Dù hậu cung có bao phi tần mỹ nữ, trong lòng vua Càn Long vẫn luôn nhớ đến một người.
Nhắc đến Hoàng đế Càn Long, đa phần đều mường tượng ra ngay hình ảnh một vị hoàng đế anh minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông không chỉ lập được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực chính trị, xây dựng nhiều di tích văn hóa nổi tiếng.
Bên cạnh đó, câu chuyện trong "hậu cung" vua Càn Long cũng là đề tài thường xuyên nhận được sự quan tâm. Dù vậy, ít ai biết rằng dù có bao phi tần mỹ nữ bên cạnh, đối với vua Càn Long, Hiếu Hiền Hoàng hậu luôn nắm giữ một vị trí khó thay thế.
Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu Phú Sát Thị (hay Phú Sát Hoàng hậu) được sinh ra trong gia tộc Phú Sát, thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ. Đây được biết đến là một gia tộc lớn, có tiếng nói trong triều đình. Nhờ có diện mạo xinh đẹp lại tính cách dịu hiền nên nàng đã lọt vào mắt xanh của Hoằng Lịch và trở thành đích phúc tấn, sau này trở thành hoàng hậu khi Hoằng Lịch lên ngôi vua, lấy hiệu là Càn Long.
Trong suốt khoảng thời gian 20 năm bên nhau, Phú Sát hoàng hậu và vua Càn Long được cho là luôn kề cận, không còn chỉ là mối quan hệ vợ chồng mà còn giống như những người bạn tâm giao. Từ khi là hoàng tử đến cho đến lúc trở thành vua của một quốc gia, hoàng hậu đã luôn cùng vua Càn Long vượt qua mọi khó khăn.
Tuy nhiên, 1 năm sau khi hoàng hậu hạ sinh được Hoàng Thất Tử Vĩnh Tông, vị hoàng tử này lại không may qua đời khiến Hoàng Hậu Phú Sát vô cùng đau khổ. Vì thương xót vợ nên Càn Long đã quyết định cùng hoàng hậu đi thị sát về phía Đông. Khi đến Tề Nam, Hoàng hậu không may bị nhiễm phong hàn. Sau khi nghỉ ngơi vài ngày đã cảm thấy khỏe hơn, nên dự định quay về kinh thành nhưng khi thuyền đến Ôn Châu, bệnh của Hoàng hậu đột nhiên trở nặng khiến bà qua đời ở tuổi 37.
Cái chết của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu là một đả kích đối với Càn Long, khiến ông tổ chức một đại tang long trọng và dành cả đời để tiếc thương bà. Bên cạnh đó, Càn Long còn trọng dụng các nam duệ trong gia tộc của bà, nổi tiếng nhất là em trai út của bà, Đại học sĩ Phó Hằng (Phú sát Phó Hằng).
Mặc dù Càn Long vẫn qua đêm với các phi tần trong hậu cung, nhưng không có ai có thể thực sự khiến Càn Long quên đi được cố hoàng hậu, khiến ông ngày càng cô độc và mất một thời gian dài mới có thể bình tâm trở lại.
Người ta nói rằng trong thời gian dài, trạng thái tinh thần của Hoàng đế Càn Long luôn không ổn định. Ông thường cảm thấy rằng hoàng hậu vẫn như thể đang ở bên cạnh mình và thường đi đến những nơi mà vợ từng qua lại do quá thương nhớ bà.
Sau này, để giãi bày nỗi thương nhớ vợ, vua Càn Long đã làm một bài phú là Thuật bi phú, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong suốt cuộc đời của ông, để tưởng nhớ người vợ đã khuất, bộc lộ cảm xúc thật của mình giữa dòng thơ. Cũng có thông tin cho rằng, do người vợ mà ông yêu thương qua đời do bệnh ở Tế Nam nên kể từ đó, Càn Long chưa bao giờ đặt chân đến nơi đây thêm một lần nào nữa để tránh nhớ lại những kỷ niệm quá khứ của cả hai.
Nguồn: Sohu
Tags