Đừng 'thắt cổ chai' về vốn đầu tư cho văn hóa

Thứ Tư, 24/11/2021 19:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay chưa tạo được sự phát triển đột phá, chưa thu hút, hấp dẫn thị trường là do chưa khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh đến từ nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất dồi dào của Việt Nam.

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Trong thời gian tới, muốn phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa thông qua chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, từ góc độ thể chế, Việt Nam cần xác định hệ thống quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa.

Giải “bài toán” cho phát triển công nghiệp văn hóa

Dựa trên tình hình thực tiễn của Việt Nam, cũng như căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia) cho rằng: “Phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các công nghệ mới, hiện đại; chủ động hợp tác, xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam ra thế giới nhằm mở rộng thị trường, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”.

Chú thích ảnh
Show "Làng tôi" là một sản phẩm công nghiệp văn hóa và là minh chứng tuyệt vời cho việc văn hóa có thể trở thành sản phẩm thương mại, đem lại lợi nhuận rất lớn

Để thực hiện được việc này, giải pháp đầu tiên, theo bà Phương là hoàn thiện khung khổ thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ... Hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển văn hóa và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tiếp đến là hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa: Chú trọng hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thị trường văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo hệ sinh thái thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa nhằm thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; xây dựng, đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; hoàn thiện chính sách đặt hàng, ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa... Thúc đẩy khả năng tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng thông qua việc hình thành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường sáng tạo, sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Khuyến khích xã hội hình thành các quỹ phát huy sáng kiến quy mô vừa và nhỏ trong hoạt động sáng tạo công nghiệp văn hóa; Nâng cao ý thức thực thi pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia; bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa; phát triển những sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa độc đáo, sáng tạo; tạo cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa.

Chú thích ảnh
Ý tưởng "Quận nghệ thuật Sông Hồng" của Công ty CP Tư vấn và đầu tư kiến trúc Avant - giải Nhất hạng mục Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống của Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực

Bên cạnh đó, theo bà Phương, cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

“Hiện nay, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa đang chú trọng nhiều hơn tới đầu tư của Chính phủ mà chưa phát huy hiệu quả thu hút vốn” - bà Phương nói - “Đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa, thực chất bao gồm 2 khái niệm là đầu tư và thu hút vốn. Là nước có nguồn lao động dồi dào nhưng vốn đầu tư phát triển lại tương đối eo hẹp trong lĩnh vực văn hóa. Sự đầu tư tài chính thường tập trung cho các hoạt động thuộc về các đơn vị làm văn hóa, trong khi vấn đề thu hút lại chưa hiệu quả. Do đó, muốn đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa, xây dựng một cơ chế đầu tư tương xứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam buộc phải giải quyết hiện tượng “thắt cổ chai” về vốn đầu tư".

Ngoài ra, đổi mới cơ chế đầu tư còn có lợi rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình điều chỉnh kết cấu trong chế độ sở hữu và kết cấu ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc “tăng lượng” thu hút vốn trong đầu tư. Việc này đồng thời cũng có thể kích hoạt được nguồn vốn tồn đọng của Nhà nước, ưu việt hóa cơ cấu vốn trong các doanh nghiệp văn hóa Nhà nước, có lợi cho việc bố trí sắp xếp nhân lực thông qua nguồn vốn văn hóa, giải quyết vấn đề mối quan hệ hữu cơ giữa 2 yếu tố của sản xuất là nguồn vốn và nhân lực trong quá trình phát triển sự nghiệp văn hóa.

Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa ra các quyết sách có tính chiến lược. Song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực. Hơn nữa cần có chính sách cởi mở để có thể phát huy tiềm năng văn hóa của mình, thu hút bên ngoài hướng tới "sức hấp dẫn" - văn hóa của đất nước ngay tại chỗ.

Vấn đề tạo ra "không gian sáng tạo" hay môi trường sáng tạo cũng là một giải pháp quan trọng cho việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa nước ta hiện nay. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa (văn nghệ sĩ, trí thức khoa học công nghệ) cũng là giải pháp rất căn bản của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh các giải pháp khác.

Cuối cùng, theo bà Phương, cần phải đầu tư phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi do tính hấp dẫn của văn hóa đại chúng và nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có nội dung số vừa phục vụ thị trường nội địa vừa hướng ra nước ngoài, nên việc phát triển các cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp này vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công của quá trình chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm văn hóa từ đó làm nên sức mạnh mềm văn hóa.

“Việc phát triển các cơ sở hạ tầng sẽ giúp Việt Nam đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực sức mạnh mềm, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa” - bà Phương nhấn mạnh.

Dẫu vậy, bà Phương cũng lưu ý, trong phát triển công nghiệp văn hóa nếu chỉ dựa vào văn hóa truyền thống sẽ không thực sự giúp ích cho sự gia tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường văn hóa từ đó gia tăng sức mạnh mềm văn hóa của bất cứ quốc gia nào. Vì vậy, việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa hiện nay đang ngày càng hướng đến tạo dựng bản sắc quốc gia vừa gắn với truyền thống vừa mang tính mới tương thích với các giá trị chung của toàn cầu trong một thế giới đa văn hóa, dung hợp văn hóa, ngày càng mở và đa dạng” - bà Phương kết luận.

“Sở dĩ các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa thực sự là một kênh truyền dẫn sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là do chúng ta chưa tìm ra lời giải khả thi cho bài toán điều chỉnh phương thức khai thác chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất đa dạng, dồi dào thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa hấp dẫn, có tính ứng dụng cao và có khả năng kết nối mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và các giá trị mang tính toàn cầu”.

Phạm Huy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›