Sử dụng AI để phục chế, tái tạo những bức ảnh ngày xưa đã không còn là điều quá xa lạ với nhiều người. Nhưng sẽ ra sao nếu phục dựng hình ảnh của nhiều mỹ nhân trong lịch sử theo phong cách của thời nay từ những bức ảnh đen trắng?
Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra cách thức biến những bức ảnh trắng đen của các nhân vật lịch sử thành ảnh chụp theo phong cách hiện đại hơn. Đây là kết quả của quá trình nghiền ngẫm các tư liệu lịch sử và sau đó sử dụng AI kết hợp Photoshop, Artbreeder cùng các phần mềm khác để phục dựng. Sau nhiều tháng làm việc, họ đã phục dựng thành công chân dung của 8 người, trong đó có Từ Hi thái hậu, hoàng hậu của Phổ Nghi - Uyển Dung, phi tần của vua Quang Tự - Cẩn phi…
Thành quả đạt được khiến ai nấy ngỡ ngàng với sự xinh đẹp hiếm có của các mỹ nhân dù xuất hiện trong phong cách của thời phong kiến hay của thời hiện đại.
1. Từ Hi thái hậu
Từ Hi Thái hoàng thái hậu, là phi tần của Thanh Văn Tông Hàm Phong Đế, mẹ đẻ của hoàng đế Đồng Trị. Bà trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính của triều đình nhà Thanh cùng với Từ An thái hậu khi Đồng Trị Đế lên ngôi. Sau khi Đồng Trị Đế qua đời, Thanh Đức Tông Quang Tự đế lên ngôi, bà lại tiếp tục nhiếp chính.
Từ Hi thái hậu sinh ngày 10 tháng 10 (âm lịch) năm Đạo Quang thứ 15, xuất thân từ Diệp Hách Na Lạp thị thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, nguyên là Mãn Châu Tương Lam kỳ, con cháu nhà quan gia thế tập.
Cuốn "Mãn Thanh ngoại sử" đã miêu tả về vị thái hậu Từ Hy khi còn trẻ như sau: "Tuổi tuy còn nhỏ nhưng rất thông tuệ, nhan sắc không có đối thủ." Sự miêu tả này rất quy cách và tiêu chuẩn, rất phù hợp với cách viết trong những tài liệu lịch sử truyền thống.
2. Thục phi Văn Tú
Thục phi Văn Tú (1909-1953) tên thật là Ngạch Nhĩ Đắc Văn Tú, thời đi học còn có tên khác là Phó Ngọc Phương. Bà kết hôn với hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh Phổ Nghi cũng là vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc vào cùng ngày ông cưới hoàng hậu Uyển Dung và được phong làm thục phi.
Theo sử sách, Văn Tú bị cho là kém sắc. Ban đầu bà vốn được nhắm cho vị trí hoàng hậu nhưng vì không xinh đẹp, gia đình lại không quá hiển hách nên danh hiệu "mẫu nghi thiên hạ" tuột vào tay Uyển Dung.
3. Tứ Cách Cách
Xuất thân của Tứ Cách Cách vô cùng cao quý, cha của nàng chính là Hòa Thạc Khánh Thân vương, cho nên Tứ Cách Cách có thể xem như là người vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng. Nàng lớn lên có dung mạo xinh đẹp, hơn thế từ nhỏ tính cách đã phóng khoáng hoạt bát, song cũng chính vì nàng có dung mạo xinh đẹp nên mới có thể có được sự thương yêu của Từ Hi.
4. Hoàng hậu Uyển Dung
Quách Bố La Uyển Dung sinh năm 1906, là người tộc Đạt Oát Nhĩ. Năm 1922, khi tròn 17 tuổi, bà đã được ngợi ca là có vẻ đẹp đoan trang, thanh tú, lại sẵn tài cầm kỳ thi họa nên nức tiếng khắp vùng.
5. Cẩn Phi
Đức Tông Cẩn phi (1873 - 1924), là phi tần của hoàng đế Quang Tự. Bà có xuất thân từ Mãn Châu Tương Hồng kỳ Tha Tha Lạp thị , cũng phiên thành Tha Tháp Lạp thị. Bà là chị của Trân phi nổi tiếng thời Thanh mạt. Sau khi Quang Tự Đế cùng Long Dụ Hoàng thái hậu lần lượt băng hà, Cẩn phi với tư cách là góa phụ cuối cùng của Quang Tự Đế được tôn trở thành một Hoàng thái phi. Cẩn Phi không phải là người có nhan sắc kiều diễm. Bà có vóc dáng thấp bé, gương mặt to tròn.
6. Vương Mẫn Đồng Cách Cách
Nàng được mệnh danh là cách cách xinh đẹp nhất của triều đại nhà Thanh. Cha của Vương Mẫn Đồng cũng là nhân vật quan trọng trong triều đình nhà Thanh, mẹ bà là hậu duệ Hoàng thất, bản thân bà là em họ của Hoàng hậu Uyển Dung. Vương Mẫn Đồng được ca ngợi là "Nàng Cách cách xinh đẹp nhất thời Vãn Thanh". Bà có khuôn mặt dịu dàng, tinh tế, dáng người mảnh khảnh, vừa nhìn đã biết là khuê nữ nhà danh giá, xuất thân cao quý.
Tuy là quý tộc thời nhà Thanh nhưng cuộc đời của Vương Mẫn Đồng lại đầy những gập ghềnh, trắc trở. Khi còn trẻ, bà bị chồng chưa cưới từ hôn, sau lại yêu say đắm Phổ Nghi nhưng bị ông lạnh lùng từ chối.
Tags