(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người bảo phải đến 5 năm rồi mới thấy Lý trở lại TP.HCM. Thật ra, Lý cùng âm nhạc của mình vẫn ở đâu đó quanh đây trong quãng thời gian ấy, lúc sôi nổi thể nghiệm ở Cargo Bar, lúc dịu nhẹ trong một quán nhỏ ở quận 1, lúc kín đáo, trầm lắng trên tầng 2 một quán café nhỏ…
Nhưng với chương trình Ở đây, kia và khắp mọi nơi thì thật sự đêm nhạc này đã mang Lý trở lại Sài thành một cách trọn vẹn nhất. Nhiều năm trước, công chúng yêu nhạc tại đây xem cô là một “hiện tượng”, và với những gì trình diễn trong đêm 28/9 vừa qua, thì hiện tượng ấy không còn nằm trong ngoặc kép.Yêu là không giải thích
“Hòn ngọc Viễn Đông” tưởng lại có thêm một cơn bão nghiêng đêm trước giờ Lý diễn nhưng may mắn mưa ngớt hẳn khi chương trình chuẩn bị bắt đầu.
Mà có bão nghiêng đêm cũng chẳng sao. Vé đã bán hết sạch từ trước đó rất lâu. Vẫn còn rất nhiều người đứng chờ dưới cơn mưa nhỏ trước Nhà hát TP.HCM để mong tìm được chiếc vé may mắn. Họ đứng ở đó và cũng không quên cập nhật liên tục trên fanpage của Lý để xem liệu có tìm được chỗ trống nào không.
Lê Cát Trọng Lý đã phải tăng thêm suất diễn vào ngày 29/9 để làm hài lòng người hâm mộ nhưng cơn sốt vẫn không giảm. Có người đã xem đủ 2 đêm ở Hà Nội trước đó mà vẫn muốn vào TP.HCM coi thêm.
Lê Cát Trọng Lý trong đêm diễn Ở đây, kia và khắp mọi nơi tại Nhà hát TP.HCM hôm 28/9
Huyền, cô gái trẻ giúp Lý phần phụ trách vé, kể rằng cô là một trong số ít những người được Lý chọn để bay từ Hà Nội vào lần này. “Đó là may mắn của em, nhiều bạn khác rất muốn mà không được”. Huyền là fan của Lý và cô không giải thích được vì sao lại yêu âm nhạc của Lý nhiều đến vậy. “Mà chốt lại, yêu là không cần giải thích anh ạ” - Huyền nói.
Cũng nhiều người nói như thế khi được hỏi tại sao họ lại yêu Lý nhiều đến thế. Và tất cả những ai có mặt trong đêm nhạc 28/9 đều vẫn vỗ tay rần rần cho những lời chào hỏi và dẫn chuyện tưởng chừng đã quá quen thuộc đến mức thành thương hiệu riêng Lê Cát Trọng Lý, kiểu như “Anh chị có mệt không?”, “Thôi Lý hát nha”… Chẳng ai quan tâm đến những chuyện cũ mới, công chúng trong đêm nhạc 28/9, thả lỏng tâm hồn mình với âm nhạc của Lý ngay cạnh bên.
Thu lu độc thoại
5 năm trước hay nhiều hơn thế, nhiều người đã từng lý giải “hiện tượng” Lê Cát Trọng Lý như một phiên bản thu nhỏ của Trịnh Công Sơn, và rằng cô hơi “gồng” trong âm nhạc lẫn cách dẫn chuyện của mình. Họ không tin cô gái nhỏ nhắn với những sáng tác có phần bàng bạc triết lý, hơi thấm Phật giáo, giọng hát thì mỏng, ban nhạc thì đơn sơ ấy… có thể đi xa hơn.
Lý vẫn chọn cho mình sự im lặng. Sự im lặng ấy không phải để giải thích mà là để nạp thêm năng lượng sống, năng lượng kết tinh. 5 năm qua, trên chặng hành trình của mình, Lê Cát Trọng Lý vẫn tiếp tục “thu lu” độc thoại trên con đường riêng. Và giờ đây, khi mở cửa đón khách, Lý đã cho thấy con đường âm nhạc của cô, vùng đất mà cô khai khẩn bấy lâu nay, thật sự là một nơi rất đáng thưởng thức.
Bước chân vào vùng đất ấy, những người tham dự sẽ phải yên lặng nội tâm để lắng nghe âm thanh của thiên nhiên (Cao hơn vì sao), của một giọng hát hướng thượng (Vì sao ơi), của một cô gái đứng hát giữa cánh đồng (Em đứng trên cánh đồng), của một hồ nước trong veo mà buồn bã, ẩn chứa những câu chuyện nhân sinh như thể không ai trông thấy nhau (Hồ nước) hay tiếng nỉ non của một con quỷ xin tên để thành người (Con quỷ ăn tên)…
Những bài hát trong đêm diễn gợi lên nhiều không khí khác nhau, lúc bắt gặp một không khí sôi nổi, hấp dẫn của nhạc kịch Broadway (Hồ nước), lúc lại hơi chuyếnh choáng trong men say ngà ngà của Jazz (Ngây ngây), lúc đầy tự sự cùng cây đàn ukulele đẫm mình trong folk (Vì sao, vì sao, vì sao)… Những ca khúc được chia thành 3 chủ đề: Thiếu nhi, Dân gian, Lãng mạn và tất cả được trình diễn trong không khí cô đọng của dàn nhạc với những chuyển soạn và phối khí cho đàn dây, sáo, kèn, piano và bộ gõ.
Cổ điển từng là sở trường của Lý và cô cũng nói rằng: “Vì khả năng có giới hạn, thế giới thì rộng lớn và người tài thì khó ngồi lại cùng nhau, mãi đến nay tôi mới bước đầu có cơ hội để được làm và xây dựng một thứ mình mơ mộng lúc bé, dù vẫn còn khá thô sơ”.
Sự kết hợp lần này đã làm cho người nghe nhận ra một phía khác của Lê Cát Trọng Lý khi âm nhạc của cô kết hợp với thính phòng đã giúp cho những giai điệu có thêm cánh bay. Nếu như trước đây, Lý thường chọn cách chơi mộc để đưa âm nhạc của cô đến trực tiếp nơi người nghe thì giờ đây, chất cổ điển trong phần phối đã giúp công chúng bay cao hơn.
Khi hỏi rằng liệu sẽ đi lâu dài trên con đường mới hay chỉ là thoáng chốc, Lý nói rằng cô vẫn sẽ đi khi nào mà cuộc vui vẫn còn tiếp tục. Với Lê Cát Trọng Lý, âm nhạc phải mang đến niềm vui.
Trên hành trình của mình, Lý lúc nào cũng mang đầy ắp niềm vui, cho bạn bè, công chúng, những đứa trẻ vùng cao… Cô không xuất hiện một chỗ quá lâu mà luôn xê dịch âm nhạc của mình trải dài nhiều nơi. Và đó là lý do vì sao, Lý chọn cho đêm diễn một cái tên chủ đề không thể hay hơn: Ở đây, kia và khắp mọi nơi.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags