Đưa Dân ca Ví, Giặm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo

Thứ Bảy, 23/11/2024 10:28 GMT+7

Google News

Đưa Dân ca Ví, Giặm vào hoạt động du lịch, tiến tới trở thành một sản phẩm mang đặc trưng riêng nhằm lan tỏa giá trị di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một trong những chủ trương tỉnh Nghệ An triển khai nhiều năm qua. 

Sau 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay, Dân ca Ví, Giặm đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành món ăn tinh thần, một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân.

Lan tỏa Dân ca Ví, Giặm

Từ năm 2022 đến nay, vào mỗi dịp cuối tuần, tại không gian Phố đi bộ thành phố Vinh (Nghệ An), người dân và du khách lại được thưởng thức những làn điệu Dân ca Ví, Giặm mộc mạc, sâu lắng. Đây là một trong những hoạt động do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An phối hợp với các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm các địa phương triển khai, thực hiện. Từ những giọng hát ngọt ngào, tha thiết của các nghệ nhân, diễn viên, kết hợp không gian diễn xướng đậm chất làng quê xứ Nghệ như: cây đa, bến nước, sân đình, khung cửi, xe tơ… đã để lại cho du khách sự thích thú và ấn tượng sâu sắc.

Chị Hà Thúy Phương, du khách từ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Trong hành trình về thăm quê Bác, tôi và các thành viên trong đoàn rất may mắn được nghe, xem Dân ca Ví, Giặm. Là loại hình diễn xướng dân gian có nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét bản sắc văn hóa của địa phương, Dân ca Ví, Giặm có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi có lối hát vừa có tính ngẫu hứng linh hoạt, uyển chuyển, vừa thể hiện rất rõ những đặc tính của địa phương".

Đưa Dân ca Ví, Giặm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo - Ảnh 1.

Các tiết mục ví, giặm đặc sắc được biểu diễn tại đêm khai mạc Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2023. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Hát trên sông để phục vụ du khách về với Lễ hội Đền Quả Sơn, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ dân ca xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương cảm thấy đầy hứng khởi. Giữa mênh mang sông nước, khí hậu trong lành, các nghệ nhân cảm nhận được sự yên bình, giản dị của khung cảnh quê hương, các hoạt cảnh lao động đời thường đang diễn ra, cũng từ đó tạo nên xúc cảm trong từng lời ca, điệu ví được thăng hoa.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương cho biết, Câu lạc bộ đã đi biểu diễn nhiều chương trình văn hóa du lịch, tham gia nhiều hội diễn trong và ngoài tỉnh. Qua những tiết mục được dàn dựng khá công phu như: hát phường vải, câu ví, giặm nên duyên, giận thương… những nghệ sỹ không chuyên đã đem đến nhiều ấn tượng đặc biệt cho du khách khi đến huyện Đô Lương. Hơn thế, hoạt động của Câu lạc bộ đã góp phần quảng bá, giới thiệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến với đông đảo người dân.

Sau khi Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, tỉnh Nghệ An quyết tâm, nỗ lực trong việc giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các giá trị di sản trong cộng đồng. Nhiều năm qua, vào mỗi dịp đầu Xuân năm mới, lồng ghép trong các chương trình “Chào năm mới” hay các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh, chương trình “Về miền di sản” với các làn điệu Dân ca Ví, Giặm ngọt ngào được giới thiệu và quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về một Nghệ An vừa truyền thống, vừa hiện đại.

Tại các dịp lễ hội truyền thống như ở Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương…, chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí hát Dân ca Ví, Giặm trên thuyền trở thành một tiết mục không thể thiếu, tạo ra món ăn tinh thần đặc sắc cho nhân dân và du khách. Những làn điệu Dân ca Ví, Giặm giới thiệu về quê hương, đất nước, con người xứ Nghệ ngọt ngào, tha thiết càng níu chân du khách, để họ hiểu hơn về cái hay, cái đẹp của Dân ca xứ Nghệ.

Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã thành lập những câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm để kết nối niềm đam mê, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đặc biệt này.

Quảng bá di sản

Trong 10 năm qua (2014 - 2024), Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đến nay, Dân ca Ví, Giặm đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành món ăn tinh thần, một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân Việt Nam.

Từ năm 2023, Bảo tàng Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức hơn 20 buổi biểu diễn Dân ca Ví, Giặm miễn phí kết hợp với các hoạt động trải nghiệm thu hút hàng nghìn du khách.

Đưa Dân ca Ví, Giặm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo - Ảnh 2.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn tại lễ Bế mạc Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Nghệ nhân Ưu tú Lê Đức Lam – Trưởng Đoàn Dân ca Ví, Giặm – Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết, thời gian tới, cùng với biểu diễn tại Phố đi bộ thành phố Vinh, Trung tâm sẽ làm tour biểu diễn về đêm tại Bảo tàng Nghệ An nhằm quảng bá rộng rãi, lan tỏa Dân ca Ví, Giặm tới du khách trong và ngoài nước. Để Dân ca Ví, Giặm vào cuộc sống một cách sinh động, gần gũi hơn với người dân và du khách, Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh lựa chọn những địa điểm biểu diễn phù hợp với không gian diễn xướng của dân ca. Các chương trình, tiết mục chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, kết hợp giữa phong cách biểu diễn truyền thống và đương đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách.

Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị Dân ca Ví, Giặm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã và đang tổ chức các hoạt động diễn xướng loại hình dân ca này nhằm đưa vào môi trường diễn xướng sống động của đời sống. Ngoài việc giao lưu, đưa Ví, Giặm trở về “không gian sinh tồn” của nó, điều này còn có ý nghĩa bổ sung vào kho tàng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh những lời ca mới. Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn để thành lập các câu lạc bộ dân ca ở các khách sạn, nhà hàng; tổ chức các lớp cho nghệ nhân truyền dạy Dân ca Ví, Giặm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, đưa Dân ca Ví, Giặm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo sẽ góp phần thu hút du khách, gìn giữ và phát huy được thế mạnh của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sở cũng tăng cường đưa loại hình dân ca này vào các chương trình xúc tiến đầu tư; đầu tư nhiều chương trình biểu diễn hấp dẫn để thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các chương trình du lịch, các tour du lịch của tỉnh.

Trên thực tế, đưa Dân ca Ví, Giặm vào các hoạt động văn hóa, du lịch di sản đã được tỉnh Nghệ An đưa vào Quy hoạch hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh đến năm 2030. Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục quảng bá di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo. Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong trường học; phát huy vai trò của các nghệ nhân tham gia truyền dạy tại cộng đồng.

Bích Huệ/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›