Nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024 và chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), ngày 19/1 vừa qua, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Tranh dân gian Việt Nam”, qua đó phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, tạo không gian thưởng lãm và trải nghiệm nghệ thuật, đưa dòng tranh dân gian đến gần hơn với nhân dân Đắk Lắk và du khách gần xa.
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, trong tất cả các loại tranh Tết của Việt Nam, đa dạng và độc đáo nhất là tranh dân gian. Đây là loại tranh trường tồn cùng lịch sử, không trau chuốt cầu kỳ như các loại tranh khác nhưng mang đậm tinh thần dân tộc.
Tranh dân gian Việt Nam khai thác nhiều đề tài đa dạng bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi, chứa đựng những thông điệp đầy tính nhân văn. Tuy được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng tranh dân gian Việt Nam luôn hướng tới đời sống tinh thần, đề cao cái đẹp, đạo lý làm người, mang giá trị nhân văn, giáo dục con người những phẩm chất tốt trong cuộc sống.
Trưng bày “Tranh dân gian Việt Nam” với sắc màu rực rỡ, tươi mới và những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống của mỗi bộ tranh sẽ là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật và khách tham quan khi đến với Bảo tàng Đắk Lắk nhân dịp Xuân mới. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn kho tàng quý giá của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, “Tranh dân gian Việt Nam” là một bộ sưu tập rất có giá trị của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tranh dân gian có lịch sử rất lâu đời, là di sản văn hóa quý báu của dân tộc, được hình thành qua nhiều thế hệ, không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần, tâm linh và cảm thụ mỹ thuật của nhân dân lao động mà còn chứa đựng những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách trong cuộc sống đời thường.
Triển lãm Tranh dân gian Việt Nam tại Đắk Lắk lần này giới thiệu 69 tranh dân gian, mang đến cho người xem cảm nhận về các dòng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội) và một số tranh thờ Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An), tranh thờ của đồng bào miền núi phía Bắc...
Nội dung tranh dân gian rất phong phú, phản ánh cảnh sinh hoạt, cuộc sống lao động của nhà nông; chúc tụng mỗi khi Tết đến Xuân về... thể hiện ước mơ ngàn đời của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các nội dung thân thuộc này đã tạo cho tranh dân gian có chỗ đứng lâu dài trong lịch sử truyền thống của dân tộc và trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam.
Chị Vũ Thị Loan, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, chị chưa được tận mắt thưởng thức tranh dân gian mà thường xem qua sách, báo… Lần này, đến với tỉnh Đắk Lắk, chị được tham quan triển lãm tranh dân gian là trải nghiệm hết sức mới mẻ. Tranh dân gian khá đa dạng, với nhiều sắc màu rực rỡ tạo không khí tươi mới khi Tết đến, Xuân về.
Trưng bày Tranh dân gian Việt Nam diễn ra từ 19/1 đến 25/2/2024.
Tags