Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim"

Chủ nhật, 11/12/2022 19:15 GMT+7

Google News

Lần đầu tiên ra mắt ở vai trò NSX một bộ phim điện ảnh, Dược Sĩ Tiến đã làm công chúng đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Nhắc đến Dược Sĩ Tiến, những cư dân mạng - đặc biệt là những người trẻ hẳn sẽ nhớ ngay đến hình ảnh của một BGK - Mentor liên tục tạo kịch tính (drama) trên các chương trình truyền hình thực tế. Mỗi lần anh xuất hiện, không ít thì nhiều anh đều phải khiến cho người ta không khỏi trầm trồ về sự đầu tư của mình. Ở lần lấn sân sang điện ảnh với tác phẩm Hạnh Phúc Máu, Dược Sĩ Tiến tiếp tục phải khiến công chúng nói chuyện nhiều vì những chiến lược quảng bá được xem là chưa từng có ở điện ảnh Việt. 

Tuy nhiên, đằng sau những thứ được gọi là “chiêu trò” đó, Hạnh Phúc Máu từng ngày đã chinh phục được không ít khán giả. Tác phẩm từng giữ vị trí số 1 phòng vé và nó không hề là bộ phim “nhảm nhí” như những đánh giá chủ quan ban đầu của nhiều người khi nghe nó được Dược Sĩ Tiến đầu tư. Vậy từ đâu một người được cho là “ồn ào” của showbiz Việt lại có thể dám bỏ tiền, đầu tư 1 tác phẩm không có ngôi sao phòng vé và chỉ tập trung vào diễn xuất của diễn viên gạo cội Kim Xuân?

Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 1.

Người ta nói Dược Sĩ Tiến là một nhân vật trong showbiz không hề thiếu kinh phí để có thể mời 1 ngôi sao phòng vé, nếu vậy tại sao Hạnh Phúc Máu anh không “đầu tư” 1 nhân vật như vậy? 

Con đường làm phim của tôi không giống với các NSX khác, tôi muốn hướng đến những nghệ sĩ gạo cội, có thâm niên lâu năm trong nghề. Đặc biệt tôi có tình cảm với má Kim Xuân, má chính là nguồn nguồn cảm hứng để tôi làm Hạnh Phúc Máu. 

Và hơn hết, tôi muốn dùng hết sức mình, làm phim một cách nghiêm túc và chất lượng. Mục đích là để thử xem, nếu một tác phẩm không có ngôi sao phòng vé nhưng bù lại sở hữu nội dung chất lượng, thì mọi người sẽ đón nhận nó như thế nào. 

Ở thời điểm hiện tại, tôi thấy được là khán giả đón nhận phim cũng tương đối tốt và phản hồi về phim tương đối tích cực. Nhưng phải công nhận một chuyện rằng nếu một phim điện ảnh khi ra rạp, thiếu đi những ngôi sao phòng vé thì ban đầu để khán giả đón nhận khó khăn hơn. Tôi tin rằng nếu mà bản thân kiên trì với con đường này và tiếp tục làm ra những tác phẩm điện ảnh chỉn chu, sau này khán giả sẽ không quan tâm “tên này tên nọ” nữa, họ sẽ tập trung vào chất lượng của phim hơn.

Trước khi chạm ngõ điện ảnh thì không thể phủ nhận anh là một ngôi sao của truyền hình thực tế. Nhưng cuộc chơi phim ảnh có luật riêng và không hề dễ dàng để tạo nên một bộ phim ăn khách. Tại sao anh lại chọn con đường… khó đi đến vậy? 

Phải chia sẻ thật lòng rằng nếu coi phim ảnh như một công việc để kinh doanh thì tôi đã không bước chân vào con đường này. Thu nhập hiện tại của tôi ở vị trí là một dược sĩ, tôi có thể kiếm tiền được nó rất nhanh. Nhưng làm nghệ thuật nói chung, đặc biệt là điện ảnh thì nó không giống như thế. 

Nhưng ngược lại, bởi vì đã có một nền tảng tài chính đủ tốt, tôi bước vào điện ảnh với một tâm thế… vô tư. Vô tư nghĩa là mình chỉ làm cái điều mình yêu thích thôi, doanh thu doanh số chỉ là con số động viên toàn thể ekip, để họ thấy được rằng công sức của họ đã được khán giả đón nhận. Còn nếu nói làm phim để kiếm lời, cơm áo gạo tiền từ điện ảnh thì có lẽ tôi không đặt nặng nó lên đầu tiên.

Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 2.

Nói là không quan tâm cơm áo gạo điện nhưng theo nguồn tin từ 1 diễn viên của Hạnh Phúc Máu tiết lộ, anh sẵn sàng trả cô ấy thù lao lên đến 50.000 USD. Đây là con số có lẽ nhiều sao Việt cũng không ngờ tới. 

Tôi nghĩ không nhiều người biết chuyện này, nhưng con số thù lao 50.000 USD thực tế tôi còn trả cô ấy… hơn cả thế. Bởi vì cô ta không nhận tiền mặt, mà nhận một cây cầu từ thiện cho bà con có điều kiện giao thông thuận lợi hơn. Vấn đề cát xê sao cho xứng đáng là một chuyện, nhưng những giá trị tấm lòng với tôi nó vô giá hơn nhiều. Tôi thích đong đếm chuyện này đâu.  

Vậy thì các diễn viên khác trong đoàn, liệu rằng họ có được sự đãi ngộ này từ anh? 

Cũng như những NSX khác, khi chọn được người phù hợp cho bộ phim mình xong, tôi cũng chủ động trình bày với các diễn viên tham gia. Từ những chia sẻ của tôi như có vai này, quay ở Đà Lạt hết bao lâu thì người ta sẽ tự cho tôi một con số. Tôi không phải là người thích trả giá, vậy nên diễn viên họ tự đưa mức đề xuất cho tôi, hợp lý thì làm còn không hợp lý thì thôi, sẽ tìm 1 phương án khác. Tôi đa phần sẽ không có mặc cả thù lao với diễn viên vì chính họ mới biết được cái giá trị chính xác của mình. 

Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 3.
Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 4.

Thông thường mỗi NSX sẽ cân đo đong đếm, hạn chế tối thiểu ngày quay để tiết kiệm nhất có thể, vậy vì sao Hạnh Phúc Máu lại phải ghi hình đến… 50 ngày? 

Trong thời gian 50 ngày trên Đà lạt, tôi bỏ hết tất cả mọi việc kinh doanh của mình ở ngoài giao cho trợ lý, bỏ hết vai trò NSX mà tin tưởng vào ekip và sự hướng dẫn của đạo diễn. Bản phim dựng lúc đầu có thời lượng 1 tiếng 20 mấy gần 30 phút, tôi là người phải tỉnh táo tới phút cuối cùng, cắt không thương tiếc phim để bản ra rạp chỉ còn 108 phút thôi. Và bạn biết không,  những phút phim phải cắt đi đó rất nhiều tiền. Như bạn nói, một ngày ghi hình không hề rẻ đối với phim điện ảnh, đôi khi có những phân đoạn cắt là tôi cắt hẳn 2 hoặc 3 ngày quay của phân đoạn đó luôn. 

Bởi vì tôi muốn mọi người được xem một bản phim chất lượng nhất, tôi có thể quay 20 - 30 ngày nhưng không, nó phải là 50 ngày. Chúng tôi quay tới khi nào cảm thấy hài lòng nhất cho phân đoạn đó thì mới ngừng. 

Trong anh phần nào đó có lo ngại rằng, chính vì những sự xuất hiện “hoành tráng” trước đây của anh ở truyền hình thực tế, phần nào đó tạo ra sự lăn tăn cho khán giả để họ muốn xem phim của Dược Sĩ Tiến? 

Đó cũng là một khó khăn của tôi, đó là một người phải tìm mọi cách làm truyền thông cho phim và phải làm sao để thuyết phục khán giả phim của Dược Sĩ Tiến là phim đáng xem. Bởi vì tôi hiểu rằng là trước giờ trong tâm trí mọi người, có thể Dược Sĩ Tiến luôn là một cái người hơi “ô dề”, hơi nổi trội trong các chương trình truyền hình. Và điều đó tạo 1 cái ấn tượng trong lòng khán là cái ông này làm cái gì cũng sẽ làm quá hết. Thậm chí đôi khi khán giả họ cảm thấy là: “À có một cái phim của một cái ông nhà giàu đổ tiền PR nhiều như thế, thì nó cũng chỉ là một cái trò PR lố lăng của ổng thôi, chứ không phải là một cái phim đáng xem”. 

Đây là cái giai đoạn đầu mà tôi phải thuyết phục mọi người, cho dù phim đầu tiên này có thắng hay không về mặt doanh thu, tôi cũng nghĩ là với những khán giả đã ra rạp xem phim, ít nhiều gì tôi cũng nhận được review rằng họ mong chờ phim tiếp theo của tôi.

Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 5.

Sẵn đã nhắc đến chuyện PR thì chắc Hạnh Phúc Máu là phim Việt đầu tiên dám PR theo kiểu… 1 lần tung 15 MV để quảng bá cho phim, khi làm anh không lo người ta sẽ lại nghĩ anh “chơi trội” sao? 

Thật ra tôi không nghĩ mình “chơi trội” gì đâu, nhưng như đã nói, tôi muốn mọi người thấy tôi thực sự đang rất đầu tư với mức độ như thế với Hạnh Phúc Máu. Và khán giả có thể yên tâm rằng, một phim PR đã chỉn chu như vậy thì nội dung của nó cũng sẽ rất đáng coi. 

Và hơn cả thế, trong người tôi luôn có 1 “tiêu chuẩn riêng” và bản thân tôi sẽ thực sự thấy khó chịu nếu mình không làm tới mức đó. Chẳng hạn như trong showcase, tên của tất cả ekip được tôi in lên backdrop đằng sau. Ở buổi công chiếu thì tôi không lặp lại điều đó nữa vì tên họ đã được… làm hẳn thành cả đại lộ danh vọng rồi. 

Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 6.

Thời gian qua có không ít tác phẩm điện ảnh được đầu tư “chục tỷ” nhưng vốn thu hồi về chẳng được bao nhiêu. Điều này đã khiến không ít khán giả phải tự đặt câu hỏi “tại sao phim dở mà họ vẫn làm”, ở góc độ của mình anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào? 

Tôi nghĩ phim cũng như món ăn vậy, sẽ có người thích khẩu vị ngọt nhưng cũng có người thích món ăn được nêm nếm thanh đạm. Ở quan điểm của tôi, hay hoặc dở còn tùy theo mình đánh vào phân khúc nào nữa. Mỗi NSX chính là nhà kinh doanh, họ sẽ cần phải biết cần bỏ bao nhiêu tiền đầu tư cho phim, đánh vào thị hiếu của khách hàng nào. Phim cũng giống như âm nhạc, âm nhạc cũng sẽ có loại âm nhạc hàn lâm và cũng có âm nhạc thị trường.

Lấy ví dụ như Hạnh Phúc Máu của tôi chẳng hạn, vấn đề hậu kỳ phim tốn tận 2 năm là vì tôi phải liên tục coi phim được khán giả khen, và những phim gần với thị hiếu khán giả nhất. Chúng ta phải thừa nhận câu chuyện rằng công chúng bây giờ đã xem phim “khắt khe”, cách nhìn nhận tư duy phim có xu hướng gần quốc tế nhiều hơn. Tôi không mong phim mình được nhận xét là hay, nhưng nó phải là 1 tác phẩm đàng hoàng. Còn hay dở thì 100 người xem sẽ có 101 ý kiến khác nhau rồi. Rất may mắn cho đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ phần trăm cao người xem đang đánh giá Hạnh Phúc Máu là phim đàng hoàng, nghiêm túc, và đó là điều làm tôi thấy vui.

Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 7.

Có một khái niệm mang tên “giải cứu phim Việt” không biết anh có nghe đến chưa, thường thì những bộ phim như vậy hay lấy lý do “ít suất chiếu - phim chiếu giờ không đẹp” làm ảnh hưởng đến doanh thu chẳng hạn. 

Thứ nhất, về suất chiếu ở rạp. Tất cả các rạp đều làm kinh doanh cả, nên bất kỳ phim nào họ cảm thấy đem lại lợi nhuận cho họ, họ ngửi được mùi thắng của phim đó thì kiểu gì không được xếp suất chiếu nhiều, nói thẳng ra không ai chê tiền hết.

Khi tôi coi báo cáo của các rạp về phim của mình trong ngày đầu tiên, tôi thấy tội nghiệp rạp, vì có những rạp mở ra mà chỉ có 4 người xem phim, 2 người xem thôi. Mình thấy “chết rồi, nếu phim mình mà chỉ có 2 người, 4 người xem phim trong 1 rạp thì tội nghiệp rạp quá vì làm sao đủ tiền để vận hành 1 rạp mấy trăm chỗ mà chỉ có 2 người vào xem?” 

Vậy cho nên, tôi có cái nhìn tích cực rằng phim mình chưa được đón nhận nhiều, mà họ vẫn mở rạp để đón chỉ 2-4 người, thì tức là tất cả các rạp trên cả nước đều đang ủng hộ và ủng hộ cho phim Việt, vì chính họ cũng muốn vực dậy nền điện ảnh nước nhà. 

Cho tới ngày hôm nay khi mà những rạp đó lên tới vài trăm người 1 rạp, tôi cảm thấy rằng cuối cùng mình đã làm đủ để thuyết phục khán giả đi xem để trả ơn cho các rạp trong những ngày đầu khi phim mình chỉ có 1 vài người coi. Tôi nghĩ không có sự bất công, mà quan trọng là mối liên kết hợp tác đôi bên cùng có lợi. Không thể nào mình bắt người ta tăng suất chiếu trong khi phim mình không được khán giả đón nhận. 

Nhưng một tác phẩm mà không có sự tranh cãi, mọi thứ cứ “bình bình” thì xem chừng cũng không ổn lắm nhỉ? 

Hiện tại tôi chưa được chứng kiến chuyện “lan truyền” nói xấu qua lại, vì mình cũng không đấu với phim nào, đó là điều may mắn của Hạnh Phúc Máu. Nhưng nó cũng không hẳn tốt lắm đâu. Vì nếu quá nhiều khán giả khen, không có đấu đá thì không vực dậy truyền thông, không tạo được luồng trái chiều đủ mạnh để người ta tò mò vào xem. Tôi chỉ mong khán giả cho mình cơ hội, vì lần này tôi làm phim rất nghiêm túc và đầu tư rất nhiều. 

Chi Pu đã từng phát ngôn: “mỗi tháng tung 1 MV”, vậy Dược Sĩ Tiến liệu có khả năng “chơi trội” mỗi năm có ra 1 phim điện ảnh không nhỉ? 

Tôi hy vọng làm được điều đó, tuy nhiên có nhiều yếu tố khác quan hay chủ quan, nếu phim không hay, thì tôi sẽ không có ra rạp, mặc kệ đầu tư vào đó bao nhiêu tiền. Có thể ý tưởng kịch bản và tiền kỳ hay, nhưng tới khi quay xong thấy chưa hay, thì 1 là tôi bỏ để làm phim khác, 2 là sẽ phải tốn thời gian hậu kỳ nửa năm hoặc 1 năm để phim thật sự hay thì mới đưa tới mọi người. Tôi chỉ muốn nói rằng không quan trọng bao lâu Tiến ra 1 phim, nhưng khi ra thì đó phải là 1 phim chỉn chu nhất, hay nhất theo quan điểm cá nhân của tôi.

Dược sĩ Tiến: "Nhiều người xem Hạnh Phúc Máu là trò PR lố lăng của một ông nhà giàu hơn một bộ phim" - Ảnh 8.

Cám ơn Dược Sĩ Tiến, chúc anh và ekip Hạnh Phúc Máu “đại thắng” trong tác phẩm này.

Thế Huân - Ảnh: Nhã Uyên - Thiết kế: Mai Linh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›