(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/5, tại Thanh Hóa, Chi hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam) đã tổ chức đại hội cơ sở tổng kết công tác Hội nhiệm kỳ VI (2015-2020) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VII (2020-2025). Đây là hoạt động hướng tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam.
Tới dự có Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, NSND Kim Quy, lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa cùng đông đảo nghệ sỹ và công chúng yêu nghệ thuật xứ Thanh.
Trải qua 25 năm hoạt động và phát triển, nhiệm vụ trọng tâm của Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa là hướng tới việc đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tiếp tục xây dựng và phát triển nghệ thuật múa thực sự giữ vai trò chủ đạo trong nhiều chương trình nghệ thuật của tỉnh, đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Trong nhiệm kỳ qua, với trách nhiệm của người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, cùng với lòng đam mê không ngừng tìm tòi sáng tạo, các thế hệ nghệ sĩ múa đã góp nhiều tâm huyết cho “ngôi nhà chung” nghệ thuật biểu diễn xứ Thanh, qua 4 chuyên ngành cơ bản: Lý luận và phê bình, sáng tác, biểu diễn và đào tạo.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các hội viên nghệ sỹ Chi hội Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác nhiều tác phẩm, công trình mới có giá trị và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ so với Nghị quyết của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VI (2015 - 2020) đã đề ra.
Nhiều tác phẩm của hội viên chi hội đã biểu diễn phục vụ đồng bào khu vực biên giới, hải đảo xa xôi, vượt ra ngoài biên giới đến với công chúng nước ngoài. Những tác phẩm vũ kịch, nhạc kịch trở thành “kinh điển” như: “Cánh buồm đỏ”, “Lửa hang Treo”, “Chuyện tình xứ Horasan”, “Chuyện tình nàng Sami”, “Chuyện tình nàng Nga Hai Mối”, “Người anh hùng trên ghế phạm nhân”, “Người trong bóng tối”... được khán giả đón nhận và đánh giá cao.
Trong 5 năm trở lại đây, nghệ thuật múa ở Thanh Hóa phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Múa trong lễ hội sân đình làng, xã; múa trong hội thi nông thôn mới “Nhà nông đua tài”; múa trong đêm giao lưu công đoàn giỏi; festival sinh viên trường học; phục vụ du khách với sắc màu carnaval dọc phố biển Sầm Sơn... Có được sự phát triển của nghệ thuật múa phải kể đến đóng góp của hội viên Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh hoạt động biểu diễn, Chi hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm múa dân gian của các dân tộc Thanh Hóa, giúp nghệ thuật múa có bước phát triển mới.
Các tác phẩm trong giai đoạn này được phát triển lên cao phục vụ đời sống xã hội, đặc biệt những tác phẩm giá trị lớn, có nội dung tuyên truyền về tệ nạn xã hội, như: Vũ kịch “Vĩnh biệt hoa anh túc” - đề tài phòng chống ma túy, sáng tác của Hoàng Hải, tham gia Hội diễn ca múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997 đạt HCV; Tác phẩm “Âm vang sông Mã” phát triển từ dân ca hò sông Mã tham gia Hội diễn toàn quốc năm 1999 đạt HCV...
Đặc biệt là chương trình “Hương sắc quê Thanh” do Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải tổng đạo diễn với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã được biểu diễn ra mắt công chúng tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Đây là chương trình hội tụ tinh hoa nghệ thuật dân ca, dân vũ Thanh Hóa với 12 tiết mục ca - múa - nhạc - độc tấu đặc sắc như: Hòa tấu hợp xướng "Hội làng", múa "Khua luống đêm trăng", múa "Mùa yêu", "Âm vang sông Mã", múa "Tìm bạn", Khèn bè, Khặp Thái...
Đây cũng là chương trình nghệ thuật đánh dấu sự trưởng thành của lớp diễn viên đương đại với những chương trình nghệ thuật đầu tiên sau khi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 3 đoàn nghệ thuật: Đoàn Chèo Thanh Hóa, Đoàn Tuồng Thanh Hóa, Đoàn Cải lương Thanh Hóa và bổ sung thêm đoàn Dân ca dân vũ vào năm 2018.
Qua diễn xuất của các nghệ sĩ, các tiết mục trong chương trình “Hương sắc quê Thanh” đã làm nổi bật lên tình yêu chung thủy, cảnh sắc quê hương, việc gìn giữ phong tục, bản sắc văn hóa... ở miền quê Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, ẩn chứa những nét đẹp nghệ thuật vô giá, được ví như những "viên ngọc quý", được tái hiện qua các tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo tài hoa.
- Thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật Múa
- Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư, Bắc Ninh: Nghìn năm Kinh Bắc
- Cơ hội thưởng thức nghệ thuật múa lân sư rồng đỉnh cao tại Sun World Danang Wonders chỉ với 50.000 đồng
Ngoài ra, Chi hội còn tổ chức sưu tầm nghiên cứu các điệu múa dân gian, đồng thời truyền dạy múa cho các trường học, Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa... Mỗi lớp học hướng dẫn cho khoảng 30-50 tác phẩm múa phụ họa và múa độc lập. Chi hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cũng phát triển được 3 vũ đoàn gồm: Vũ đoàn Lam Sơn, vũ đoàn Pha Lê và vũ đoàn Rôbi...
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua hoạt động nghệ thuật múa nhiệm kỳ vừa qua chúng tôi cũng nhận thấy cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình phục vụ nhân dân để hội vừa có kinh phí vừa nâng cao trình độ cho các diễn viên.
Hội cũng cần đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng hội viên trẻ để họ có thể có được nhiều sáng tác nghệ thuật. Bên cạnh đó hội cũng cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, hướng dẫn múa tại các trường mầm non. Trong nhiệm kỳ tới, hội cũng đẩy mạnh phát triển hội viên lên 1,5 lần so với nhiệm kỳ 2015-2020; sáng tác nhiều tác phẩm tốt để phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh Thanh Hóa.
Đại hội đã bầu danh sách Ban chấp hành chi hội Nghệ sỹ múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 12 người, đồng thời bầu đoàn đại biểu gồm 10 người dự đại hội Nghệ sỹ múa Việt Nam khóa VII nhiệm kỳ 2020-2025.
Duy Hưng - Hoa Mai/TTXVN
Tags