Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội) và nhạc sĩ Quỳnh Hợp - người đã 3 lần đi Trường Sa và là nhạc sĩ có ca khúc viết về Trường Sa nhiều nhất hiện nay.
* GS Nguyễn Quang Ngọc: “Tour du lịch yêu nước”
“Tôi hoàn toàn hoan nghênh, thậm chí là rất mong đợi việc tổ chức “tour du lịch yêu nước”, đưa du khách ra thăm một số địa điểm tại quần đảo Trường Sa. Rõ ràng, sáng kiến này mang giá trị cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của chúng ta với vùng đảo này.
Từ câu chuyện của bản thân, tôi cũng đã mong mỏi ra Trường Sa từ rất lâu, nhưng phải đến tận tháng 5 vừa qua mới lần đầu tiên có dịp đặt chân tới đây. Những gì được chứng kiến, được chia sẻ về cuộc sống và nhiệm vụ của những người lính đảo, cũng như bà con ngư dân tại Trường Sa, là những trải nghiệm vô cùng đặc biệt.
GS Nguyễn Quang Ngọc
Chắc chắn, khi có dịp tham gia, những người có mặt sẽ vừa có thêm những cảm xúc đặc biệt, vừa có cơ hội mang những câu chuyện, những hình ảnh từ Trường Sa về đất liền để chia sẻ cùng cộng đồng về ý thức công dân.
Cũng cần nói thêm, quần đảo Trường Sa có khung cảnh tuyệt đẹp. Mở rộng những chuyến đi ra Trường Sa, chúng ta không chỉ nâng cao được công tác giáo dục, tuyên truyền về biển đảo mà còn thu về những lợi ích trực tiếp về kinh tế, xã hội nữa”.
* Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Sẽ là cầu nối giữa "nơi đảo xa" với đất liền
"Lần đầu tiên đặt chân đến quần đảo Trường Sa là một cảm xúc rất lạ, khó diễn tả: cảm xúc đặc biệt khi mình chạm vào được vùng đất nơi đảo xa của tổ quốc, nghĩ về sự hy sinh lớn lao của những người lính Trường Sa giữa sóng gió biển khơi. Những cảm nhận về cảnh quan, con người mà nếu không đến đây mình sẽ không hình dung ra được.
Tôi có may mắn được ra Trường Sa 3 lần, mỗi lần đều cho mình một cảm xúc, một khám phá để đưa vào tác phẩm. Đi Trường Sa thì có đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn, mỗi nơi có những điều thú vị riêng. Với đảo nổi có đảo thì tàu lớn cập bến được, nhưng cũng có những đảo phải đi vào bằng ca nô. Hành trình đi ca nô vào đảo cũng rất thú vị. Với các nhà giàn, để lên được phải lợi dụng con sóng, đại khái nó sẽ như một hình thức “du lịch mạo hiểm”, dù rất an toàn.
Trong những chuyến đi Trường Sa vừa qua, đêm trước khi vào đất liền, tàu neo đậu ngoài khơi biển Vũng Tàu, đó là một cảnh rất đẹp, chung quanh là những giàn khoan rực sáng, mỗi giàn khoan có một “thiết kế” khác nhau, như một thành phố trên biển.
Có lẽ cảm nhận mỗi người mỗi khác, nhưng với tôi, khi giữa trùng khơi sóng nước, nhưng ở các đảo nổi vẫn có cây xanh, luống rau, giàn bí, có tiếng ê a của trẻ trong trường học, có mái chùa... Trong khung cảnh đó cảm nhận về làng quê Việt thật đậm nét, tình yêu quê hương thật sự trào dâng. Cảm xúc mà mình khó có thể có khi ở đất liền. Đó cũng là sự lý thú khi đi du lịch quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, hoàng hôn và bình minh trên đảo thì đẹp vô cùng, xung quanh toàn biển mênh mông, không nhìn thấy chân trời, chỉ có ở đảo xa mới có được cảnh đó. Hoa ở Trường Sa cũng rất đẹp như hoa phong ba, hoa bão táp, hoa bàng vuông cũng rất đẹp và đặc biệt chỉ nở về đêm.
Không những tôi mà một số bạn trẻ sau khi đi Trường Sa về đều có cảm giác là mình rất nhỏ bé trước sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo. Cũng từ đó mà nhìn nhận về cuộc sống khác hẳn... Suy nghĩ, việc làm của mình hướng đến việc cống hiến nhiều hơn...
Trong thời gian qua, đi Trường Sa chỉ là những chuyến công tác, thăm nom, đối tượng được đi rất hạn chế, có người muốn bỏ tiền ra đi cũng không được. Nếu có tour du lịch Trường Sa thì đối tượng được mở rộng hơn, sẽ là nhịp cầu nối gần hơn Trường Sa với đất liền. Có đi đến tận nơi chứng kiến mới dễ đi đến việc yêu biển đảo, và lúc đó sự đóng góp của đất liền với biển đảo chắc chắn là hiệu quả lớn hơn.
Với văn nghệ sĩ, chuyến du lịch Trường Sa sẽ mang lại cho họ những cảm xúc mới mẻ, chân thật về quê hương đất nước, có thể giúp cho họ có những tác phẩm đi vào lòng người hơn".
Sơn Tùng - Bình Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags