Một tác giả mới toanh trên thị trường sách, nhưng lại là một cái tên quá quen của lĩnh vực báo chí - truyền thông, với hơn 30 năm kinh nghiệm: Thủy Phạm (bút danh của nhà báo Phạm Thị Thu Thủy, nguyên Phó tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa). Chị vừa có buổi ra mắt tác phẩm Mở rộng bán kính đời mình tại TP.HCM, thu hút sự quan tâm của nhiều đồng nghiệp.
Thủy Phạm là người có niềm đam mê bất tận cùng vô-lăng, rong ruổi trên các con đường như chị nói "đi hoài vẫn không hết lạ". Chị cũng là một trong những nhà báo đầu tiên phụ trách về chuyên mục ô tô trên mặt báo. Mở rộng bán kính đời mình là một cách để tổng kết một hành trình đã và vẫn đang tiếp diễn của một người phụ nữ hơn 20 năm lái xe đi muôn nơi.
Và không quên rủ rê các chị em cùng lên đường với mình mỗi khi có dịp. Khi thì chị từng kéo cả một "đội quân nữ" lái hơn chục chiếc xe rong ruổi sang nước bạn Lào, rồi hàng loạt các chuyến khác nhau trên đất Việt. Khi thì chị từng là kẻ chủ xị nhiều năm của CLB phụ nữ xe hơi, rồi CLB Ladycarcar...
Chuyện của người lái chính
Chị kể về đam mê ôm vô-lăng của mình, "đó không chỉ là đi, mà là "mở rộng bán kính đời mình", là nơi tôi học được nhiều bài học "để sống sót".
Có rất nhiều thứ tác giả cuốn sách này học được khi cầm vô-lăng, bao nhiêu thứ để chiêm nghiệm ngay trên mỗi hành trình. Như cái phanh tay và phanh chân trên chiếc xe, cũng gợi cho cho chị nhiều ngẫm nghĩ. Làm chủ tốc độ là một kỹ năng tuyệt vời, biết khi nào cần nhanh, khi nào cần chậm, khi nào cần đứng im, biết quan sát từ xa và biết phán đoán tình huống, vừa quyết đoán, lại vừa linh hoạt. Sự bình tĩnh, điềm đạm, cẩn trọng cũng là những đức tính chiếc xe dạy chúng ta hàng ngày.
Tốc độ quan trọng, nhưng biết dừng lại đúng lúc còn quan trọng hơn. Sống trên đời cũng thế. Biết tiết chế, biết dừng ở việc này, biết nói không với mối quan hệ kia, cần có những cái phanh. Nhưng quan trọng hơn khi có phanh, chúng ta dùng nó thế nào cho hiệu quả.
"Có hai chữ thôi-hiệu quả- cũng như trên xe có hai loại phanh thôi-phanh chân và phanh tay- nhưng nói thật, 20 năm sau tay lái với tôi, cũng như một phần tư thế kỷ trên cỗ xe hôn nhân, là cả…một trời phức tạp, học mãi cũng chưa thấy đủ, dù sách chỉ bảo mỗi động tác thôi" - Thủy Phạm nói - "Tôi đã đi được xa hơn rất nhiều khoảng cách lập trình của sức khỏe, thời gian và tiền bạc của bản thân, mà chính tôi đôi khi cũng lấy làm kinh ngạc. Tôi gọi đấy là hành trình mở rộng bán kính đời mình".
Và ngay cả khi công nghệ hiện đại đã hỗ trợ đến tận răng cho người lái xe có thể thoải mái, an toàn nhất có thể trên chiếc xe, thì Thủy Phạm vẫn luôn giữ quan điểm: "Đừng lái xe hơi một mình".
Chị nói: "Từng lái xe một mình, nên tôi càng hiểu điều ấy. Có một người bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ những cảm xúc trên đường đi thì thật là tuyệt vời, hoặc nhiều khi đơn giản chỉ là chụp cho mình vài tấm hình có tâm để đăng Facebook. Chiếc xe có thể giúp bạn mọi thứ, nhưng có được người đồng hành, chính là điều tuyệt vời nhất".
Chia sẻ của người lái phụ
Người lái phụ, người ngồi thường xuyên bên cạnh Thủy Phạm nhiều nhất, như cách chị gọi đùa là "cán bộ đường lối", không ai khác chính là phu quân, nhạc sĩ Dương Thụ. Có lẽ ông cũng không ngờ từ sau món quà tặng vợ hồi 23 năm trước, là một chiếc Matiz nhỏ xíu,màông đã bí mật mua trả góp, để"tôi thoát kiếp xe ôm", để vợ mình không bị ngã, thuận tiện hơn trong việc đi lại khi nhà ở khá xa trung tâm,đã làm thay đổi cuộc sống của vợ đến thế. Trước đó, Thủy Phạm là người sợ lên ô tô đến nỗi ám ảnh và từng tuyên bố xanh rờn là chỉ cầm lái khi nào xe chạy bằng… nước hoa!
Nhạc sĩ Dương Thụ nói: "Nếu chúng ta thay đổi phương tiện, phương tiện thay đổi chúng ta, có thể giúp thay đổi cuộc đời. Với người ta thì hành trình lái xe có khi gian khổ, chịu đựng, còn với Thủy thì cô ấy rất lấy làm sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Toàn bộ hành trình luôn là một sự tuyệt vời. Chẳng hạn như lúc rong ruổi trên đất bạn Lào, ghé chợ địa phương mua ít thức ăn, dừng lại đâu đó bên suối hoặc ven đường thổi cơm, trong những chòi gỗ của người dân địa phương làm sẵn để làm chỗ nghỉ chân, thì còn gì bằng".
Đối với Dương Thụ, có những điều mà chúng ta không thể thưởng thức hoặc có trải nghiệm được trong đời sống thường nhật. Ông nói đi là để được sống, không phải đi chỉ để là biết. Biết, dù có biết nhiều, cũng chả để làm gì cả.
Ông nói: "Có nhiều người đi đâu cũng biết, cũng kể được, như ở Rome có gì, Paris có gì. Tôi không quan trọng điều đó, đi là để được sống cái đời sống mà người ta có thể không bao giờ được sống, nếu không đi. Khi chúng ta sống nhiều, chúng ta phải thay đổi, lớn lên. Bán kính lại mở rộng dần ra".
Ông kể tiếp: "Khi sang Singapore, tôi nói với Thủy rằng anh với em đang lái con tàu vượt thời gian đấy. Bởi vì người ta giống mình, mà họ ăn mặc thời trang, đường phố đẹp đẽ, nhà cửa khang trang, thơm tho, văn minh hơn mình rất là nhiều. Một trăm năm nữa, mình có thể giàu hơn họ, nhưng lúc đó mình mới tiến tới cái sạch sẽ, văn minh, đẹp đẽ, tinh tế của họ. Hãy tưởng tượng đây là Việt Nam 100 năm sau nữa. Mà mình thì làm sao sống được tới 100 năm, vậy thì chúng ta đi, là sống cuộc đời củachúng ta ở tương lai".
Dương Thụ thừa nhận là vợ chồng ông lên xe thì… thường cãi cọ, tranh luận với nhau suốt. Thủy Phạm thấy cái gì lạ là háo hức đi mà không ngại, Dương Thụ thì cẩn thận, thường đóng vai trò gàn lại. Người này nói người kia không hiểu, thì mới đâm ra cãi cọ. Rất nhiều cãi cọ, nhưng cuối cùng lại rất vui, lại đi tiếp.
"Nhưng sau tất cả những cãi cọ ấy, nó không thành cái gì, mà thành cuốn sách này! Và có lẽ không chỉ là một cuốn. Tôi mong cô ấy sẽ có cuốn thứ hai, thứ ba. Không phải vợ viết chồng khen hay đâu" - Dương Thụ hóm hỉnh cho biết.
Chiều kích của mở rộng
Cuốn sách dày 222 trang , tập hợp từ những ghi chép của tác giả, mà lâu nhấttừ năm 2000, khi mới cầm lái và gần nhất là năm 2022. Sách gồm 3 phần. Phần 1 là những tâm sự sau vô-lăng.Phần 2 là những trải nghiệm trong các chuyến đi tự lái khắp nẻo đường châu Âu.Phần 3 là phần luận bàn của tác giả về chuyện lái xe an toàn, văn minh. Cuốn sách còn gợi cảm hứng cho giới nữ cầm lái nhiều hơn và cẩn thận hơn.
Tags