Một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo bằng nghệ thuật hát nói và âm nhạc, từng thăng trầm theo thời gian, song đến nay, hát xẩm đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Từ một chiếu xẩm đầu tiên được thành lập và biểu diễn ở chợ Đồng Xuân, tại Hà Nội hiện hình thành nhiều chiếu xẩm và các lớp dạy hát xẩm. Xẩm Hà Nội đang dần hồi sinh; để loại hình này tiệm cận gần hơn với công chúng, rất cần có sự quan tâm, đồng hành từ cộng đồng cũng như cơ quan, tổ chức văn hóa.
Hồi sinh sau thời gian vắng bóng
Xẩm chợ được biết tới với cách hát và biểu diễn dân dã mang đặc trưng của thôn quê, nơi biểu diễn là các chợ. Xẩm nhà trò gắn với nơi biểu diễn trong nhà. Còn xẩm tàu điện là nơi biểu diễn trên tàu cùng cách thức biểu diễn nương theo nhịp điệu lắc lư của tàu điện. Với xẩm Hà Nội, thường người ta nghĩ ngay đến xẩm tàu điện, một dòng xẩm mang đặc trưng của Hà Nội vào thế kỷ trước.
Sau nhiều năm vắng bóng, chiếu xẩm đầu tiên ra đời năm 2006 do Trung tâm Phát triển âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam thành lập, mang tên Chiếu xẩm Hà Thành, biểu diễn vào mỗi tối cuối tuần ở chợ Đồng Xuân. Chiếu xẩm này biểu diễn miễn phí, phục vụ người dân và du khách tham quan, trải nghiệm chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân và Phố cổ Hà Nội.
Trong thời gian dài, Chiếu xẩm Hà Thành trở thành cái nôi nuôi dưỡng tình yêu hát xẩm cho công chúng. Nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành từ chiếu xẩm này và có nhiều hoạt động góp phần hồi sinh, phát triển nghệ thuật hát xẩm. Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam là đơn vị tổ chức Giỗ tổ nghề hát xẩm (ngày 22/2 âm lịch), qua đó vừa kết nối những người yêu hát xẩm, vừa lan tỏa giá trị của hát xẩm đến cộng đồng.
Từ hiệu ứng của chiếu xẩm đầu tiên ở chợ Đồng Xuân, nhiều địa chỉ trình diễn hát xẩm khác ra đời trên địa bàn thành phố cùng hoạt động của các nhóm câu lạc bộ. Có thể kể đến như Nhóm xẩm Hà thành với hai gương mặt nổi tiếng là Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa; nhóm Câu lạc bộ xẩm Tâm Việt - nơi tập hợp các nghệ sĩ, nghệ nhân khiếm thị; các trung tâm, câu lạc bộ, nhóm tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức đa dạng. Đến nay, tại Hà Nội đã hình thành hàng chục câu lạc bộ, nhóm xẩm. Từ sức sống của xẩm Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước hình thành các câu lạc bộ, nhóm hát xẩm.
Vào dịp tối cuối tuần, người dân Hà Nội và công chúng có thể thưởng thức xẩm miễn phí ở nhiều địa điểm khác nhau tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội. Trong đó, Nhóm xẩm Hà Thành với địa điểm biểu diễn ở khu vực Tượng đài Vua Lê Thái Tổ thuộc không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã hồi sinh những làn điệu xẩm cổ, thổi hơi thở hiện đại vào sáng tác mới để đưa nghệ thuật dân gian này tới gần hơn với công chúng. Nhiều bài xẩm vốn từng rất phổ biến nhưng thất truyền được nhóm dày công phục dựng lại như: Xẩm Anh Khóa, Xẩm Cái trống cơm, Quyết chí tu thân, Mục hạ vô nhân… Ngày nay, nghệ thuật xẩm được công chúng biết đến nhiều hơn và trở nên quen thuộc với nhiều người.
Những tín hiệu vui
Từ chỗ hồi sinh, phát triển, nghệ thuật hát xẩm dần tiệm cận gần hơn với người dân và du khách. Cùng với các buổi biểu diễn miễn phí phục vụ công chúng, nhiều chương trình biểu diễn xẩm bắt đầu thu phí người xem và được khán giả ủng hộ.
Với sự chuyên nghiệp, tinh tế khi đưa xẩm tiếp cận với công chúng, Trung tâm Xúc tiến quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam tìm lối đi riêng, tổ chức thành công các chương trình biểu diễn xẩm bán vé phục vụ công chúng. Địa chỉ số 9, phố Chân Cầm (quận Hoàn Kiếm) trở thành nơi tổ chức chương trình hát xẩm thường xuyên và có thu phí của Trung tâm. Để bảo đảm chất lượng biểu diễn, nhất là sự truyền tải âm nhạc bằng hát mộc, Trung tâm chỉ tiếp nhận tối đa khoảng hơn 20 khách. Nhiều tháng liên tục kể từ khi ra mắt, hầu như chương trình xẩm nào cũng kín chỗ và thường bán hết vé từ khá sớm. Dù thời gian diễn vào sáng Chủ nhật nhưng thông thường giữa tuần Trung tâm đã thông báo hết chỗ.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam Nguyễn Lệ Quyên cho biết: Trong các loại hình di sản, hát xẩm là loại hình dễ tiếp cận với công chúng. Tuy nhiên, những câu chuyện, bài hát xẩm mới là nguyên liệu, còn làm thế nào để từ nguyên liệu đó chuyển thành sản phẩm văn hóa, nhất là để người mua cảm thấy xứng đáng với món tiền của mình bỏ ra là điều rất khó. Do đó, Trung tâm phải tìm tòi, phối hợp các bên xây dựng sản phẩm có chất lượng.
Nhóm xẩm Hà Thành luôn năng động đưa xẩm đến với công chúng bằng nhiều hình thức. Ngoài chiếu xẩm biểu diễn ở không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, nhóm thường xuyên thực hiện buổi giao lưu, chia sẻ, biểu diễn xẩm tại nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Nhóm cũng liên tục ra video ca nhạc về xẩm vào các dịp lễ, Tết, sự kiện trọng đại của đất nước, thực hiện dự án, chương trình biểu diễn giới thiệu nghệ thuật hát xẩm, nỗ lực để nghệ thuật này sống trong đời sống đương đại.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, để hát xẩm có thể phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đời sống, thể loại nghệ thuật âm nhạc dân gian này rất cần sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, quỹ văn hóa, nhà tài trợ và đặc biệt là trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng người dân yêu mến hát xẩm. Bên cạnh đó, rất cần khuyến khích và hỗ trợ việc duy trì, phát triển câu lạc bộ, nhóm hát xẩm, trung tâm văn hóa có hát xẩm. Đây chính là sân chơi cởi mở và linh hoạt để các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu thích xẩm có thể sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu, trao truyền, phổ biến xẩm.
Tại Hà Nội, bên cạnh việc tạo điều kiện để các câu lạc bộ, nhóm di sản văn hóa phi vật thể có điều kiện biểu diễn, tháng 12/2022, HĐND thành phố ban hành Nghị quyến số 23/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố. Các Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực này được thành phố hỗ trợ kinh phí để hoạt động. Đây là điều kiện tốt để nghệ thuật xẩm hồi sinh, lan tỏa sâu rộng trong đời sống đương đại.
Tags