- Người đàn ông sống lâu nhất Trung Quốc, thọ xuyên 3 thế kỷ áp dụng một bí quyết đơn giản: Ai cũng có thể học theo
- Tự sự của người cha sống quá nửa đời người: Cay đắng nhất không phải không có tiền tiết kiệm mà là thấy con cái lụi bại, không có ý chí!
- Sau 8 năm tốt nghiệp đại học, người đàn ông 30 tuổi vẫn cầm hơi qua ngày bằng mỳ gói: Đời bế tắc vì 1 lỗi tai hại nhiều người phạm phải!
Môi trường công sở hội tụ nhiều mối quan hệ, nếu chúng ta không biết cách điều hoà hợp lý có thể nảy sinh những vấn đề nan giải.
Khi bạn bắt đầu làm việc tại một doanh nghiệp, tổ chức nào đó, bạn không những phải đối diện với thách thức, áp lực trong công việc mà còn phải thiết lập mối quan hệ với đồng nghiệp.
Nắm vững 7 điều sau sẽ giúp bạn tránh khỏi những phiền toái, rắc rối ở chốn công sở.
1. Đừng nói với người khác về những rắc rối của bạn
Nhiều người có tính cách thẳng thắn, bộc trực. Trong lòng họ có chút phiền muộn, bực dọc là sẵn sàng kể lể, hàn huyên với đồng nghiệp. Bạn phải biết rằng khả năng đồng nghiệp giữ bí mật cho bạn là rất thấp.
Nếu bạn thường xuyên tâm sự những rắc rối của mình với đồng nghiệp, họ sẽ nghĩ bạn là người yếu đuối, không có nghị lực. Thậm chí dù bên ngoài họ an ủi, động viên bạn nhưng bên trong lại coi thường, không xem trọng.
Họ chẳng những không thông cảm mà có thể đem câu chuyện của bạn kể với mọi người. Và sẽ rất tai hại nếu chuyện tới tai sếp, có thể bạn còn bị buộc nghỉ việc nếu là chuyện cấm kỵ, vi phạm đạo đức và pháp luật.
2. Không tranh cãi với đồng nghiệp
Nhiều người thích tranh luận tới cùng với người khác. Chuyện gì cũng tranh cãi ai đúng, ai sai và luôn muốn bản thân giành chiến thắng. Đây quả thực là người hiếu thắng.
Người có tính cách này dễ dàng nổi nóng với người khác nơi làm việc. Vì thế, họ để lại ác cảm trong lòng người khác, không được quý mến, trọng dụng. Thậm chí có những người xấu còn tìm cách trả đũa trong công việc.
3. Không "ngồi lê đôi mách", nói xấu người khác
Nhiều người thích nói xấu người khác ở chốn công sở. Họ có thể nói xấu bất cứ ai, từ đồng nghiệp tới lãnh đạo.
Bản chất của hành vi nói xấu, đặt điều về người khác xuất phát từ tính ganh ghét, đố kỵ và tranh đua không lành mạnh. Thường họ sẽ cố dìm và hạ thấp giá trị của những người giỏi hơn, có ngoại hình đẹp hơn hay được người khác yêu mến nhiều hơn.
Bên cạnh đó, những người chuyên đi nói xấu có thể là hệ quả của tính cách vốn có là nhiều chuyện, thích soi mói và sân si người khác. Việc buôn chuyện về khuyết điểm của người khác khiến họ cảm thấy thoả mãn, giải trí.
"Ngồi lê đôi mách", nói xấu người khác chẳng có gì hay ho, thậm chí còn gây hoạ khôn lường. Bởi thông thường những lời nói xấu đã bị phóng đại, nói quá so với sự thật. Vì vậy, bạn đừng nói xấu người khác ở công ty. Hãy cẩn thận kẻo họ sẽ ghi âm lại lời nói, như vậy bạn sẽ không còn lối thoát và chỉ có thể chọn rời đi.
4. Không thể hiện ưu thế của mình trước mặt đồng nghiệp
Bạn được thăng chức, được thăng lương? Đó là việc của bạn, là sự cố gắng của bạn, là ghi nhận của lãnh đạo. Tuy nhiên, bạn không nên thể hiện những điều này trước mặt đồng nghiệp.
Có thể bạn nghĩ rằng nếu chia sẻ niềm vui của mình với mọi người thì họ sẽ cảm thấy vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực. Nhưng đó chỉ là với bạn bè thân thiết, với đồng nghiệp lại khác.
Bản thân mối quan hệ với đồng nghiệp là sự xung đột lợi ích. Bạn được tăng lương, còn người khác thì không; bạn được thăng chức còn họ thì không. Vì thế, sự chia sẻ của bạn chỉ khiến họ khó chịu, ghen tỵ.
Nếu bạn thể hiện sự vượt trội của mình trước mặt đồng nghiệp, điều đó chỉ khiến đối phương mất cân bằng về tâm lý. Một khi công việc của bạn có vấn đề, chắc chắn bên kia sẽ gây rối và tìm cách hạ bệ bạn.
5. Đừng trình bày dài dòng, không quan tâm đến cảm xúc người khác
Nhiều người trò chuyện với đồng nghiệp chỉ tập trung vào bản thân mình và nói không ngừng. Họ coi mình là trung tâm của văn phòng, không thèm để ý đến cảm xúc của đồng nghiệp.
Một người như vậy chỉ khiến đồng nghiệp xa lánh, chẳng muốn kết giao.
6. Không nói lời gay gắt
Trong công việc sẽ khó tránh khỏi những bất đồng quan điểm với đồng nghiệp.
Những lúc này, bạn nên tỏ ra sự cảm thông, thấu hiểu. Hãy hạ thấp tông giọng, đừng nói quá gay gắt trước lỗi lầm, vấn đề của đối phương. Hãy nói một cách nhẹ nhàng, tử tế, nói đúng sự thật. Đừng làm tổn thương lòng tự trọng của người khác. Như vậy, mọi chuyện sẽ trở nên hài hoà, dễ giải quyết hơn.
Nếu bạn nói quá gay gắt sẽ khiến đồng nghiệp xa lánh bạn. Thậm chí, họ còn thù ghét và âm thầm tìm cách hãm hại bạn.
7. Đừng tỏ vẻ bí hiểm, khó đoán
Nhiều người khi giao tiếp với đồng nghiệp luôn tỏ vẻ bí hiểm, khó đoán. Trên thực tế, nếu bạn làm như vậy không khác gì hơn là đang thể hiện bản thân, muốn người khác phải ngưỡng mộ
Tuy nhiên, đồng nghiệp sẽ nghĩ bạn là người đạo đức giả, nhàm chán, thậm chí là kém hiểu biết. Đôi khi một chút khiêm tốn có thể tạo ấn tượng tốt hơn với người khác.
Những quy tắc bất thành văn tại nơi làm việc sẽ chẳng có trong nội quy hay quy định của công ty. Vì vậy, nếu bạn biết càng sớm và nắm rõ những quy tắc này sẽ giúp công việc trở nên thuận lợi, mối quan hệ với đồng nghiệp cũng dễ chịu hơn.
Tags