- Chiêm ngưỡng nhan sắc dịu dàng của nữ cung thủ vừa đem về tấm vé thứ 15 dự Olympic Paris cho Việt Nam
- Nữ cung thủ xinh đẹp của Việt Nam chính thức giành vé dự Olympic 2024
- Kình ngư từng phá kỷ lục của Ánh Viên nhận suất đặc cách tham dự Olympic Paris 2024
- Đoàn Thể thao Việt Nam tăng tốc chuẩn bị dự Olympic 2024
- Chiến dịch tranh vé dự Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam: Chốt với 13 suất chính thức
Tính đến lúc này, thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn thành mục tiêu 14-15 suất dự Olympic Paris 2024. Đó là một cố gắng rất lớn trong bối cảnh TTVN đang có dấu hiệu chững lại về thành tích đỉnh cao. Nhưng ngay cả khi chúng ta hoàn thành kế hoạch đặt ra thì con số này vẫn khiêm tốn.
Thể thao Thái Lan nhiều khả năng sẽ đạt hơn 40 suất, còn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore hiện đã có số suất nhiều hơn Việt Nam gần gấp rưỡi.
Điều này không nằm ngoài dự đoán, vì từ thành tích thi đấu ở Asiad 19, nơi mà TTVN vẫn chưa thể cải thiện vị thế quốc tế so với những đối thủ quen thuộc SEA Games, cho đến nay chúng ta không có đủ thời gian để thay đổi bất kỳ điều gì liên quan đến nội lực.
Mặc dù Olympic diễn ra 4 năm một lần, nhưng các suất tham gia chủ yếu được chọn lựa thông qua các cuộc thi đấu đẳng cấp thế giới vẫn được tổ chức định kỳ hàng năm.
Điều này có nghĩa các VĐV đến được với Thế vận hội thường phải duy trì thành tích thi đấu của mình một cách liên tục. Nói cho dễ hiểu, đây là câu chuyện về đẳng cấp. Yếu tố may mắn, nếu có, thì cũng rất ít. Mọi thứ phụ thuộc vào thực lực của VĐV, quá trình đầu tư trong tập luyện để cải thiện thành tích.
Đơn cử như trong số các suất đã có hiện nay, thì chỉ bắn súng là đủ khả năng để tạo nên bất ngờ. Ở Asiad 2019, nơi chúng ta chưa từng có chiếc HCV bắn súng nào dù liên tục tham gia, nhưng đã có chiến thắng ở chính nội dung từng làm nên chiến tích của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.
Trong khi đó, các môn như bắn cung, cầu lông, cử tạ, xe đạp, bơi… hiện vẫn còn ở một khoảng cách xa xo với thế giới. Thực tế thì ở các môn thi cơ bản của Olympic, chúng ta có rất ít VĐV ở tầm thế giới, điều có thể nhận biết đơn giản qua các giải vô địch toàn cầu hàng năm.
Nhưng cũng thông qua những suất dự Olympic đã đạt được, có thể thấy TTVN hoàn toàn đủ khả năng tiếp cận với trình đ thế giới ngay cả với các môn khó, ít phổ biến. Chỉ có điều, chúng ta vừa ít về số lượng và yếu cả về chất lượng. Đó là một bài toán bắt buộc các nhà làm thể thao phải chọn lựa các giải pháp phù hợp.
Lấy ví dụ như trường hợp môn bắn súng, cách đây không lâu, ở SEA Games 2019 tại Philippines, bắn súng Việt Nam lần đầu tiên không có chiếc HCV nào. Một môn có thể coi là sở trường, là thế mạnh, nhưng vẫn có đoạn gãy như vậy thì thử hỏi việc đầu tư cho các môn cực khó như điền kinh sẽ ra sao?
Chi tiết này phản ảnh công tác đầu tư cho các môn trọng điểm vẫn còn nhiều bất cập, còn phụ thuộc nhiều vào tính thời điểm của từng thế hệ VĐV. Vì vậy mà không chỉ hạn chế về số suất dự Olympic mà khả năng để TTVN tạo ra kỳ tích tại đấu trường vĩ đại này cực kỳ nhỏ.
Quá trình chật vật đi tìm từng suất dự Paris 2024 cho thấy TTVN cần thay đổi thực sự từ gốc rễ. Đã đến lúc tách bạch từng mục tiêu: SEA Games – Asiad và Olympic. Cũng đã đến lúc cần quyết liệt thu hẹp các môn được dùng ngân sách Nhà nước thay vì phân bổ theo kiểu ai cũng có phần, môn nào cũng quan trọng. Ví dụ như môn thể thao cốt lõi là điền kinh, cho dù có đầu tư mạnh thì cũng chưa bảo đảm sẽ có suất dự Olympic nhưng chính vì thế mới cần tập trung toàn lực để cải thiện thành tích một cách lâu dài.
Không nên duy trì tình trạng đứng đầu SEA Games nhưng lại không có nổi huy chương Asiad, hoặc Olympic. Bởi lúc đó, việc số 1 SEA Games của điền kinh đâu có giá trị gì?!
Trong các nội dung có vé đến Paris 2024, điều dễ nhận thấy là trên 70% môn thi đấu khá phù hợp với tố chất VĐV Việt Nam, như võ, cầu lông hay bắn súng… 60% trong số đó cũng là các môn giúp chúng ta tham dự Olympic Tokyo 3 năm trước.
Nói cách khác, số lượng suất có thể lúc nhiều, lúc ít nhưng về cơ bản thì chúng ta có thể hình thành "nhóm môn tìm vé Olympic". Từ nhóm này, sẽ bổ sung thêm vài môn để hình thành "Nhóm tranh huy chương Asiad". Đây chính là nơi mà chúng ta cần đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng thành tích, tránh cảnh phải hồi hộp đếm vé.
Về mặt khách quan, dù đã có nhiều thay đổi nhưng SEA Games cho đến nay vẫn còn nặng tính dàn trải, tính cạnh tranh và áp lực thi đấu không quá lớn, không còn là đấu trường chủ lực của các VĐV đang ở đẳng cấp châu Á hay thế giới. SEA Games như một "sân chơi" hơn là nơi tranh đấu của các tài năng.
Tags