Xuôi dòng Cửu Long (phần cuối)

Thứ Năm, 13/07/2017 11:40 GMT+7

Google News

 

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Tàu chúng tôi neo tại một bến khuất cách Châu Đốc chỉ khoảng 7 km. Đêm trên sông rất lạ...Không có màn đêm đen kịt, che phủ mọi thứ, không có bóng tối bao trùm tạo cảm giác sợ hãi. Dù không có trăng, ánh sáng vẫn lờ mờ đâu đó phát ra từ những xóm làng đang chìm trong giấc ngủ sâu, mặt nước vẫn lóng lánh in hình những vườn cây, bờ bãi ven sông, tạo nên một không gian quá đỗi yên bình. Từ làng bè trên sông Hậu

Nằm giáp biên giới Campuchia, Châu Đốc vốn nổi tiếng nhất với loại hình du lịch tâm linh với hàng trăm ngôi chùa, đền, miếu và tịnh thất. Hàng năm, vào dịp lễ hội vía Bà Chúa Xứ, dòng người hành hương ùn ùn đổ về Châu Đốc.

Bỏ lại Châu Đốc sầm uất trên bờ, chiếc tắc ráng đưa chúng tôi tới làng bè. Dù là buổi sáng sớm, nhưng khung cảnh làng bè khá trầm lắng, trái ngược với những gì tôi từng được biết khi xưa về một làng bè trải dài suốt 4km trên sông Hậu, đoạn gần thành phố Châu Đốc.


Rừng tràm Trà sư

Xưa kia chỉ có chủ yếu là bè cá, thì nay có rất nhiều bè-nhà, ngang 4-5 m, dài khoảng 8m, nơi sinh sống của nhiều gia đình vẫn còn gắn bó với nghề nuôi cá.

Chúng tôi ghé thăm một bè trong làng nổi. Anh chủ nhà nhiệt tình giới thiệu quy trình nuôi cá ba sa, và các công đoạn chế biến thức ăn cho cá. Đóng một bè cá chỉ bằng cây và gỗ, mái lợp tôn, có đáy bọc lưới kẽm sâu khoảng 10m, hết hơn 100 triệu đồng, bán một ký cá chỉ gần 20 ngàn đồng, mà tìm đầu ra càng ngày càng khó. Vậy mới thấy hết những khó khăn của người dân nơi đây, nhiều hộ gia đình đã phải dẹp bè, chuyển qua nghề làm mướn hoặc buôn bán trên những chợ nổi trong vùng.

Những vùng sông nước miền Tây luôn để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi qua những con phà trắng. Những chuyến phà ngược xuôi trên dòng Cửu Long mênh mang đậm màu phù sa có những giề lục bình (“giề”, tiếng địa phương, nghĩa là “đám”: đám bèo, đám cỏ, đám rác) nhấp nhô trên sóng, là hình ảnh không con sông nào trên mảnh đất chữ S này có được. Hình ảnh ấy cùng giọng ca tài tử ngọt ngào trong vắt trên sông, bao người Nam bộ đã mang theo trên những chặng đời xa xứ.


Những em bé làng Chăm Châu Giang

Đến làng Chăm Châu Giang

Từ Châu Đốc, lên một chuyến phà ngang là tới làng Chăm Châu Giang, ngôi làng dệt thổ cẩm bên bờ sông Hậu khi xưa, bên cạnh những tên tuổi nức tiếng một thời như làng dệt lụa Tân Châu hay làng thổ cẩm Châu Phong.

Khác với người Chăm miền Trung theo đạo Hồi Bà-ni hay Bà-la-môn, người Chăm Châu Giang theo Islam với những quy định nghiêm ngặt của Hồi giáo chính thống. Phụ nữ mặc áo cùng váy cuốn hoặc áo dài kiểu Chăm và đều trùm khăn Mat’ra che tóc. Đàn ông già thì mang nón đen, trẻ thì mang nón trắng và đều cuốn xà rông.

Làng Chăm nay đã được mở rộng bằng một con đường nhựa chạy xuyên làng. Tòa thánh đường với những cây thốt nốt in hình trên những khung cửa sổ lớn hình mặt trăng và mặt trời vẫn uy nghi và rộng mở. Nơi đây sẽ nhộn nhịp 5 lần trong ngày vào những giờ cầu nguyện theo phong tục của đạo Hồi. Nhà sàn của người Chăm thường được cất theo hướng Đông, bên dưới là nơi sinh hoạt chung hoặc dệt vải, chứa đồ.

Nghề dệt thổ cẩm tại Châu Giang đang mai một cùng thời gian, như bao làng nghề khác tại Việt Nam. Dưới những bóng cây, vài ba người đàn bà ngồi chuyện phiếm. Vài tiệm nhỏ bán những trái thốt nốt tươi, bánh bò và tung lung mò (lạp xưởng bò truyền thống của người Chăm) bên lề đường.


Làng bè Châu Đốc

Trong hương tràm Trà Sư

Tới Châu Đốc mà không ghé rừng tràm Trà Sư thì quả là một điều đáng tiếc. Vì thế, dẫu cho thời tiết đầu tháng năm nóng như đổ lửa, và không phải mùa nước nổi đẹp nhất của rừng tràm, chúng tôi cũng vẫn quyết định thăm Trà Sư.

Nằm tại Xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách Châu Đốc khoảng 20km và cách biên giới Campuchia khoảng 10km, Trà Sư là một khu rừng ngập nước, thuộc hệ thống rừng đặc dụng tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu, nơi có nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh cư trú.

Từ trạm tiếp đón, du khách lên xuồng máy đi khoảng 5km trên con kênh lớn dẫn vào rừng. Những gốc tràm đan ken dày đặc xen lẫn những đầm sen, trảng cỏ và những giề lục bình dày đặc hiện ra trước mắt. Dù không trong mùa nước nhưng quang cảnh kỳ diệu của thiên nhiên tại khu rừng này cũng khiến mọi du khách phải ngỡ ngàng và thích thú.

Những cây thuỷ liễu mềm mại uốn mình bên gốc tràm xù xì, hoa tràm trắng muốt, chim hót trên cao, sen hồng khoe mình trong  đầm lá, những bông súng trắng dập dờn trên mặt nước, những con giang sen, cò, diệc, cồng cộc, le le các loại  thản nhiên  kiếm ăn  trên trảng cỏ ngập nước... tất cả như trong một bộ phim nào đó của kênh Discovery, khiến những chiếc máy ảnh đưa lên không ngớt. Không gian ngập  tràn hương tràm và hương cỏ.

Không chỉ phong phú về thực vật, rừng Trà Sư - với diện tích gần 850ha - là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điên điển (Anhinga melanogaster). Ngoài nhiều loài thú rừng và bò sát, rừng tràm Trà Sư còn có hơn 20 loài cá khác nhau, trong đó có 2 loài cá đang có nguy cơ tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.

Rời con kênh lớn, chúng tôi đi đò chèo vào sâu trong khu rừng, len lỏi qua những gốc tràm được ôm kín bởi bèo tấm và bèo tai chuột. Một màu xanh biếc lạ kỳ lấp lánh dưới ánh sáng xuyên qua những gốc tràm già. Lâu lâu lại bắt gặp những nhành lá non ánh lên rực rỡ dưới nắng mặt trời. Rau muống nước, rau dừa và vô số những loài cây dại thuỷ sinh trổ những bông hoa trắng, vàng, tí, li ti  trong sóng sánh nước, ngay sát mạn xuồng.

Ngoài tiếng mái chèo, tiếng chim hót, hầu như có một sự tĩnh lặng gần tuyệt đối, tưởng như có thề nghe được tiếng đập của muôn vàn cánh bướm vàng bướm trắng bay lên từ mặt nước-bèo xanh biếc kia.

Thuyền trôi đi trong không gian xanh ấy như trôi trong miền ảo ảnh không thời gian, nhanh tới độ không thể biết được chiều đã buông xuống  từ khi nào. Rừng bỗng càng trở nên mênh mông hơn. Khi nắng đã nhạt màu, cũng là lúc chim rừng về tổ. Từ trên tháp canh 14m giữa rừng, có thể ngắm hàng ngàn cánh cò, rợp cả một vùng trời ráng đỏ của hoàng hôn đang dần tắt trên những ngọn cây.

Bài và ảnh: Họa sĩ Trần Thùy Linh
 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›