Dự báo trái chiều về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2050

Thứ Ba, 27/08/2024 19:39 GMT+7

Google News

Ngày 26/8, "gã khổng lồ" dầu khí Mỹ ExxonMobil dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu khó có khả năng suy giảm vào năm 2050, trong bối cảnh dân số và nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới đang gia tăng.

Trong một báo cáo mới, ExxonMobil nhận định nhu cầu dầu sẽ ổn định sau năm 2030, duy trì ở mức trên 100 triệu thùng/ngày cho đến năm 2050. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), con số này tương đương nhu cầu dầu toàn cầu năm ngoái ở mức 102,2 triệu thùng/ ngày.

Tuy nhiên, con số dự báo trên cao hơn đáng kể so với dự báo của công ty dầu khí BP (Vương quốc Anh), cho rằng nhu cầu dầu sẽ giảm xuống còn khoảng 75 triệu thùng/ngày vào năm 2050.

ExxonMobil ước tính hiện có khoảng 4 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận đủ nguồn năng lượng cần thiết. Với dự báo dân số toàn cầu sẽ tăng từ 8 tỷ lên gần 10 tỷ vào năm 2050, việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cơ bản sẽ dẫn đến mức tăng dự kiến 15% trong tổng mức sử dụng năng lượng toàn cầu.

Dự báo trái chiều về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2050 - Ảnh 1.

Trạm bán xăng ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ExxonMobil, mặc dù có những tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng. Dự kiến, vào năm 2050, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ vẫn chiếm hơn một nửa tổng hợp năng lượng toàn cầu, ngay cả khi sự gia tăng của xe điện làm giảm nhu cầu xăng tại các trạm bơm.

Công ty cho biết phần lớn dầu mỏ trên thế giới hiện đang và sẽ tiếp tục được sử dụng cho các quy trình công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất hóa chất, cũng như cho các hoạt động vận tải hạng nặng như vận chuyển bằng tàu biển, xe tải và hàng không.

Mặc dù vậy, ExxonMobil vẫn kỳ vọng lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ giảm khoảng 25% vào giữa thế kỷ, nhờ việc cải thiện hiệu quả năng lượng, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, và áp dụng các công nghệ mới trong việc giảm phát thải, chẳng hạn như thu giữ và lưu trữ carbon.

Trước đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang tác động đến nhu cầu dầu của toàn cầu trong năm nay, đưa đến việc OPEC điều chỉnh giảm nhẹ dự báo hồi tháng 7/2024.

Tăng trưởng nhu cầu dầu của toàn cầu năm 2024 được điều chỉnh giảm 135.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng trước, xuống mức vẫn cao là 2,1 triệu thùng/ngày, vượt mức trung bình 1,4 triệu thùng/ngày trước đại dịch.

Nguyên nhân chính cho việc điều chỉnh giảm dự báo là triển vọng tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc trong năm nay yếu hơn.

OPEC nhấn mạnh đến việc giá dầu tăng từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, trước khi giảm từ tháng 5 trở đi. OPEC cho rằng giá dầu giảm là do những lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc cũng như các số liệu kinh tế trái chiều.

Tại cuộc họp ngày 1/8, Ủy ban Giám sát Chung cấp Bộ trưởng của OPEC và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, vừa tái khẳng định cam kết của nhóm đối với chính sách sản lượng hiện tại.

Tháng 6/2024, cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ đã quyết định gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng hiện tại ít nhất đến quý III năm nay. OPEC+ cũng tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày đến hết tháng 9/2024 và mức cắt giảm sẽ thu hẹp dần hàng tháng cho đến hết tháng 9/2025.

Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais trước đó khẳng định rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong các lộ trình năng lượng trong tương lai, vì các sản phẩm dầu mỏ rất cần thiết cho hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nhau.

Dự báo trái chiều về nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2050 - Ảnh 2.

Một nhà máy lọc dầu ở Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Al-Ghais cho biết các quốc gia thành viên OPEC đều có những kế hoạch điện khí hóa quốc gia rõ ràng, coi đây là yếu tố quan trọng giúp giảm phát thải. Theo ông Al-Ghais, các nguồn năng lượng sẽ cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong tương lai, giảm phát thải cũng như giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng.

Các bình luận trên của ông Al-Ghais được đưa ra sau khi IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục giảm do xe điện sẽ nhanh chóng được đưa vào sử dụng.

Tổng thư ký OPEC nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục là thành phần quan trọng của các lộ trình năng lượng trong tương lai. Điều này được chứng minh thực tế rằng các sản phẩm dầu mỏ rất cần thiết cho hoạt động của các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như lĩnh vực điện".

Một số hãng lọc dầu hàng đầu của Mỹ đang giảm hoạt động tại các cơ sở của họ trong quý này, làm tăng thêm lo ngại rằng tình trạng dư cung toàn cầu đang hình thành.

Marathon Petroleum Corp., chủ sở hữu của nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ, dự kiến sẽ vận hành 13 nhà máy của họ ở mức trung bình 90% công suất trong quý III, mức thấp nhất trong giai đoạn này kể từ năm 2020. Tương tự, PBF Energy Inc. thông báo rằng họ đang chuẩn bị xử lý ít dầu thô nhất trong ba năm, Phillips 66 sẽ vận hành các nhà máy lọc dầu của công ty ở mức gần thấp nhất trong hai năm và Valero Energy Corp. dự kiến sẽ cắt giảm việc xử lý dầu. Tổng cộng, bốn nhà lọc dầu này chiếm khoảng 40% công suất sản xuất xăng và dầu diesel của Mỹ.

Tổ hợp sản xuất nhiên liệu của Mỹ trên, một yếu tố quan trọng trong cân bằng cung cầu toàn cầu, đang gặp khó khăn khi tiêu thụ đình trệ và lợi nhuận giảm. Sự chậm lại này phần nào củng cố khả năng dư thừa dầu thô, một mối đe dọa đã hạn chế giá dầu tăng khoảng 7% trong năm nay bất chấp việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Xu hướng này cũng đi ngược lại với ước tính của IEA rằng các nhà sản xuất nhiên liệu toàn cầu sẽ xử lý thêm gần 900.000 thùng dầu mỗi ngày trong năm nay.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›