(Thethaovanhoa.vn) - Thắng Hà Lan ngay tại Johan Cruyff Arena không có nghĩa sẽ xóa sạch kí ức thất bại của đội tuyển Đức ở World Cup 2018, việc xuống hạng tại Nations League…
Thách thức
Cứ như thể thất bại tại World Cup 2018 là cú đấm rất mạnh, người Đức đã bị knock-out không chỉ trên đất Nga mà thực tế là cho tới nay, họ vẫn chưa hoàn hồn hoàn toàn.
Trước trận đấu giao hữu cuối tuần qua với Serbia, các CĐV Đức đã giơ ra dòng chữ “Danke” cùng với những con số ở phía dưới: 5, 13 và 17. Đó là cách họ nói lời cảm ơn tới Mats Hummels, Thomas Mueller và Jerome Boateng, những nhà vô địch thế giới vừa được Joachim Loew thông báo loại khỏi đội tuyển từ đầu tháng 3 và sẽ không được triệu tập một lần nào nữa trong tương lai gần.
Động thái đó giống như kiểu Loew muốn đoạt tuyệt với quá khứ, vì thất bại của Mannschaft tại World Cup 2018 và việc rớt hạng khỏi Nations League, để xây dựng lại đội tuyển từ đầu. Và tất cả sẽ được bắt đầu với trận gặp Hà Lan tại Amsterdam ở vòng loại Euro 2020, thay vì là trận hòa Serbia 1-1.
Để thấy rõ hơn, danh sách 23 cầu thủ mà Loew triệu tập cho 2 trận đấu này có 8 cầu thủ sinh năm 1996 hoặc muộn hơn. Đội hình xuất phát gặp Serbia có độ tuổi trung bình là 24,66, nghĩa là trẻ hơn 3 năm so với đội hình đã để thua Mexico 0-1 ở trận mở màn World Cup 2018.
Bóng đá Đức không thiếu tài năng và như thế, việc Loew đang thực hiện có vẻ như là rất đúng trong quá trình trẻ hóa lực lượng. Trước Serbia, ông sử dụng 4 cầu thủ tấn công gồm Julian Brandt (22 tuổi), Kai Havertz (19), Leroy Sane (23) và Timo Werner (23). Chính xác thì Ilkay Guendogan là cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội hình, với 28 tuổi.
Dĩ nhiên, đây là trận đấu mà Marco Reus chỉ đá dự bị, trong khi Toni Kroos và Antonio Rudiger không ra sân để giữ sức cho trận gặp Hà Lan.
Nói như Loew thì một đêm không thể đưa đội tuyển Đức trở lại ngay vị trí số 1 thế giới, sau khi họ đã sa sút ở Euro 2016, World Cup 2018 và Nations League trong vòng 18 tháng. Điều lạc quan cho Loew là mặc dù rơi xuống vị trí thứ 16 trên bảng xếp hạng FIFA, họ nằm ở vòng bảng với Hà Lan (14), Bắc Ireland (36), Estonia (96) và Belarus (78) ở vòng loại Euro 2020. Nghĩa là về lí thuyết, với 2 vị trí dẫn đầu giành vé dự Euro 2020, việc họ có thua Hà Lan cũng không phải là quá tệ.
Có điều, khi Mannschaft đã rơi xuống tận đáy, 90 phút tại Amsterdam như một phong vũ biểu để cho thấy Loew đã, đang và sẽ làm gì để vực dậy đội tuyển. Và không quên rằng họ từng thua Hà Lan 3-0 ở Amsterdam trong khuôn khổ Nations League và chỉ hòa 2-2 trên sân nhà Gelsenkirchen.
Hi vọng
Thế mới nói, nếu Đức nhận một thất bại nữa về tay Hà Lan đêm Chủ nhật vừa rồi, nguy cơ Loew phải chấm dứt triều đại 13 năm của ông là hoàn toàn có thể. Chẳng gì thì có người vẫn nói, cầu thủ đã mang lại danh hiệu World Cup 2014 cho đội tuyển Đức, chứ không phải Loew. Họ là Thomas Mueller, là Toni Kroos, là Mario Goetze và là Philipp Lahm. Nghĩa là không cần Loew, việc Đức thay máu lực lượng sớm muộn tất phải diễn ra.
Bằng chứng là không một cầu thủ ghi bàn ở Amsterdam có tên trong danh sách dự World Cup 2018. Người ghi bàn quyết định Nico Schulz là một cái tên xa lạ, Serge Gnabry chỉ ngấp nghé danh sách, còn Leroy Sane bị loại một cách khó hiểu. Riêng trường hợp của Sane khi đó, Loew có quá nhiều lựa chọn để có thể nói rằng “chúng tôi mạnh đến mức không cần anh ấy”. Đủ thấy bóng đá Đức nhiều tài năng và cũng kiêu căng, ngạo mạn như thế nào sau khi họ vô địch Confederations Cup 2017 chỉ với đội hình B.
Thời gian trôi nhanh, những người mà Loew cho rằng không đủ tầm đứng trong danh sách dự World Cup 2018 giờ lại là những người hoàn toàn có cơ hội đá chính ở bất cứ trận đấu nào. Gnabry tiến bộ nhanh đến mức tất cả đã quên mất rằng, Tony Pulis năm 2015 đã nghĩ anh không thể khoác áo West Brom. Tại Amsterdam, anh và Sane tạo thành một cặp ăn ý, đặc biệt trong hiệp 1. Họ không phải là một tiền đạo đúng nghĩa nhưng lối chơi của họ khó đoán định và rất nguy hiểm.
Video clip Hà Lan 2-3 Đức
Đúng là trong rủi có may. Đúng là thất bại trên đất Nga không phải là điều hay ho gì nhưng lại là cơ hội để Loew chuẩn bị cho một sự thay đổi toàn diện mà ông dùng dằng mãi đến sau giải Nations League. Và khi chẳng còn ai nhớ đến Mesut Ozil và những đường kiến tạo thì việc Hummels, Muller hay Boateng dừng bước trước khi họ sa sút là rất đúng lúc. Đặc biệt khi trong tay Loew đã có sẵn những cầu thủ để ông lựa chọn cho cuộc thay máu.
92 Toni Kroos giờ là cầu thủ có số trận nhiều nhất đội tuyển Đức với 92 trận, sau là Manuel Neuer với 85 trận. 43 Đức và Hà Lan gặp nhau 43 lần. Đức thắng 16 trận, Hà Lan thắng 11, hai đội hòa 16. 5 Serge Gnabry đã ghi 5 bàn trong 6 trận cho đội tuyển Đức mặc dù mới ra mắt vào tháng 9/2018. |
Mạnh Hào
Tags