(Thethaovanhoa.vn) - Người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11, dù là Hillary Clinton, Donald Trump đều sẽ không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui, khi mà phía trước vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là rất nhiều khó khăn cả về đối nội và đối ngoại.
- Bầu cử Mỹ: Chính xác giờ nào tên tân Tổng thống Mỹ được công bố?
- CẬP NHẬT bầu cử Mỹ: Bà Hillary Clinton nới rộng khoảng cách, chạm tay vào chiến thắng?
- Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016: Rời Nhà Trắng, bà Obama để lại 'di sản' gì?
Kinh tế là vấn đề được dư luận quan tâm nhất và đó cũng là phần việc mà người đứng đầu chính quyền mới phải tập trung giải quyết. Kinh tế Mỹ có tháng thứ 73 liên tiếp tạo thêm việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp hiện được kéo xuống 4,9%, tăng trưởng trong quý 3 năm 2016 được dự báo ở mức 2,9%.
Tuy nhiên, tính từ năm 2009 đến nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới ở vào giai đoạn phát triển chậm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với tăng trưởng trung bình 2%/năm. Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2016 kết thúc vào ngày 30/9 đã tăng lần đầu tiên trong 5 năm.
Cử tri bỏ phiếu sớm tại một điểm bầu cử ở Miami, Florida ngày 3/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Đà phục hồi chậm, không còn duy trì được tính năng động vốn có cùng với chi phí y tế, giáo dục liên tục tăng, lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm sút là những điểm yếu cố hữu của kinh tế Mỹ. Những nhân tố này dần tích tụ và có thể sẽ lại gây ra một cơn “đột quỵ” tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008.
Tân tổng thống Mỹ phải đối mặt với xu thế chia rẽ chính trị đi kèm với mâu thuẫn đảng phái có chiều hướng gia tăng. Tỉ lệ cử tri dân chủ hoặc có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ và giữ giá trị, quan điểm đặc trưng của đảng này tăng từ mức 30% (1994) lên 60% (2015).
Mức tăng tương ứng với cử tri Cộng hòa hoặc ủng hộ đảng Cộng hòa là từ 45% lên 53%. Đặc điểm này đẩy chính trị Mỹ vào thế phân cực mạnh; ở tầm vĩ mô, chính quyền mới sẽ bị phân liệt do không một đảng nào muốn ủng hộ “đối thủ” hiện thực hóa các chính sách đề ra.
Bất kể ai lên nắm quyền tại Nhà Trắng cũng đều bảo vệ quyền lợi của giới tinh anh, giàu có chiếm thiểu số, nhưng cũng phải có biện pháp “xoa dịu” tầng lớp trung lưu, nghèo khổ chiếm đa số, không để mâu thuẫn xã hội bùng phát vượt tầm kiểm soát. Đó cũng là một thách thức lớn khi mà bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ liên tục gia tăng.
Về đối ngoại, nước Mỹ sẽ phải giành nhiều nỗ lực cho khu vực châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) - đối tác thương mại và đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, đang gặp phải những thách thức không nhỏ, do kinh tế đình đốn, chia rẽ nội khối, gia tăng biến động chính - nhất là sau sự kiện Anh rời khỏi EU.
Tìm kiếm một cách tiếp cận khác trong quan hệ với Nga là mối bận tâm lớn của tân Tổng thống Mỹ, khi quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống mức đáy sau diễn vừa qua ở Ukraine, Syria.
Chính quyền mới tại Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ phải có những điều chỉnh nhất định trong Chiến lược Tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ hiện phải đối mặt với một Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn, muốn tiến đến một cấu trúc đa cực mà ở đó Trung Quốc hay Nga sẽ trở thành những người chơi quan trọng, có thể cạnh tranh với Mỹ về vai trò toàn cầu cũng như trong các thiết chế quốc tế quan trọng như G-20.
Biến động chính trị mới đây tại Hàn Quốc, tính chất “khó đoán định" của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte hay vấn đề hạt nhân của Triều Tiên… sẽ là mối bận tâm lớn của Nhà Trắng.
Tân Tổng thống Mỹ cũng sẽ phải tiếp nhận một Trung Đông bất ổn với các điểm nóng ở Syria, Iraq, Yemen, Libya, giữa lúc quan hệ của Mỹ với nhiều đồng minh ở khu có chiều hướng xấu đi trong 8 năm qua và cần phải được xây dựng lại - như lời bình luận của Giám đốc tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper.
TTXVN/Hoài Thanh
Tags