Ủy viên Liên bang Đức về Bảo vệ dữ liệu Ulrich Kelber ngày 3/4 cho biết, Đức có thể nối bước Italy và chặn các hoạt động của chatbot ChatGPT tại nước này trước những mối lo ngại về mất an ninh dữ liệu.
Trước đó, ngày 31/3, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy đã tạm thời chặn các hoạt động của chatbot ChatGPT tại nước này và mở cuộc điều tra về nguy cơ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xâm phạm quyền riêng tư.
Trao đổi với báo Handelsblatt, ông Kelber cho biết về nguyên tắc, Đức cũng có thể áp dụng biện pháp tương tự và lệnh phong tỏa này thuộc thẩm quyền của nhà nước. Ông Kelber cho biết Đức đã liên hệ với Italy để thu thập thêm thông tin liên quan quyết định cấm của nước này.
Tương tự, cơ quan giám sát quyền riêng tư ở Pháp và Ireland cho biết đã liên hệ với cơ quan quản lý dữ liệu của Italy để thảo luận những thông tin liên quan. Người phát ngôn của Cơ quan quản lý dữ liệu Ireland (DPC) nêu rõ nước này đang làm việc với các nhà lập pháp Italy để hiểu cơ sở cho động thái áp lệnh cấm và sẽ phối hợp với các cơ quan bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề này.
Tuy DPC là cơ quan quản lý của EU đối với nhiều "gã khổng lồ" công nghệ dưới cơ chế dữ liệu "một cửa" của khối, song lại không quản lý OpenAI do công ty này không có trụ sở tại EU. Trong khi đó, cơ quan quản lý quyền riêng tư ở Thụy Điển cho biết họ không có kế hoạch cấm ChatGPT, cũng không liên hệ với cơ quan giám sát của Italy.
Trước đó, công ty OpenAI (Mỹ) - công ty phát triển ChatGPT - cho biết đang cải thiện hệ thống AI để hạn chế việc sử dụng dữ liệu cá nhân.
Ngày 20/3 vừa qua, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy thông báo ChatGPT đã gặp sự cố, dẫn tới làm rò rỉ dữ liệu liên quan các cuộc trò chuyện và thông tin thanh toán của người dùng. Theo nội dung một email mà OpenAI gửi cho khách hàng, các thông tin bao gồm tên họ, địa chỉ thanh toán, loại thẻ tín dụng, ngày hết hạn thẻ và 4 chữ số cuối của số thẻ đã bị lộ trong vòng 9 giờ. Italy cũng cáo buộc ChatGPT không xác minh độ tuổi của người dùng, nên những người dùng là trẻ vị thành niên có thể sẽ "nhận được những câu trả lời hoàn toàn không phù hợp với mức độ phát triển thể chất và nhận thức" của các em. Ứng dụng này trước đó được cho là dành riêng cho những người từ 13 tuổi trở lên.
ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ", sau khi được ra mắt tháng 11/2022. Ứng dụng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh-sinh viên vượt qua các kỳ thi khó. Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 1/2023, ChatGPT đã có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.
Tags