Tôi không thể nào quên vẻ mặt rất đỗi hạnh phúc của ông và cái miệng luôn cười khi hát. Ông lái xe đi từ thành phố này tới thành phố kia dịp World Cup. Cái xe của ông cũng đặc biệt, trên mui quây hai màu vàng xanh vừa để che cái loa vừa để thể hiện tình yêu đất nước. Thi thoảng, ông lại quay sang chỉnh mấy cái núm nho nhỏ của chiếc amply đặt ghế bên cho vừa giọng.
Ông tên Edminson Gaucho, đã 70 tuổi, bỏ hết số tiền dành dụm khoảng 500 triệu trong mấy chục năm để tậu xe, sắm thiết bị và mua xăng cho hành trình âm nhạc đi dọc đất nước Brazil.
Ở Brazil, lúc cao điểm, có hai trăm ngàn CĐV Argentina lái xe vượt biên giới để theo chân đội bóng của Messi. 80% trong số họ không có vé, vẫn lái xe vượt qua 5-7 ngàn km, ăn ngủ trong lều chỉ để tới ngoài sân hát bài hát thúc giục các cầu thủ Argentina tiến lên (Vamos Vamos Argentina).
Đến Brazil từ Anh, có bốn CĐV đã đi bộ qua hành trình kéo dài 1.966 km, qua hàng loạt các nước Nam Mỹ, để tới Brazil nhằm gợi lại ký ức khi đội bóng của họ vô địch thế giới năm 1966.
Không thể kể hết những người như thế ở Brazil. Họ làm cho chúng ta phải xem lại, rằng có phải chúng ta vẫn đang huyễn hoặc nhau khi nói “người Việt Nam yêu bóng đá nhất thế giới”.
Hôm đội tuyển Brazil chết hụt trước Chile, chỉ thắng trong loạt đấu penalty may rủi, có người đã nói rằng, chiến thắng ấy đã giúp Brazil thoát khỏi những cuộc bạo loạn xuất phát từ những cơn giận dữ.
Chưa chắc. Vì ở Sao Paulo có những nơi ngày nào đội tuyển Brazil thi đấu cũng có khoảng 50 ngàn CĐV dồn về một chỗ để xem. Họ uống bia say mèm nhưng chưa một lần có ẩu đả. Ở Rio de Janeiro người xem hôm nào cũng tràn ngập bãi biển, nhưng máu mới đổ ở đó một lần, khi kẻ cướp tấn công nạn nhân sau khi bị tri hô.
Những người Brazil được cho là lành hơn rất nhiều so với những người láng giềng khác. Trong số ấy có người Mexico. Nhưng người Mexico cũng cho thấy cách ứng xử mẫu mực của họ cả trong và ngoài sân bóng.
Trận Mexico thua Hà Lan đầy tiếc nuối với tỷ số 1-2, trọng tài cắt còi bắt penalty ở phút bù giờ thứ sáu ở hiệp hai từ một pha truy cản còn nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những lần truy cản trước đó mà trọng tài không bắt lỗi, cũng không có cơn cuồng nộ nào giáng xuống đầu trọng tài. Gần 20 ngàn CĐV Mexico ở Brazil đã không tạo ra cuộc bạo loạn nào ở thành phố Fortaleza, nơi diễn ra trận đấu.
Người phạm lỗi trong tình huống dẫn tới quả penalty định mệnh ấy là Rafael Marquez, một trung vệ kỳ cựu (từng khoác áo Barcelona) cũng không bị nguyền rủa.
Anh và đội tuyển Mexico là một trong rất nhiều những người thất bại trở về nhà mà được chào đón như những người hùng. Là đội tuyển Chile được hàng vạn người và nữ Tổng thống Bachelet đón tiếp nồng nhiệt. Là Suarez của Uruaguay cắn người (hậu vệ Chiellini), bị treo giò, vẫn được hàng ngàn người ra sân bay đón như một anh hùng dân tộc.
Phải chăng, những xã hội có nền văn hóa bóng đá phát triển tới tầm mức ấy thì mới có những đội tuyển tham dự World Cup?
Phạm Tấn (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags