Hiểu rõ những điều này, bạn sẽ tự giúp bản thân tránh xa nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng.
Nợ xấu và xếp hạng tín dụng cá nhân
Khi đăng ký thẻ tín dụng, thông tin của bạn sẽ được lưu lại trên cơ sở dữ liệu của trung tâm tín dụng CIC hoặc/và PCB. Những thông tin này có thể được các ngân hàng truy cập và tra cứu, đánh giá mức xếp hạng tín dụng của người dùng.
Mức xếp hạng tín dụng này bị ảnh hưởng bởi cách bạn vay nợ, trả nợ và sử dụng thẻ tín dụng. Nếu không trả nợ đúng hạn, xếp hạng của bạn sẽ thấp dần, đến 1 mức nào đó sẽ nằm ngoài danh sách cho vay của các ngân hàng.
Nợ xấu được xếp thành 5 hạng, trong đó hạng 1 và 2 là các khoản nợ dưới 30 ngày sau ngày đến hạn thanh toán. Nếu rơi vào 2 hạng này, bạn vẫn có thể tạm thời yên tâm vì vẫn có thể tiếp tục vay từ ngân hàng.
Nhưng, nếu nợ từ 30 ngày trở lên, đặc biệt từ 90 hoặc 180 ngày trở lên (hạng 4 và 5 - 2 mức hạng thấp nhất) thì chúc mừng, bạn đã nằm trong “danh sách đen” của ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Chưa kể số nợ ngày càng lớn hơn với tỉ lệ lãi cao, ngày càng khó khăn hơn trong việc trả nợ.
Ví dụ, nếu bạn có 1 khoản vay tín dụng từ ngân hàng A mà vì lý do gì đó không trả nợ đúng hạn, để quá hạn từ 30 ngày trở lên, bạn sẽ bị xếp hạng nợ xấu nhóm 3. Lúc này, các ngân hàng sẽ không cho bạn vay tiền dưới mọi hình thức. Kể cả khi đã thanh toán hết cả nợ lẫn lãi, sẽ mất đến 2 năm sau đó thì điểm tín dụng của bạn mới quay lại mức ban đầu.
Vì sao ta dễ rơi vào nợ xấu?
Có rất nhiều lý do khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, rơi vào tình cảnh nợ xấu.
Lý do lớn nhất chính là tiêu xài quá nhiều dẫn đến không có đủ khả năng trả nợ khi đến kì thanh toán. Thường thì thẻ tín dụng sẽ có hạn mức cao cấp 2 đến 3 lần lương tháng, nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên “cà thẻ” hết sạch số tiền đó. Hãy cẩn trọng trong chi tiêu để không tự thấy bất ngờ với con số khổng lồ trong tin nhắn sao kê gửi về.
Lý do thứ 2 là các khoản trả góp cộng dồn. Trả góp là cách vô cùng tiện lợi để mua được món đồ nào đó trước khi tích góp đủ tiền. Trả góp qua thẻ tín dụng còn có thể nhận nhiều ưu đãi như 0% lãi suất hay hoàn tiền đến cả triệu. Tuy nhiên, nên cân nhắc trả góp quá nhiều thứ cùng lúc qua thẻ tín dụng. Mỗi món chỉ vài trăm, vài triệu 1 tháng nhưng khi cộng vào nhau thì không dễ trả như tưởng tượng.
Lý do thứ 3 là coi thường hạn thanh toán, không lường trước các khoản phạt và lãi suất trên khoản nợ. Đôi khi, các nhân viên tư vấn sẽ hạn chế nhắc đến những khía cạnh này khi chào mời làm thẻ tín dụng khiến nhiều người chủ quan.
Làm gì để tránh nợ xấu?
Trước tiên, hãy cân nhắc thật kĩ việc có nên làm thẻ tín dụng hay không. Nếu thực sự cần chi tiêu nhiều, có nguồn thu nhập ổn định thì mới nên dùng. Và, nếu đã quyết định dùng thẻ tín dùng, hãy ghi nhớ thật kĩ 3 điều này:
Thứ nhất, hãy kiểm tra kĩ hạn thanh toán của thẻ trước khi làm thẻ. Bạn có thể hỏi trực tiếp nhân viên tư vấn về hạn thanh toán của loại thẻ định làm để tránh trường hợp phải thanh toán trước khi nhận lương. Có nhiều trường hợp vì hạn thanh toán quá sớm so với ngày nhận lương mà phải trả nợ muộn, vô tình rơi vào cảnh nợ xấu ngay sau khi làm thẻ. Đồng thời, hạn thanh toán sau ngày nhận lương cũng có nghĩa là thời gian vay tiền bị rút còn rất ngắn, không đúng mức “đến 45 ngày” như kì vọng nữa. Lúc này, chiếc thẻ tín dụng coi như đã mất đi rất nhiều công dụng vốn có của nó.
Thứ hai, hãy cẩn trọng với các chiêu trò mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Có nhiều bạn trẻ ngay sau khi nhận thẻ tín dụng đã được người tự xưng là nhân viên của ngân hàng đó giới thiệu chương trình rút tiền mặt với “phí và lãi suất thấp” nhưng thực tế, con số này là cực kì cao, có thể lên tới cả triệu đồng. Chưa kể nếu bạn không trả kịp số lãi này sẽ lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy nợ xấu.
Thứ ba, hãy ghi chép lại các khoản đã chi qua thẻ tín dụng. Đây là cách hiệu quả nhất để tránh cảnh “ngập nợ”. Nếu đã đảm bảo chi tiêu không quá so với thu nhập, bạn sẽ yên tâm sử dụng, yên tâm thanh toán đúng hạn và điểm tín dụng cá nhân sẽ không bao giờ rơi xuống mức thấp.
Cuối cùng, trong trường hợp lỡ trả nợ chậm, hãy nhanh chóng liên lạc với nhân viên tư vấn của ngân hàng để tìm cách xử lý phù hợp, có thể bạn sẽ được hỗ trợ gia hạn ngày trả nợ (nếu chỉ trả muộn vài ngày) hoặc phương án trả nợ phù hợp với mức phạt và lãi thấp hơn biểu phí quy định.
Tags