(Thethaovanhoa.vn) - Bị loại từ vòng bảng World Cup, Mesut Oezil chia tay sau vụ bê bối lớn, xuống hạng ngay trong lần đầu tiên UEFA Nations League được tổ chức, Đức trải qua năm 2018 đen tối nhất lịch sử.
Từ chỗ có thể đánh bại bất kỳ đối thủ lớn nào, tuyển Đức năm 2018 là tập thể mà ai cũng có thể giành chiến thắng.
Năm của thảm họa và bê bối
Trong 12 tháng của năm 2017, Đức bất bại. “Die Mannschaft” trải qua 15 trận đấu, với 11 chiến thắng và hòa 4. Nổi bật nhất là thành công ở Confederations Cup 2017, nơi HLV Joachim Loew trình diễn một loạt cầu thủ trẻ tài năng. Đức chinh phục Confed Cup 2017, trong khi về khía cạnh cá nhân đội trưởng Julian Draxler giành giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất, còn Timor Werner đoạt ngôi Vua phá lưới với 3 pha ghi bàn (2 kiến tạo). Ngoài ra, Leon Goretzka và Lars Stindl cũng có 3 bàn thắng.
Từ những chiến thắng trong năm 2017 (ghi tổng cộng 43 bàn thắng), cùng thế hệ kế cận xuất sắc, Đức được đánh giá có khả năng nhất để giành World Cup 2018. Người Đức cũng tin vào khả năng trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức VĐTG, kể từ sau Brazil các năm 1958 và 1962. Kết quả, Đức phải rời World Cup 2018 ngay sau vòng bảng. Trên đất Nga mùa Hè vừa qua, đội quân của HLV Joachim Loew chỉ giành 3 điểm (thắng Thụy Điển), thua 2 trận trước Mexico và Hàn Quốc.
Joachim Loew đã quá xem thường những dấu hiệu bất thường giai đoạn chuẩn bị của Đức. Trong 2 trận đầu năm 2018, Đức hòa Tây Ban Nha và thua Brazil. Ngay trước World Cup 2018, họ thua Áo và có chiến thắng chật vật 2-1 trước Saudi Arabia. Điểm chung trong giai đoạn thử nghiệm trước thềm World Cup là các cầu thủ Đức thiếu tập trung, tinh thần không ổn định, và chiến thuật có tính đột biến thấp. Tất cả đã lặp lại khi Đức tham dự ngày hội trên đất Nga, và về nước trong hổ thẹn.
Tranh cãi về tương lai Joachim Loew nổ ra. Sau cùng, LĐBĐ Đức đồng ý để Loew tiếp tục, có vẻ vì ngại số tiền đền bù hợp đồng, sau khi hai bên gia hạn ngay trước World Cup, kéo dài đến 2022. Đức rơi vào tình trạng bình mới rượu cũ khi giữ Loew. Những cựu binh hết động lực, hoặc phong độ xuống vẫn giành chỗ chính thức. Loew làm mới không dứt khoát, khiến “Die Mannschaft” thiếu tính cạnh tranh. Hậu quả, Đức xuống hạng Nations League mùa đầu tiên, khi trải qua 4 trận đấu bảng 1, League A mà không giành chiến thắng nào (hòa 2, thua 2).
Xen giữa hai giải đấu thất bại là cuộc chia tay của Mesut Oezil. Sau 92 trận đấu, ghi 23 bàn thắng và đóng góp lớn vào danh hiệu VĐTG 2014, Oezil ra đi khi các quan chức LĐBĐ Đức xúc phạm đến nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của anh. Đây là hành động mang tính phân biệt chủng tộc của những người phải chịu trách nhiệm cho thất bại của Đức trên sân cỏ.
Tương lai nào cho Đức?
Cuộc chia tay của Oezil là một scandal lớn với bóng đá Đức. Nhiều người Đức, các huyền thoại của bóng đá nước này và cả đồng đội cũ chỉ trích Oezil. Nhưng dù Oezil đúng hay sai, thì có một thực tế không thể phủ nhận là bóng đá Đức đang khủng hoảng. Ở đây là khủng hoảng từ lãnh đạo đến tập thể đội bóng. Có quá nhiều cái tôi, trong khi giá trị tập thể - vốn là điểm mạnh của bóng đá Đức, không được thể hiện.
Sau những gì diễn ra - với 5 trận liên tiếp ở các giải đấu chính thức không biết chiến thắng, tệ nhất kể từ giai đoạn 1978-1979, tương lai của tuyển Đức đang bị hoài nghi. Kịch bản nào cho Đức ở vòng loại EURO 2020? Rất khó cho cuộc trỗi dậy, khi mà nhiều cầu thủ dù hết động lực thi đấu nhưng cố muốn nâng cao số trận khoác áo ĐTQG. Điều này tương tự như Tây Ban Nha. Sau thất bại ở World Cup 2014, không một cuộc cách mạng nào được thực hiện, và TBN tiếp tục gây thất vọng tại EURO 2016.
Đức cần những người dũng cảm rút lui như cuộc chia tay của Philipp Lahm, người đội trưởng đã chia tay sau vinh quang 2014. Đức cũng cần một Loew phải đủ quyết đoán làm mới đội hình, để không còn là đội bóng mà ai cũng có thể thắng, như hình ảnh vừa diễn ra trong năm 2018.
Ngọc Huy
Tags