(Thethaovanhoa.vn) - Lễ sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của Đường sách TP.HCM diễn ra vào chiều qua 17/7. Dù cho những cái nhìn thiếu lạc quan về văn hóa đọc vẫn hiện diện, và Việt Nam vẫn còn thuộc nhóm những quốc gia ít đọc sách, nhưng các con số mà Đường sách TP.HCM đã đạt được là một tín hiệu đáng vui.
Với 491.385 cuốn sách của 31.940 tựa sách được bán, thu về hơn 22,2 tỷ đồng, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Đã có 15 đơn vị đạt doanh thu tăng từ 10% đến hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Đông A tăng 26%, NXB Trẻ tăng 23%, Nhã Nam tăng 22%, NXB Kim Đồng tăng 17%...
Rồi, hai đơn vị có doanh thu đột biến là Xunhasaba tăng 80,87%, Đại học Hoa Sen tăng 62%. Một điểm đáng chú ý nữa là số tựa sách mới đã tăng 16,3%, năm nay là 1.995 tựa, 6 tháng đầu 2018 là 1.223 tựa.
“So với các đường sách khác, Đường sách TP.HCM khẳng định sức sống mãnh liệt với hàng loạt các hoạt động gắn với các chủ đề cụ thể qua từng tháng. Bên cạnh việc giới thiệu, giao lưu ra mắt sách mới, các hoạt động tại đây đều hướng đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ và mang tính lan tỏa cao. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng thu hút khách đến tham quan, mua sắm, từ đó thúc đẩy doanh thu của các gian hàng” - đại diện của Công ty Sách Phương Nam cho biết.
- Các dự án đường sách tại Việt Nam: Giải mã sự thành công của Đường sách TP.HCM
- Đường sách TP.HCM khai hội sách mùa Hè
Ai cũng biết, trong thời buổi bùng nổ của mạng Internet, việc kinh doanh sách - đặc biệt là sách in truyền thống - không bao giờ là chuyện dễ dàng. Vậy, tại sao, Đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP.HCM vẫn có thể tồn tại?
Câu hỏi này đã liên tục được trả lời trong các năm qua. Lần này một người hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, xin giấu tên, cắt nghĩa với Thể thao và Văn hóa (TTXVN). Người này nói: “Sách chỉ là một trong vô số món hàng được tiêu thụ áp đảo về số lượng tại địa bàn TP.HCM. Khảo sát về việc bán vé phim, vé sân khấu, vé ca nhạc, bán băng đĩa, bán văn phòng phẩm… cũng cho thấy sự áp đảo điều này. Một phần có thể đến từ thu nhập của TP.HCM cao hơn, dân đông hơn những nơi khác, một phần đến từ thói quen mua sắm, tiêu xài của người dân nơi đây”.
Những thống kê tạm thời cho thấy, sau hơn 3 năm thành lập, Đường sách TP.HCM đã có doanh thu hơn 105,7 tỷ đồng, với hơn 2 triệu bản sách được bán, với 443 chương trình giới thiệu sách, giao lưu tác giả, thảo luận, diễn đàn... Sức lan tỏa từ hơn 2 triệu cuốn sách chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến hiện tại và tương lai, đặc biệt là những độc giả trẻ tuổi. Giống như Tổng thống Barack Obama từng chia sẻ tại một trường tiểu học trong nhiệm kỳ của mình: “Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.
Đọc sách đang bị thách thức, cạnh tranh bởi nhiều phương tiện giải trí khác, đó là thực tế, nhưng không thể ngồi than thở mà cứu vãn được tình hình. Liên tục đổi mới phương thức hoạt động, cố gắng tạo sự gần gũi nhất có thể là cách đã giúp cho Đường sách TP.HCM thành công bước đầu.
Dù xuất bản truyền thống còn đang trong giai đoạn khó khăn, chúng ta hãy cứ nhìn vào những con số được đưa ra tại đây để tin vào khả năng nâng cao văn hóa đọc, tin vào cơ hội rút ngắn khoảng cách tri thức với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Vô Ưu
Tags