Đưa múa hài đến với khán giả: Tiếng cười thâm thúy từ ngôn ngữ hình thể

Thứ Hai, 30/04/2018 07:29 GMT+7

Google News

 (Thethaovanhoa.vn) – Trải qua 2 ngày thi, tối 29/4, Cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ nhất đã chính thức bế mạc tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng. 

Một cuộc thi múa mang tính chất hài hước do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức đã khép lại với nhiều dư vị, đây cũng là lúc khởi đầu cho một loại hình nghệ thuật mới sẽ được quảng bá đến công chúng trong thời gian tới.

Sân chơi của các nhà biên kịch ba miền

Trải qua vòng sơ loại với gần 60 tác phẩm, Ban tổ chức Cuộc thi múa hài Việt Nam lần thứ nhất đã tuyển chọn ra 39 tác phẩm của 40 biên đạo để tham dự Cuộc thi múa hài Việt Nam lần thứ nhất.

Với chủ đề “Thông điệp cuộc sống”, các tác phẩm dự thi có nội dung xoay quanh những vấn đề của cuộc sống thường ngày. Một số tác phẩm như: Khởi nghiệp, Tễu đời, Báu vật của Cha, Tình người đất Mũi, Ông ăn chả - Bà ăn nem, Thầy bói xem voi, Tiến sĩ giấy, Cám dỗ… đã mang đến những tiếng cười hài hước, châm biếm với những thông điệp gần gũi trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Tễu đời" đoạt giải A của biên kịch Nông Thị Minh Hằng và NSƯT Nguyễn Văn Dũng

Lần đầu tổ chức, cuộc thi đã thu hút đông đảo đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập trên khắp cả nước tham gia, như Đoàn Văn công Quân khu 5, Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân, đoàn nghệ thuật các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Bình Định, Kon Tum, Đăk Nông, Đồng Nai, Cà Mau, cùng một số nhà hát, trường đại học, công ty nghệ thuật.

Chị Nông Thị Minh Hằng, Biên kịch tác phẩm Tễu đời đến từ Đoàn Văn công Quân khu 5 chia sẻ: “Nghệ thuật múa hài thực sự rất khó, bằng ngôn ngữ hình thể làm sao cho khán giả bật ra tiếng cười, có thể là tiếng cười thâm thúy, sâu xa chứ không hẳn cười trong khán phòng mà sau đó tiếng cười còn có tác dụng với cuôc sống và xã hội như thế nào nữa. Đó cũng là khía cạnh chúng tôi đã được tiếp cận và học hỏi các đồng nghiệp trong cuộc thi lần này. Chúng tôi cũng mong muốn sau này sẽ có những tác phẩm tốt hơn nữa, khai thác được nhiều khía cạnh của đời sống hơn nữa để phục vụ công chúng”.

Loại hình nghệ thuật mới cho công chúng

NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, trưởng Ban giám khảo cho biết: Cuộc thi được tổ chức nhằm phát huy năng lực sáng tác nghệ thuật múa đối với các thế hệ biên đạo. Tạo điều kiện cho các tác giả có cơ hội đóng góp tâm huyết, công bố những tác phẩm có chất lượng tốt nhất, góp phần đổi mới hình ảnh nghệ thuật múa chuyên nghiệp, đóng góp thiết thực, hiệu quả đối với sân khấu biểu diễn múa chuyên nghiệp hiện nay.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Thầy bói xem voi''' do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng thực hiện

Nghệ thuật múa hài là một loại hình tương đối mới mẻ và đặc biệt khó khăn khi nghệ sĩ phải sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tác phẩm, gây tiếng cười cho công chúng. Nếu các loại hình mang yếu tố hài khác gây nên tiếng cười ngay lập tức, thì Múa Hài bằng ngôn ngữ hình thể lại mang đến cho người xem những suy ngẫm, những tiếng cười thâm thúy sâu xa thậm chí là những trăn trở về cuộc sống.

Cuộc thi múa 'hài hước' lần đầu tiên ở Việt Nam

Cuộc thi múa 'hài hước' lần đầu tiên ở Việt Nam

Sáng 25/4, tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng tổ chức buổi họp báo công bố Cuộc thi Sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề Thông điệp cuộc sống.

Các tác phẩm dự thi có thời lượng tối thiểu 5 phút, tối đa 8 phút và số lượng diễn viên trong 1 tác phẩm không quá 5 người. Đặc biệt, ngôn ngữ thể hiện tác phẩm không giới hạn, có thể sử dụng từ các dòng múa: dân gian, cổ điển, hiện đại, hip-hop, dance sport... trên tinh thần thể hiện được nội dung, tính cách của nhân vật.

 

Chú thích ảnh
Các tác giả của tác phẩm đoạt giải 3 tại cuộc thi.

Theo Ban tổ chức, tiêu chí đánh giá các tác phẩm được dựa trên nội dung, cấu trúc và ngôn ngữ. Các tác phẩm múa hài phải có nội dung gần gũi với đời sống, có cấu trúc hài hòa, hợp lý và ngôn ngữ múa nhiều sáng tạo, biểu hiện ý tưởng một cách sinh động và khôi hài, nhằm phê phán cái xấu đồng thời tập trung tôn vinh cái đẹp, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Trong đêm bế mạc, Ban tổ chức đã trao 3 giải A cho 3 tác phẩm: Tễu đời, Báu vật của cha và Chuyện công viên với mỗi giải trị giá 12 triệu đồng. Trao 6 giải B cho 6 tác phẩm, gồm: Cháo hành, Khởi nghiệp, Xuân thì, Sống ảo, Hãy cho tôi rác và ‘Lọt girl Ca’ mỗi giải trị giá 9 triệu đồng; cùng 5 giải C mỗi giải trị giá 7 triệu đồng.

Hoàng Yến

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›