năm 2050 do thiên tai hoành hành, dân số tăng nhanh, cùng với tình trạng thiếu lương thực và nước sạch. Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) đã đưa ra dự báo này trong bản nghiên cứu mới về các mối đe dọa môi trường sinh thái toàn cầu.
Dựa trên dữ liệu của Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều nguồn khác, IEP đã lập danh sách các mối đe dọa sinh thái để phân tích, đánh giá các mối đe dọa, đồng thời dự báo những quốc gia và vùng lãnh thổ đối mặt với nguy cơ cao nhất.
Danh sách trên được chia thành 2 nhóm lớn: một nhóm gồm các yếu tố an ninh bất ổn, tình trạng thiếu nước sạch và dân số gia tăng; và nhóm còn lại gồm thiên tai, nước biển dâng và nhiệt độ tăng.
Nghiên cứu ước tính 1,2 tỷ người sống tại các vùng dễ bị ảnh hưởng gồm các quốc gia châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara, Trung Á và Trung Đông có thể buộc phải di cư vào năm 2050 khi dân số thế giới được dự báo tăng lên gần 10 tỷ người, kích động xung đột cũng như cuộc tranh giành các nguồn tài nguyên. Nghiên cứu so sánh với số liệu của năm 2019 khi khoảng 30 triệu người sơ tán do các yếu tố môi trường sinh thái và xung đột.
Người sáng lập IEP, ông Steve Killelea nhấn mạnh điều này sẽ gây ra những hệ lụy lớn đối với xã hội và chính trị, không chỉ ở những nước đang phát triển mà còn cả ở những nước phát triển. Thực trạng di cư ồ ạt sẽ dẫn đến số người tị nạn nhiều hơn tại những nước phát triển nhất.
- Dân số thế giới vào năm 2100 có thể ít hơn 2 tỷ người so với dự báo của LHQ
- LHQ cảnh báo sự bùng phát trong hoạt động sản xuất ma túy ở Nam Mỹ
IEP cũng phân tích mỗi nước sẽ đối mặt với bao nhiêu mối đe dọa và khả năng ứng phó của mỗi chính phủ trong số khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả cho thấy một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc sẽ đối mặt với mối đe dọa lớn nhất là thiếu nước trong những thập niên tới. Ngay cả những nước nhìn chung ổn định hiện nay như Pakistan, Iran, Mozambique, Kenya và Madagascar, lại có nguy cơ đối mặt với nhiều mối đe dọa sinh thái cùng lúc nhưng khả năng đối phó hạn hẹp vào năm 2050.
Lượng nước ngọt trên thế giới đã giảm 60% trong 50 năm qua. Nhu cầu lương thực được dự báo tăng 50% trong 30 năm tới, chủ yếu do tầng lớp trung lưu gia tăng tại châu Á. Cùng với thiên tai nhiều khả năng gia tăng do biến đổi khí hậu, những yếu tố này đẩy các nước vốn ổn định trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa trong tương lai.
IEP hy vọng báo cáo phân tích dài 90 trang của viện sẽ giúp các chính phủ định hình các chính sách phát triển và viện trợ, trong đó chú trọng cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho công tác giảm nhẹ tác động liên quan đến khí hậu.
Nguyễn Hằng/TTXVN
Tags