(Thethaovanhoa.vn) - Được không chú? Cậu bé tên Sơn mỉm cười hỏi, muốn tôi đánh giá về cú swing của cậu. Cầm chiếc gậy sắt trên tay, swing rất ngọt nhờ còn nhỏ nên mềm dẻo và lại được tập luyện nghiêm chỉnh, quả bóng golf bay gần đến cái cột mục tiêu đánh dấu 100 yards trên hồ nước.
Nguyễn Đức Sơn, năm nay 9 tuổi, trong những ngày đầu Hè này bận rộn như một gôn thủ chuyên nghiệp. Sáng tập, chiều tập. Ngày hôm trước tập, ngày hôm sau ra sân “thi đấu”.
Như giáo viên dạy golf của năm 2005 do tạp chí golf của Mỹ bình chọn, ông Seth Glasco nói rằng, với mọi đứa trẻ đến với golf, thì quan trọng nhất là chúng phải yêu golf, một môn thể thao mà thoạt nhìn tưởng nó chỉ dành cho người trưởng thành hay người già.
Đức Sơn cùng với bố ở giải Golf tổ chức trên sân Vân Trì dành cho trẻ nhỏ
Một đứa trẻ mỗi lần đi tập vài trăm bóng qua vài tiếng đồng hồ chỉ để làm sao đánh cho quả bóng bay thật cao, thật thẳng và đạt đúng khoảng cách mong muốn tùy thuộc vào cây gậy ngắn hay dài, đầu gậy ngửa nhiều hay ngửa ít thì quả thực nó phải yêu thích golf lắm.
“Cháu thích golf và chơi game trên ipad nhất”, Sơn trả lời hồn nhiên. Dĩ nhiên, bố của cậu bé ấy không thích con mình chơi game, nhưng mê golf là điều có thể khuyến khích, dù khá tốn kém. Chỉ riêng những chi phí tự tập luyện và tự chơi cũng có thể so sánh với số tiền học phí hàng tháng của các ngôi trường quốc tế.
Ông Lê Kiên Thành, Chủ tịch Hiệp hội Golf mới đây nói rằng như trước chỉ chỉ có vài trăm người thì nay cả nước đã có khoảng 1,5 vạn gôn thủ. Điều đặc biệt, golf ở Việt Nam ngày càng được trẻ hóa, và dù nó chưa tới ngưỡng bình dân hóa thì nó cũng không còn là cuộc chơi riêng của tầng lớp tinh hoa nhất. Golf đã và đang trở thành môn thể thao thực sự, có cả phong trào và chuyên nghiệp chứ không chỉ là một công cụ cho các doanh nhân gặp gỡ lẫn nhau hay với quan chức.
Số lượng trẻ em chơi Golf ở Việt Nam ngày càng tăng
Hằng tháng, sân golf Vân Trì nằm cách trung tâm Hà Nội hơn một giờ xe chạy, tổ chức giải golf cho những đứa trẻ nhỏ được thi đấu, đọ tài và thử sức với chính mình. Tham dự giải vừa có những đứa trẻ người Hàn Quốc theo bố mẹ sang Việt Nam làm việc, vừa có cả những đứa trẻ Việt Nam mà tình yêu golf của chúng là thứ “virus” được lây truyền qua tình yêu của bố.
Nguyễn Đức Sơn thường xuyên tham dự giải đấu ấy. Việc cậu bé quan tâm chỉ là được chơi, được swing, được đứng trên thảm cỏ xanh ngắm nghía con đường chuẩn nhất đưa trái bóng golf vào hố. Còn kết quả thế nào là việc của caddie và bố cậu. Họ không quân tâm tới vị trí tại giải, nhưng luôn chú ý xem các kết quả có phản ánh sự tiến bộ nào không, như tâm lý, thể lực, kỹ thuật…
Nguyễn Huy Tiến, cán bộ của bộ môn Golf Hà Nội cũng chia sẻ về sự phát triển của golf, thể hiện qua việc các giải đấu cho trẻ nhỏ tổ chức hàng tháng (khác với giải ở sân Vân Trì) luôn có khoảng 3-40 đứa trẻ ở các độ tuổi tham dự.
Lớp dạy golf miễn phí mùa Hè do một giáo viên người nước ngoài đã bước sang năm thứ hai vẫn luôn quá tải. Ý tưởng của lớp học là một trong hai gôn thủ nổi tiếng Việt Nam, Thái Dương. Còn thày giáo huấn luyện là một chuyên gia người nước ngoài.
Những đứa trẻ nảy sinh đam mệ với golf phần lớn đều được bố mẹ đưa tới những trung tâm huấn luyện golf có các giáo viên có bằng cấp. Nhưng “nếu được ra nước ngoài thì vẫn sẽ tốt hơn rất nhiều”, anh Tiến nói, đó là môi trường lý tưởng để có được ý thức chuẩn mực về golf.
Được tiếp cận với Golf chuyên nghiệp thế giới, thầy giỏi là ước mơ của nhiều người
Anh Quang, bố của cậu bé Nguyễn Đức Sơn, sau khi chứng kiến tình yêu của golf mà cậu con trai của mình bộc lộ mãnh liệt hơn bất cứ môn thể thao nào mà nó được giới thiệu như bóng đá, bơi hay tennis, cũng suy nghĩ về việc đi ra nước ngoài, tìm một học viện nào đó để gửi gắm. Hoặc là Mỹ, hoặc là Australia, hai trong số những quốc gia phát triển hàng đầu về golf.
Anh Quang cũng như nhiều người có ý định cho con mình ra nước ngoài học golf, muốn tìm tới những học viện mà ở đó có những điều kiện lý tưởng và tạo ra các cơ hội tốt nhất để phát triển khả năng.
Việc Việt Nam trong 15 năm nữa sẽ có cả thảy gần 100 sân golf xem ra không trở nên lạc lõng sau những câu chuyện của cậu bé tên Sơn.
Kỳ Anh
Tags