(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/6, tại không gian Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc.
Phong trào này nhận được sự quan tâm của cả cộng động. Ngay sau khi giành ngôi Á quân giải King’s Cup tại Thái Lan, huấn luyện viên Park Hang Seo cùng các thành viên Đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng đã tham gia phong trào này với tư cách là “Đại sứ phong trào”…
Nhân có phong trào này, chúng ta hãy thử nhớ lại xem, vào cái thuở túi nylon chưa được sử dụng rộng rãi như hiện nay thì chúng ta sinh hoạt, mua bán hàng ngày thế nào?
Thời bao cấp, mỗi lần đi chợ, ai cũng phải mang theo chiếc làn nhựa hoặc làn cói để đựng đồ mua từ chợ. Người bán hàng ngoài chợ thường bó rau bằng lạt rơm, thịt thì xâu lạt tre, mấy bìa đậu thì bọc lá chuối, đồ khô thì bọc giấy báo cũ… Hàng hóa được xếp gọn gàng trong làn, trong túi để xách về. Cua cũng được kẹp vào que tre thành từng xâu, cá thì có lạt xỏ qua mang xách về… hầu như không thấy xuất hiện bóng dáng túi nylon.
Vì thế sau bữa cơm cả nhà, thức ăn thừa đã đổ vào thùng nước gạo cho lợn, thì rác thải các loại hầu như rất ít.
Khi túi nylon được sử dụng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, phần đông người mua chúng ta đều chỉ nhìn vào sự tiện lợi, dễ dùng, còn người bán thì lại muốn chiều lòng “thượng đế”. Ai cũng cho rằng có đáng bao nhiêu tiền cái túi nylon bé con, mỏng tang thế. Với những người bán hàng rong thì quả thật túi nylon là một loại bao gói hợp lý, không chiếm nhiều chỗ trong quang gánh khi di chuyển qua các phố.
Thói quen ỷ vào túi nylon, hộp nhựa sử dụng một lần khiến cho người mua tự cho mình cái quyền được… tay không đi chợ, không cần xách theo túi, theo làn, cạp lồng, kể cả khi mua đồ ăn chín... Mọi thứ từ suất cơm, chút nước chấm, bát canh, tô nước phở… đều được gói trong hộp nhựa, túi ni lông, một lượt túi xách về sợ không an toàn thì bọc thêm hai ba lượt nữa…
Giờ chúng ta thử nhìn nhận việc sử dụng túi nylon dưới góc độ kinh tế xem sao? Ai cũng biết rằng khi kinh doanh, tất tần tật những chi phí phải bỏ ra ở đầu vào thì đều sẽ được tính vào giá thành, làm gì có chuyện cho không, làm gì có miễn phí. Trừ những mặt hàng theo tiêu chuẩn quy định phải có đầy đủ bao gói, còn lại khi mua hàng tôi tin rằng không ai trong chúng ta muốn mua bao gói, túi xách cả.
Với túi nylon cũng vậy, chẳng qua là khi thấy giá thành một cái túi quá ít tiền cho nên ai cũng cho rằng rẻ, không đáng bận tâm. Nhưng nhìn vào giá trị sử dụng, có ai trong chúng ta chấp nhận mua một sản phẩm có kèm theo một thứ chỉ được dùng một lần trong quãng đường ngắn ngủi từ chợ về nhà rồi vứt bỏ? Dù có rẻ thì cũng là bỏ tiền ra mua thứ không cần thiết, bởi nó có thể thay thế bằng làn nhựa, túi cói… Mà đã không cần thiết cho mình thì có rẻ đến đâu cũng trở thành đắt.
Ngoài ra, chuyện rẻ thành ra đắt còn nằm ở chỗ khi chúng ta vứt bỏ các túi này đi, chúng trở thành chất thải khó phân hủy, gây ra ô nhiễm môi trường. Nhà nước và các tổ chức xã hội lại phải đau đầu, bỏ kinh phí xử lý.
Có bao giờ bạn bỏ tiền ra mua một thứ rồi lại bỏ nhiều tiền ra để xử lý chúng vì tính chất nguy hại, ô nhiễm, mặc dù bạn đã biết rõ điều này? Câu trả lời sẽ cho biết quan điểm cũng như nhận thức của mọi người.
Rẻ mà đắt chính là ở chỗ đó.
Quốc Thắng
Tags