Nếu không muốn hoạ từ miệng mà ra thì hãy tránh xa việc bàn tán những chủ đề sau.
Văn phòng là nơi để làm việc, tốt nhất không nên nói những chuyện không liên quan đến công việc. Bạn cần chú ý lời ăn tiếng nói, bàn chuyện đúng trọng tâm, đúng thời điểm. Và hãy nhớ rằng có những chuyện không nên nói ra nếu muốn xây dựng hình ảnh cá nhân tốt.
Tốt nhất trong các câu chuyện với đồng nghiệp, bạn nên tránh những chủ đề sau.
1. Vấn đề tài sản của gia đình
Cho dù đó là tài sản của gia đình bạn hay tài sản của người khác cũng không phải chủ đề bạn nên nói. Nhiều người thích so sánh tài sản của gia đình mình với đồng nghiệp, họ chỉ muốn thỏa mãn sự tò mò của bản thân.
Cũng có nhiều người thích kể với đồng nghiệp rằng họ vừa đi du lịch châu Âu hoặc mua nhà với tâm trạng hào hứng, tự hào. Lúc này, họ đang thực sự vui vẻ, nhưng lại khiến những đồng nghiệp khác cảm thấy khó chịu vì chán ghét sự khoe khoang.
Chính vì vậy, nếu bạn mua nhà, tậu xe hay có những chuyến du lịch sang – xịn – mịn thì cũng đừng nên khoe khoang ở công ty. Bạn sẽ có nhiều thứ để mất hơn là thỏa mãn sự phù phiếm của mình. Đừng nói về tài sản của gia đình, điều này sẽ chẳng giúp ích được gì ngoài việc bị người khác đố kỵ, ganh ghét.
2. Vấn đề tiền lương, thu nhập
Mọi người có xu hướng coi vấn đề tiền lương, thu nhập là chuyện riêng tư cá nhân. Vì vậy, bạn đừng bao giờ hỏi lương của người khác là bao nhiêu hay thảo luận về mức lương của công ty như thế nào. Bởi thảo luận những vấn đề như vậy trong văn phòng sẽ không phù hợp, khiến người khác khó chịu.
Nhiều người có sở thích rất lạ, đó là quan tâm chuyện riêng tư của người khác, nhưng lại không để người khác biết chuyện riêng tư của mình. Do đó, nếu bạn không muốn tự làm khổ mình, tốt nhất đừng hỏi mọi người họ được trả lương bao nhiêu.
Mặt khác, mỗi nhân sự lại có một mức thu nhập khác nhau dựa trên vị trí công việc, khối lượng việc làm, thâm niên… Chính vì vậy, các công ty cũng không thích việc nhân viên đem chuyện lương bổng ra bàn tán. Công ty không muốn gây mâu thuẫn giữa nhân viên.
Nếu ai đó hỏi về mức lương của bạn, bạn có thể khéo léo trả lời hoặc có thể từ chối. Đây là điều hết sức bình thường. Đừng vì xấu hổ khi phải từ chối mà trả lời, tránh cho mình những rắc rối không đáng có về sau.
3. So sánh giữa các công ty với nhau
Mỗi công ty sẽ có phương thức hoạt động và đặc điểm riêng, cũng như những khó khăn và thách thức riêng. Vì vậy đừng so sánh công ty của bạn với các công ty khác. Nhiều người thường so sánh về hiệu quả công việc, khách hàng, chất lượng sản phẩm/dịch vụ hay cả chuyện lương thưởng. Rồi họ lại nghĩ công ty mình thua kém các công ty khác.
Nếu bạn đang thực sự nghĩ như vậy, tìm kiếm một công việc ở công ty khác sẽ là lựa chọn đúng đắn cho bạn. Còn nếu bạn không có kế hoạch làm điều này, mà chỉ không ngừng phàn nàn thì chứng tỏ bạn là người kém cỏi, bất tài.
Bạn cũng đừng nên nói về công ty trước đây. Ngừng kiểu nói "Công ty trước đây của tôi có môi trường làm việc tuyệt vời, sếp tâm lý" hay "Công ty cũ của tôi trả lương khá cao",… Bởi nếu đúng như vậy, tại sao bạn không quay lại công ty ban đầu của mình? Sếp của bạn sẽ không thích điều đó và đồng nghiệp cũng vậy.
4. Nói về những dự định trong tương lai
Hiện tại bạn chỉ là nhân viên, đừng nói với đồng nghiệp những dự định trong tương bạn. Và đồng nghiệp cũng không có nghĩa vụ phải nghe những chủ đề đó của bạn.
Đối với những câu như "Tôi phải là ông chủ của chính mình trong tương lai", "Tôi phải mở công ty riêng, phải sớm mua ô tô trong năm nay",… hãy nói với bạn bè và người thân!
Đừng phàn nàn về vị trí hiện tại của bạn với người khác. Nếu bạn cảm thấy năng lực của mình đang lãng phí ở vị trí này, thì bạn có thể rời đi. Còn nếu xác định ở lại công ty, bạn hãy làm việc chăm chỉ, thể hiện hết khả năng của mình trong công việc, chứ không nên khoe khoang.
Ngoài ra, bạn cũng đừng nói xấu đồng nghiệp hoặc lãnh đạo khác. Bạn không thể đảm bảo rằng đồng nghiệp sẽ không tiết lộ. Ngay cả khi bạn nói điều gì đó chính xác và không có ác ý, mọi người cũng có thể xuyên tạc lời nói bằng cách truyền tai nhau. Hậu quả của tin đồn này cuối cùng sẽ tìm đến bạn.